Đến với Quảng Nam từ năm 2003, Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) đã từng bước phát triển mạnh mẽ và hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, vững tin cho bước tiến hội nhập.
Hướng đến Tập đoàn công nghiệp đa ngành
Từ khi đầu tư nhà máy đầu tiên đến nay, Khu công nghiệp THACO Chu Lai đã phát triển tổng diện tích hơn 1.200 ha với tổng vốn đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm Khu công nghiệp Cơ khí & Ô tô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu Cảng và hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai.
Hiện nay, THACO Chu Lai được xem là trung tâm công nghiệp ô tô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và hàng đầu trong khu vực ASEAN, bao gồm: 7 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, 12 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí, trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D), trường đào tạo nghề, cảng biển và hệ thống dịch vụ logistics, khu nhà ở chuyên gia và công nhân, trung tâm thương mại và khu đô thị có chức năng phục vụ hạ tầng xã hội của Khu kinh tế mở Chu Lai.
THACO hoạch định chiến lược là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô và cơ khí là chủ lực, đồng thời phát triển các ngành sản xuất kinh doanh mới có tính chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, bổ trợ và tích hợp với nhau nhằm tạo ra những giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, gồm nông - lâm nghiệp, đầu tư - xây dựng, logistics và thương mại - dịch vụ. THACO hiện là doanh nghiệp có doanh số và thị phần luôn dẫn đầu thị trường với hơn 733.921 xe đã được bán ra từ 2005.
Sự phát triển của THACO đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Quá trình đầu tư của THACO đã góp phần tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động cho 8.700 người, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (chiếm 65 đến 70% tổng thu ngân sách của tỉnh hằng năm). Dự kiến, năm 2020, tổng nộp ngân sách tại tỉnh Quảng Nam là 12.959 tỷ đồng.
Tự tin hội nhập
Tỷ lệ nội địa hóa ô tô của THACO cao nhất Việt Nam hiện nay (từ 17 - 62%). Trong bối cảnh cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN và các nước trên thế giới, sản lượng ô tô các loại của THACO bán ra trong 2 năm 2018 và 2019 đạt bình quân trên 90.000 xe/năm, chiếm hơn 30% thị phần thị trường Việt Nam.
Trước yêu cầu hội nhập, THACO nghiên cứu đặc điểm các thị trường có tiềm năng, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu khách hàng và quy định của từng quốc gia; tìm kiếm đối tác để đàm phán, xây dựng các dự án xuất khẩu khả thi, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt tại từng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực (RVC) để hưởng thuế suất 0% theo hiệp định ATIGA trong khu vực ASEAN.
Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cùng với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường ô tô, THACO đã nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Liên tục từ đầu năm 2020 tới nay, THACO vẫn luôn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường ô tô về thị phần. Tháng 8 vừa qua, thị phần của THACO là 37,5%. Thaco đang triển khai thực hiện chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất tại Việt Nam như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), đồng thời xuất khẩu ô tô, linh kiện phụ tùng sang các nước ASEAN.
Đặc biệt, trước làn sóng chuyển dịch các nhà máy sang Việt Nam, Thaco có những kế hoạch đón đầu xu hướng này. Các tập đoàn đa quốc gia mở rộng tìm đối tác liên doanh, liên kết, đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty phát triển chuỗi cung ứng có nhu cầu tìm nguồn cung cấp có giá cạnh tranh nhằm thay thế các sản phẩm từ Trung Quốc để xuất khẩu sang nước thứ 3. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh và tập trung nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư để có thể đáp ứng và tìm kiếm cơ hội hợp tác. THACO xác định lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp, công nghệ sản xuất, giải pháp quản trị và mạng lưới logistics, do đó có thể đón đầu xu hướng chuyển dịch các nhà máy sang Việt Nam.