"Vùng cấm" cho những cánh rừng

TRẦN HỮU 08/03/2013 09:00

Việc cấm người, phương tiện, dụng cụ trái phép vào rừng của UBND tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Không ít “điểm nóng” phá rừng đã được chặn đứng.

Từ những buổi họp dân như thế này, các địa phương miền núi lồng ghép việc tuyên truyền công tác bảo vệ rừng. Ảnh: T.HỮU
Từ những buổi họp dân như thế này, các địa phương miền núi lồng ghép việc tuyên truyền công tác bảo vệ rừng. Ảnh: T.HỮU

Tuyên truyền sâu rộng

Từ khi Chỉ thị 20/2012/CT-UBND, ngày 21.8.2012 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng (gọi tắt Chỉ thị 20) ra đời, nhiều địa phương đồng loạt tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận cơ sở. Lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương triển khai họp dân để phổ biến từng “vùng cấm” cụ thể theo tinh thần của Chỉ thị 20. Tại TP. Hội An (nơi còn dãy rừng nguyên sinh bao bọc xã đảo Tân Hiệp) có ít nhất 4 lần họp dân với hơn 560 lượt người tham dự. Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn quán triệt chỉ thị tại 66 thôn, khối phố với 2.135 lượt người tham gia. Thông qua cuộc họp, yêu cầu 170 hộ toàn huyện đang nuôi trâu kéo, sử dụng máy cưa… ký cam kết không vi phạm rừng. Trong khi đó, huyện Đại Lộc đã thống kê được danh sách các tổ chức, cá nhân tác động đến rừng. Cụ thể, có 84 hộ khai thác, buôn bán vận chuyển than hầm; 130 cưa máy cầm tay, 21 ghe máy chuyên hoạt động vận chuyển gỗ lậu trong lòng hồ Khe Tân…

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay hầu hết địa phương có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đều đã hoàn thành công tác đặt biển báo, biển cấm người, phương tiện, dụng cụ trái phép vào. Theo ông Từ Duy Khánh - Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), việc đặt biển cấm càng thể hiện ý chí, quyết tâm “đóng cửa” rừng tự nhiên. Trước đây, người dân ở miền núi lợi dụng sức kéo của trâu để vận chuyển gỗ trái phép. Theo thống kê, trước đây có hàng trăm “trâu tặc” hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Nam Giang đi Phước Sơn, nhưng bây giờ trâu không dám thả rông đến “vùng cấm”. Lý do đơn giản, chỉ cần lực lượng chức năng phát hiện là có thể thu giữ trâu ngay, bất luận trâu chăn thả với mục đích gì. Kiểm lâm địa bàn bố trí rộng khắp, ngoài nắm thông tin phá rừng từ “tai mắt” nhân dân, còn đóng vai trò là tuyên truyền viên phổ biến Chỉ thị 20.

Mỗi tháng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có chuyên mục tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Ở cấp huyện, ngoài tuyên truyền trên sóng phát thanh còn bằng hình thức phổ biến lưu động, cổ động trực quan. “Phương châm hành động của ngành kiểm lâm là các chỉ thị, chỉ đạo phải đi vào thực tiễn, tuyên truyền liên tục, thường xuyên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Khi người dân hiểu sâu về chính sách, pháp luật của Nhà nước thì hành vi tác động vào rừng sẽ giảm dần” - ông Khánh nói.

Hạ nhiệt “điểm nóng”

Trước đây, các xưởng cưa vòng hoạt động khá rầm rộ dọc tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn; tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở các lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4, thủy điện A Vương… tạo ra “điểm nóng”, nhưng bây giờ tình hình lại trở nên khá im ắng. Dịp tết vừa qua không còn tái diễn tình trạng lâm tặc trắng trợn “cướp gỗ” từ tay lực lượng kiểm lâm như thời gian trước. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số vụ và khối lượng gỗ phát hiện trong 2 tháng đầu năm giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Qua tuần tra, kiểm tra phát hiện, xử lý gần 100 vụ phá rừng, tịch thu hơn 150m3 gỗ các loại, tạm giữ hơn 10 ô tô, ghe thuyền tham gia vận chuyển gỗ trái phép... Phá rừng chủ yếu rơi vào đối tượng mở đường khai thác khoáng sản trái phép, người dân phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm, nhờ chủ động, chuẩn bị tốt các phương án, bố trí lực lượng kiểm lâm “gác cổng” rừng thường xuyên, sau tết không còn xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn ở các “vùng cấm”. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, trong dịp tết, đã đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng, tiêu hủy nhiều tài sản, phương tiện có giá trị lớn phục vụ cho việc triệt hạ gỗ nên tình hình yên ổn hơn. Mới đây, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã trực tiếp làm việc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và một số hạt kiểm lâm miền núi nhằm quán triệt tinh thần, tiếp tục đưa lực lượng kiểm lâm cơ động đến truy quét, phá và chặn đứng những đường dây có tổ chức, tiếp tay cho lâm tặc lộng hành. “Chỉ thị 20 đã thực sự “bắt đúng bệnh”, có tác dụng trước mắt lẫn lâu dài trong nhiệm vụ giữ rừng. Cả hệ thống chính trị cùng hành động, thể chế hóa bằng quy định pháp luật cụ thể, chắc chắn những cánh rừng sẽ  còn ít bị náo động bởi lâm tặc” - ông Tuấn nhấn mạnh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vùng cấm" cho những cánh rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO