Vùng cao Tây Giang được mùa bắp nếp

ĐÌNH HIỆP 15/10/2018 04:07

Thời tiết thuận lợi, đất đai tươi tốt, lại thêm người dân biết cách chăm sóc nên vụ mùa này 4 xã vùng cao Tây Giang (Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry) được mùa bắp. Có hộ thu hoạch cả chục tạ bắp khô, giá bán từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg.

Người dân vùng cao thu hoạch, phơi bắp.  Ảnh: Đ.H
Người dân vùng cao thu hoạch, phơi bắp. Ảnh: Đ.H

Năm nay, gia đình anh Bríu Ký, thôn Arầng 1, xã A Xan có thêm nguồn thu nhập từ cây bắp. Gia đình anh trồng khoảng 2ha bắp nếp (giống bản địa) cho năng suất và sản lượng cao. Đặc biệt, hạt bắp rất thơm ngon nên được thương lái tìm mua. Anh Ký cho hay, đây là giống bắp truyền thống của người Cơ Tu, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, thích nghi tốt với thổ nhưỡng, khí hậu miền núi. “Năm nay mình gieo trồng khoảng 2ha, thu hoạch gần 60 tạ. Mỗi tạ bán khoảng 700 nghìn đồng, có thêm nguồn thu mua sắm vật dụng cho gia đình” - Anh Ký nói. Còn gia đình chị Riáh Thị Biênh, thôn APooi, xã Ga Ry năm nay gieo trồng hơn 3ha bắp nếp trên các sườn đồi gần nhà. Thời tiết thuận lợi, bắp được mùa cho hạt dày và chắc, giá bán cũng tốt. Chị Biênh cho hay năm nay, bắp được mùa, được giá bà con vùng cao ai cũng phấn khởi. Loại này dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Các tư thương rất chuộng và mua với giá cao vì chất lượng hạt tốt, giàu dinh dưỡng.

Hằng ngày, anh Trần Văn Hòa, chủ tạp hóa tại xã Ga Ry thu mua cả trăm ký bắp hạt để chuyển xuống đồng bằng bán lại kiếm lời. Anh Hòa bảo so với mấy năm trước, giá bắp năm nay cao hơn nhiều. Trên này khí hậu ẩm ướt, nếu giữ bắp lại dễ bị hỏng. Hiện nay, có bao nhiêu tấn bắp, thương lái đồng bằng đều lấy hết. Ông Zơ râm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết, song song với việc mở rộng diện tích cây lúa nước, cây đẳng sâm, cam bản địa thì cây bắp được đưa vào vùng quy hoạch phát triển kinh tế của xã. Đây cũng là cây chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo, hiện toàn xã có 26ha bắp đang thu hoạch. Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, giống bắp bản địa của đồng bào Cơ Tu cho hai loại hạt trắng và tím. Cây có khả năng thích ứng rộng, sinh trưởng, phát triển khỏe, thân cứng cáp, rễ chắc chịu được gió bão. Trái to, dài, hạt chắc, có thể trồng quanh năm mà vẫn cho chất lượng, năng suất cao. Hạt ăn mềm, dẻo, thơm. Đặc biệt, hạt bắp có màu màu trắng đục xen kẽ hạt màu tím, trong đó khoảng 25% hạt ngọt và 75% hạt dẻo, có vị ngọt tự nhiên.

Không riêng gì 4 xã vùng cao, năm này, huyện Tây Giang đã triển khai trồng bắp đại trà tại 10 xã với tổng diện tích hơn 132ha. Trong đó, nhiều nhất là xã Ga Ry (26ha), ít nhất là xã A Tiêng (2ha). Tổng sản lượng 2 vụ hơn 350 tấn. Ông Ta cũng cho biết thêm, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cũng đã xây dựng phương án bảo tồn nguồn gen quý này. Cây bắp nếp gắn liền với đời sống bao đời nay của đồng bào Cơ Tu. Trước khi có cây lúa nước, bắp và lúa rẫy (lúa ba trăng) là hai cây lương thực chính. “Hiện nay chúng tôi đang có kế hoạch bảo tồn, nhân rộng các loại cây trồng, con vật nuôi bản địa như lúa Prong-Xương, cây bắp nếp và giống heo cỏ. Mục đích giúp bà con có nguồn cây con giống đảm bảo chất lượng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” - ông Ta nói.

ĐÌNH HIỆP

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng cao Tây Giang được mùa bắp nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO