Vững bước sau 20 năm

XUÂN NGHĨA 29/08/2014 09:23

Tiếp nối truyền thống anh hùng trong kháng chiến, chính quyền và nhân dân Tam An đang từng ngày viết tiếp trang sử của quê hương trên hành trình xây dựng và phát triển. Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân toàn xã đang hướng đến mục tiêu hoàn thành thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014.
Vượt khó

Lần vào ký ức 20 năm trước, ông Bùi Kim Anh - Bí thư Đảng ủy xã kể về những ngày đầu Tam An (thuộc thị xã Tam Kỳ cũ) được tách thành 2 đơn vị hành chính cấp xã là Tam An và Tam Đàn đúng vào dịp Quốc khánh 2.9.1994. Khi đó xã phải mượn cơ quan Hợp tác xã nông nghiệp 2 Tam An (đóng tại thôn An Thiện) làm trụ sở; toàn đảng bộ có 54 đảng viên sinh hoạt ở 5 chi bộ (trong đó có 4 chi bộ ghép). Lúc bấy giờ gần 100% hộ dân Tam An làm nông nghiệp nên đời sống gặp vô vàn khó khăn, ngay cả người dân sống dọc quốc lộ và ĐT 615 cũng chỉ 60% số hộ có điện sinh hoạt; toàn xã có 27% là hộ nghèo, thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/hộ/năm. Khi chia tách, toàn xã có một trường tiểu học đã xuống cấp, chưa có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Trước bề bộn khó khăn của những ngày đầu chia tách, được sự chỉ đạo của Thị ủy Tam Kỳ, Đảng ủy, chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm hướng đi giúp Tam An phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phát huy nội lực sức dân gắn với quy hoạch tổng thể. Đồng thời đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lúa, quy hoạch mô hình rau sạch giúp nhân dân dần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. “Từ những hướng đi mang tính chiến lược đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết với chủ trương quy hoạch trung tâm hành chính tại thôn An Hòa và vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng để làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội như ngày hôm nay” - ông Anh nói.

Trung tâm hành chính xã Tam An trên ĐT 615. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trung tâm hành chính xã Tam An trên ĐT 615. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chủ tịch UBND xã Tam An - Bùi Văn Toàn cho biết, bên cạnh xác định quy hoạch làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 3.6.1998, thôn Thuận An xã Tam An vinh dự được UBND tỉnh chọn làm điểm tổ chức lễ phát động xây dựng thôn văn hóa đầu tiên của Quảng Nam. Với tinh thần trách nhiệm của nhân dân và các hội đoàn thể, phong trào xây dựng thôn văn hóa đã thổi luồng gió mới vào đời sống người dân; nhà nhà thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, làm kinh tế, chăm lo chuyện học hành cho con em. Từ những đổi thay của Thuận An, phong trào xây dựng thôn văn hóa được nhân rộng toàn xã, lan tỏa từng khu dân cư, đến tháng 11.2000, cả 7 thôn trên địa bàn xã đã phát động xây dựng thôn văn hóa. Ngày 25.7.2002, Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam An tổ chức lễ phát động xây dựng xã văn hóa đầu tiên của Phú Ninh và làm nền tảng cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tam An hôm nay.

Đổi thay

Những cung đường liên thôn băng qua cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa ngày nào còn sình lầy, nay đã được bê tông hóa giúp các em học sinh đến trường thuận tiện và phục vụ đắc lực cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2009 toàn xã có 136 hộ nghèo (chiếm 7,6%), đến nay giảm còn 90 hộ nghèo (chiếm 4,87%) và đang phấn đấu trong năm 2014 tiếp tục giảm 15 hộ nghèo. Đặc biệt, từ khi thành lập huyện Phú Ninh đến nay, kinh tế - xã hội Tam An tiếp tục phát triển, sản lượng lương thực hằng năm luôn đạt mức ổn định từ 4.300 - 4.500 tấn, mức tăng trưởng kinh tế 16 - 18%/năm. Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng ngành  tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng qua từng năm. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã - Huỳnh Tấn Ban nói, từ một xã chỉ có con trâu gắn liền với đồng ruộng, nhân dân Tam An  đã đầu tư 24 máy cày, máy gặt đập liên hợp giải phóng sức lao động, là xã đứng đầu huyện về cơ giới hóa đồng ruộng.

Giai đoạn 1994 - 2014, xã Tam An lần lượt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động (các hạng Nhì, Ba); 5 năm liền được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua; Đảng bộ 18 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Tại hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2013, nhân dân và cán bộ xã Tam An vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Toàn cho hay, để đưa cơ giới hóa vào từng cánh đồng thực hiện hiệu quả kế hoạch quy hoạch sản xuất gắn với chủ trương dồn điền đổi thửa, giai đoạn 2011 - 2013 Tam An đã hoàn thành cơ bản 350/350ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống giao thông bờ vùng, bờ thửa được quy hoạch đắp mới gồm 51 tuyến, tổng chiều dài 16.300m, trong đó có 25 tuyến có mặt đường rộng hơn 4m. Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng được chỉnh trang có chiều dài 28km phục vụ nước tưới cho nhiều cánh đồng lúa, trong đó 7,5km kênh mương trọng yếu đã được bê tông hóa. Đây là thuận lợi để Hợp tác xã Tam An 1 và 2 liên kết với đơn vị ngoài tỉnh bao tiêu lúa giống, lúa hàng hóa cho nông dân.

Không chỉ giúp người dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập trên từng cánh đồng, hội - đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp với các thôn tuyên truyền chủ trương chính sách của nhà nước, giới thiệu những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sản xuất, hình thành nên các gia trại hiệu quả kinh tế cao trong nhân dân. Ông Hồ Tấn Kiếm (60 tuổi, thôn An Thiện) cho biết, đời sống nhân dân ổn định và phát triển từ khi xã phát động xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào này, tình đoàn kết ở cộng đồng dân cư khắng khít hơn; bà con nhận thức được rằng xây dựng thôn xóm cũng chính là vì gia đình mình, nên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, tự quản bảo vệ bình yên thôn xóm.

Lòng dân đồng thuận

Những năm 2000, khi xã có chủ trương làm đường, phát triển hệ thống giao thông, nhân dân các thôn xóm đồng lòng ngay. Thời điểm đó dù chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng bằng sự đóng góp của nhân dân, Tam An đã hoàn thành khoảng 1km bê tông giao thông từ khu dân cư ra cánh đồng đội 12, thôn Phước An. Đến năm 2004, khi có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Tam An đã hoàn thành 80% đường giao thông nông thôn trên toàn xã; đặc biệt, tuyến ĐH5 Tam An - Tam Thành lầy lội ngày nào nay được thảm nhựa; nhiều công trình dân sinh khác cũng đã và đang được hình thành.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, Tam An luôn chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Sự chỉ đạo của cấp ủy đảng và sự hưởng ứng của toàn dân là chìa khóa mở cánh cửa chất lượng giáo dục toàn diện trong các cấp học, khơi dậy phong trào thi đua dạy tốt - học tốt và được duy trì thành nền nếp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đạt 100%, trong đó có 30% đạt trên chuẩn..., từ đó tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các trường ngày càng tăng, học sinh tốt nghiệp THCS luôn đạt tỷ lệ cao. Tam An cũng là đơn vị đầu tiên của Phú Ninh được cấp trên kiểm tra và công nhận hoàn thành chương trình phổ cập bậc THPT từ năm 2008; các Trường Mẫu giáo Họa Mi, Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Nguyễn Trãi đều đã đạt chuẩn quốc gia.

Nói về kinh nghiệm trong lãnh đạo chính quyền thực hiện các chủ trương, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Kim Anh đúc kết: “Tạo sự đồng thuận giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể để từ đó tạo gắn kết trong nhân dân chính là nhân tố quan trọng nhất để thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để có được điều này cần biết tranh thủ ý kiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt trên địa bàn, tiếp công dân vào ngày thứ Bảy, từ đó chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Dựa vào các nguồn lực trong dân để xã hội hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng  phải coi nhân dân là chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới”.
                                                                                                         TAM THĂNG

XUÂN NGHĨA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vững bước sau 20 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO