Trong bước chuyển mình của miền núi Quảng Nam thời gian qua, việc tập trung đầu tư, phát triển giáo dục, y tế đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của vùng, là nền tảng vững chắc cho quá trình đi lên.
Phát triển mạng lưới trường học
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua mạng lưới trường lớp ở vùng cao luôn được chú trọng phát triển, đáp ứng với nhu cầu dạy và học tại các địa phương. Kết quả từ các chương trình đầu tư, xây dựng cơ bản, đến nay nhiều trường học vùng cao đã và đang dần được mở rộng với nhiều hạng mục khang trang, đảm bảo theo chuẩn mới.
Là một trong những địa phương “nghèo nhất nước”, nhưng Tây Giang được đánh giá có nhiều bước đột phá trong việc nỗ lực xây dựng trường học cơ sở, tạo điều kiện chăm lo cho con em đồng bào DTTS tại địa phương. Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, địa phương luôn xác định chất lượng giáo dục là nền móng cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nguồn nhân lực cho miền núi trong tương lai. Vì vậy, cùng với đầu tư, xây dựng các trường học, Tây Giang con chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tốt mọi điều kiện dạy và học cho thầy trò vùng cao. Một trong những khâu đột phá đó chính là chính sách ưu tiên trong giáo dục, hướng đến xây dựng các trường học đạt chuẩn, chất lượng. “Bằng các nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp, trong 5 năm qua địa phương đã đầu tư 30 công trình giáo dục, xây dựng 72 phòng học, cùng 28 nhà công vụ giáo viên, đảm bảo các trang thiết bị dạy học. Đến nay, đã có nhiều trường đăng ký và được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới; phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng nhiều mô hình học tập tiến bộ, thông qua các phong trào “Tiếng kẻng học bài”, quỹ “Ươm mầm Tây Giang” giúp học sinh nghèo vượt khó với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng” - ông Mia nói.
Hệ thống trường lớp được đầu tư mở rộng ở miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tương tự, việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường học cũng được thực hiện đồng bộ tại nhiều địa phương như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn,... đáp ứng với nhu cầu “trồng người” của miền núi. Theo bà Ating Thị Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, từ các nguồn vốn huy động tại chỗ, nguồn chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng cao của Chính Phủ, thời gian qua địa phương đã quan tâm đến việc xây dựng và sửa chữa các trường học trên địa bàn, từng bước hoàn thành chương trình mục tiêu về giáo dục. Trong đó, nhiều hạng mục công trình của Trường THPT Quang Trung, Trường THCS Mẹ Thứ (thị trấn P’rao); Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Sông Kôn)... đang dần chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập của học sinh miền núi.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho rằng, việc chú trọng đầu tư các cơ sở hạ tầng trường học tại địa bàn miền núi, ngoài mục đích đảm bảo điều kiện học tập, đáp ứng nhu cầu bức thiết, còn tạo được cơ hội để các trường chuẩn hóa về cơ sở, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. “Năm 2014, Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 8 công trình trường học, nhà ăn, nhà ở học sinh bán trú tại các điểm trường tiểu học và THCS xã Tà Pơơ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, từ ngân sách được tỉnh bổ sung năm 2014, chúng tôi cũng đã đầu tư 7 công trình vệ sinh tại các cơ sở trường học, cùng các công trình nhà đa năng Trường THCS Thạnh Mỹ; san ủi mặt bằng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ; mua sắm tập trung các trang thiết bị phục vụ dạy học... với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng” - ông Bình cho biết thêm.
Trung tâm Y tế huyện Đông Giang được xây mới, cùng với tập trung đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Chăm lo sức khỏe người dân
Song hành với giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi đang là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, đầu tư nâng cấp cơ sở y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào DTTS. “Hệ thống các cơ sở y tế miền núi đang từng bước được hoàn thiện. Đây là điểm tựa quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là tập trung chăm lo đời sống nhân dân, từng bước cải thiện năng lực khám chữa bệnh ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS” - ông Thanh chia sẻ.
“Dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế, ưu tiên cho các địa bàn miền núi là chủ trương lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, cải thiện đời sống nhân dân vùng cao. Đây cũng chính là nền tảng tạo động lực để miền núi từng bước phát triển, cân bằng với các địa phương khác trong thời gian sắp đến”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh) |
Hướng đến mục tiêu tất cả người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào DTTS, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, có chất lượng, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) được tích cực chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 77,64% dân số, trong đó hộ nghèo, người DTTS được hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Ngoài ra, ngành y tế cũng thường xuyên triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh ở cơ sở, tăng cường phòng chống dịch ở các địa bàn miền núi. Nhờ đó, người dân vùng cao có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh, phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm, nâng cao sức khỏe. Giữa tháng 7 vừa qua, dịch bệnh bạch hầu rộ lên ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) khiến không ít đồng bào Bh’noong ở địa phương lo lắng. Ngành y tế đã có mặt kịp thời, triển khai công tác chống dịch, ngăn ngừa bùng phát, đồng thời khám chữa bệnh tại chỗ, hỗ trợ thuốc men, tiêm chủng cho đồng bào, nhanh chóng khống chế ổ dịch, hạn chế tử vong. Tình trạng người dân thiếu thuốc, không có điều kiện khám chữa bệnh dẫn đến các hình thức cúng bái mê tín cũng dần lùi xa khi đội ngũ cán bộ y tế thôn bản được kiện toàn.
Nhìn vào nguồn lực đầu tư dành cho ngành y tế những năm qua, có thể nhận thấy chủ trương tập trung cho y tế đang được cụ thể hóa ở nhiều vùng, nhiều địa bàn qua hệ thống các cơ sở y tế, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ. Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi, nhiều cơ sở y tế đã được nâng cấp xây dựng, đưa vào phục vụ với các dịch vụ chất lượng cao, như tại Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My… Người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật, không chỉ đảm bảo tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà còn góp phần giảm áp lực cho các tuyến trên”.
Xây dựng khung kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế tiếp tục đặt mục tiêu ưu tiên phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm chính sách khám chữa bệnh người nghèo, đồng bào DTTS, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện nhằm đem lại sự hài lòng của người bệnh ở tất cả cơ sở y tế, các tuyến.
ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG