Lần đầu tiên góp mặt trong các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam, huyện vùng cao Nam Trà My và Tây Giang đang tích cực hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng, sẵn sàng cho ngày khai hội lần thứ VI.
|
Cây nêu, vật không thể thiếu trong các lễ hội ở vùng cao Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đậm sắc màu truyền thống
Với “đặc sản” là văn hóa đậm bản sắc truyền thống của người Cơ Tu, lần này huyện Tây Giang góp một chương trình độc đáo: Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam. Diễn ra từ 11 đến 13.6 với sự tham gia của 19 dân tộc thiểu số có cây nêu đặc trưng đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thay vì lễ mừng lúa mới đã có hơi hướng quen thuộc đối với người dân và du khách, hay một số lễ hội được phục dựng, đưa vào trình diễn thường xuyên ở các sự kiện lớn, thì lễ dựng cây nêu là nét mới lạ, một mảng màu chưa được hiện diện nhiều từ trước đến nay. Đây là một trong những yếu tố thu hút đặc biệt của Tây Giang ở festival lần này. Ông Alăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang chia sẻ, để chuẩn bị cho lễ hội, địa phương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi từ các già làng uy tín, những nghệ nhân chuyên về điêu khắc của địa phương lẫn các cấp chính quyền, một số chuyên gia văn hóa để tìm hiểu, bàn bạc và đi đến thống nhất chọn lựa mẫu cây nêu cổ xưa và đầy đủ nhất của người Cơ Tu. “Thông qua việc lấy ý kiến các già làng, những người có uy tín, chúng tôi đã phác thảo và chọn lựa được mẫu cây nêu quy tụ được tất cả yếu tố tiêu biểu, nguyên mẫu và đầy đủ nhất. Từ hình mẫu này, việc chế tác sẽ được bàn giao cho vị già làng uy tín và am hiểu về điêu khắc cây nêu cùng đội nghệ nhân giúp việc. Hiện tại, hai cây nêu, một lớn một nhỏ đang được khẩn trương chế tác ngay tại Làng văn hóa Cơ Tu Tây Giang để kịp dựng phục vụ cho festival” - ông Bưng cho hay.
Trong khi phía Tây Giang rộn ràng công tác chuẩn bị cho “Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam”, ở Nam Trà My, một lễ hội sâm núi vừa đậm chất truyền thống, vừa phục vụ quảng bá cho đặc sản của địa phương cũng đang vào giai đoạn tất bật nhất. Không chỉ đơn thuần là dịp quảng bá giá trị của cây sâm Ngọc Linh và tiềm năng về dược liệu, địa phương này cũng rất chú trọng đến việc chuẩn bị các nội dung nhằm giới thiệu nét đẹp đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My tới du khách trong và ngoài nước. Diễn ra từ ngày 10 đến 13.6, Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ I-2017 sẽ có hàng loạt hoạt động như lễ cúng thần núi, thần sâm, lễ cưới của đồng bào vùng cao được tái hiện. Sẽ là không gian đậm đặc âm hưởng núi rừng của đêm cồng chiêng. Hay những hội chợ ẩm thực địa phương, triển lãm sâm Ngọc Linh và nông sản là cơ hội không thể tốt hơn để địa phương này đưa các giá trị truyền thống đến với du khách trong một mùa festival đầy sôi động. “Hiện tại, khâu tổ chức kịch bản, xây dựng nội dung các lễ hội được phục dựng, đến chuẩn bị địa điểm, lên chương trình cho mọi hoạt động đều tiến hành đúng theo kế hoạch đề ra. Trong lễ hội lần này, chúng tôi huy động sự tham gia của người dân toàn huyện, với quan điểm chính người dân phải là chủ thể của lễ hội. Mọi hoạt động được tổ chức phong phú, đa dạng, là nơi để người dân vui chơi, giải trí, tận hưởng nét văn hóa đặc trưng vốn có của mình” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.
Cơ hội quảng bá
Trong Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, những lễ hội ở Nam Trà My, Tây Giang được kỳ vọng là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu văn hóa truyền thống lẫn những tiềm năng lớn về du lịch đến đông đảo du khách. Để đảm bảo tốt nhất cho mục tiêu này, mọi khâu chuẩn bị dù nhỏ nhất đều được tính đến, như sắp xếp, bố trí nơi ăn ở, bảo đảm an ninh trật tự, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm… Tại những địa điểm diễn ra hoạt động chính của lễ hội, công tác duy tu, sửa chữa được đặc biệt quan tâm, nhằm mục đích vừa phục vụ tốt nhất cho lễ hội, vừa phát huy được hiệu quả lâu dài cho địa phương trong thời gian tới.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bríu Liếc (bên phải, ở giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị cho festival tại Làng văn hóa Cơ Tu. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Làng văn hóa Cơ Tu Tây Giang những ngày này rộn ràng hơn thường lệ. Cùng với đông đảo nghệ nhân được huy động cho việc chế tác cây nêu truyền thống phục vụ cho nghi thức dựng cây nêu, trong khuôn viên làng văn hóa, hàng chục nhân công đang hối hả thi công chỉnh trang sửa chữa gươl, gia cố mặt bằng nơi diễn ra lễ dựng nêu, sửa chữa đường đi. Có mặt tại hiện trường thi công các hạng mục sửa chữa phục vụ cho festival, Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bríu Liếc cho hay, địa phương luôn đôn đốc, thường xuyên kiểm tra đẩy nhanh tiến độ thi công, phương án chuẩn bị đều được tính toán để phát huy tốt nhất việc phục vụ cho lễ hội, nhưng phải đảm bảo chất lượng để còn giữ được giá trị sử dụng cho sau này.
Còn tại Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu cho hay, không chỉ quảng bá, nâng tầm giá trị cho cây sâm núi Ngọc Linh, lễ hội còn là dịp giới thiệu, tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc miền núi Quảng Nam. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư vào Nam Trà My. “Tới thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của địa phương, sẵn sàng cho ngày khai mạc Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh” - ông Bửu nói.
Chuẩn bị chu đáo, cẩn thận từng khâu Ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam vừa có buổi làm việc với huyện Tây Giang về công tác chuẩn bị tổ chức đăng cai “Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Tổng đạo diễn chương trình cho biết, việc tổ chức lễ hội lần này sẽ gồm hai phần lễ và hội, tuy nhiên hai phần này không tách riêng mà xen kẽ nhau. Sân khấu thiết kế, âm nhạc phải mang bản sắc miền núi, cây nêu phải đúng hình thức cổ truyền… Còn theo ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh (QRT), lễ hội dựng cây nêu chỉ truyền hình trực tiếp trên sóng QRT. Do đặc thù miền núi xa xôi nên việc đảm bảo đường truyền là rất quan trọng, Ban tổ chức cần có phương án 2 dự phòng khi điều kiện thời tiết bất lợi… Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Việt Nam nhấn mạnh, sự kiện này là dịp để trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước; đồng thời giới thiệu tiềm năng, thu hút đầu tư vào Quảng Nam nói chung và Tây Giang nói riêng... Do đó công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, cẩn thận từng khâu, để lễ hội tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. (ĐÌNH HIỆP) |
THÀNH CÔNG