Sáng 24.4, một ngày sau trận mưa đá kéo dài hàng giờ xảy ra tại các xã biên giới A Xan, Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm (Tây Giang), chính quyền các địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng, triển khai khắc phục tại chỗ. Ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho biết, trận mưa đá kèm theo gió lốc xuất hiện tại địa bàn xã đã làm hơn 26ha ruộng lúa nước đang thời kỳ trổ bông, cùng 14ha cây bắp địa phương có nguy cơ mất trắng, chủ yếu ở các thôn Atu, Hjúh và Z’rượt; ngoài ra, hơn 30ha cây đẳng sâm cũng bị dập lá. Đây là trận mưa đá lớn nhất xuất hiện tại địa phương trong gần chục năm qua, với hạt mưa đá to bằng quả trứng gà. “Tại điểm Trường Tiểu học Atu, một phòng học bị tốc mái hoàn toàn, một số phòng khác bị hư hại. Nhiều nhà dân ở các thôn cũng bị tốc mái, hư hỏng, đang được khắc phục” - ông Vinh cho biết thêm.
|
Thanh niên địa phương hỗ trợ khắc phục sự cố tại điểm Trường Tiểu học Atu, xã Ch’Ơm (Tây Giang). Ảnh: C.T.V |
Tại xã Ch’Ơm, vườn đẳng sâm của ông Bh’ling Bríu bị hư hại khá nặng nề, khó có hy vọng phục hồi. Ông Bríu, người được mệnh danh là “vua đẳng sâm” của huyện miền núi Tây Giang với hàng chục héc ta đẳng sâm trồng xen canh trên rẫy, khu vực nà. Mô hình trồng cây dược liệu này, trước đây được xem là cơ hội thoát nghèo cho đồng bào vùng cao Tây Giang. Nhưng nay, hầu hết đều bị hư hại sau hơn một giờ xảy ra hiện tượng mưa đá. Cùng với xã Ch’Ơm, mưa đá cũng xuất hiện tại địa bàn các xã A Xan, Tr’Hy và Ga Ry. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, mức độ thiệt hại do mưa đá và gió lốc tại các địa phương trên không lớn, chủ yếu tốc mái một số nhà bếp cùng ít hoa màu. Trước đó, tại địa bàn từ xã A Vương đến xã A Tiêng, mưa đá cũng liên tục xuất hiện, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.
Ngày 25.4, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, huyện đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng sớm thống kê thiệt hại để có cơ sở hỗ trợ ban đầu, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, vận động người dân cùng khắc phục, sửa chữa một số ngôi nhà bị hư hỏng; chăm sóc các vườn cây đẳng sâm, hoa màu bị thiệt hại có khả năng phục hồi. “Sắp tới, từ quỹ thiên tai của huyện, chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo khả năng có thể. Đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện sớm có hướng xử lý, hỗ trợ để người dân yên tâm tiếp tục lao động sản xuất, mở rộng vườn cây đẳng sâm trên địa bàn các xã biên giới” - ông Linh nói.
ALĂNG NGƯỚC