(QNO) - Trong tài liệu Tiểu dẫn về các mỏ than ở Đông Dương được biên soạn cuối năm 1901 bởi M.Monod - kỹ sư người Pháp thuộc Sở Địa chất Đông Dương cho biết giá trị to lớn của các mỏ than ở xứ Quảng, cụ thể là Nông Sơn và Vĩnh Phước.
Riêng mỏ than Vĩnh Phước (tên đồn), nằm cạnh chợ Hà Nha ở tả ngạn sông Vu Gia (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), cách 36km theo hướng Tây - 45° nam từ Tourane (Đà Nẵng) được đánh giá là có thể thay thế than nhập khẩu trong những bánh than bằng than mỡ và có chất lượng cao hơn nhiều so với than Nhật Bản. Đây là nhận định ít ai chú ý và vắng bóng thông tin trong lịch sử vùng đất xứ Quảng.
Tài liệu cho biết, vào năm 1887, ông Rouzard, lúc bấy giờ là viên chức của Công ty vận tải đường biển ở Tourane, nghe nói về một “vùng đất cháy” mà người bản xứ ai cũng biết đến ở vùng quanh Vĩnh Phước. Ông đã đi tìm kiếm và phát hiện ra, ở hữu ngạn của sông Vu Gia, những vỉa than lộ thiên.
Trong một bản báo cáo từ Tourane, ngày 16.1.1894, ông Rouzaud viết: “Tôi đã phát hiện ra những vỉa đá có chiều dài khoảng 5km và từ độ sâu 2.000 mét lên đến gần đỉnh núi ở độ cao khoảng 300 mét”.
Sau khi nghiên cứu, nhà thám hiểm này đã công bố một vành đai nghiên cứu: ông đã đào sáu giếng nhỏ, hai trong số đó xuống đến độ sâu 10 mét, ước tính thu được khoảng 150 tấn than, mà ông dùng để cấp đốt cho những chiếc sà lúp của mình.
Năm 1889, ông thỉnh cầu chính phủ thám sát vành đai này nhờ ông Fauquier, kỹ sư tư vấn chính quyền bảo hộ, để nhận vùng nhượng quyền xác lập. Tháng 9.1893, ông Rouzaud đưa đến Vĩnh Phước một kỹ sư người Anh chuyên trách các vấn đề mỏ ở bán đảo Mã Lai - ông Durnford; vị kỹ sư thăm dò này đã cung cấp cho ông một báo cáo đồ sộ, trong đó ông ta bao quát tỉ mỉ về cảng và thành phố Tourane, mỏ Nông Sơn, thủy văn của sông Vu Gia, nhiệt độ, tính cách của người bản xứ…, nhưng hầu như không cung cấp thông tin nào hữu ích về mỏ than, cũng như chất lượng than, ông chỉ nói đơn giản là “nửa than anthracite, nửa than xốp, nhưng trở nên cứng khi ở sâu, ổn định và cũng không dễ bắt lửa như một số loại than của Bắc Kỳ”.
Vấn đề vẫn mãi ở tình trạng đó cho đến khi ông Counillon đến Quảng Nam (1898), một chuyến đi đã mang lại những thông tin địa chất vô cùng lý thú và giúp ông mang về những mẫu vật từ các lớp than khác nhau của Vĩnh Phước. Khi trở lại phòng thí nghiệm, ông nghiên cứu nhiên liệu này và yêu cầu một phân tích từ ông Lefeuvre, lúc đó là Trưởng Phòng thí nghiệm phân tích của chính phủ Nam Kỳ. Và kết quả cho thấy sai lầm của ông Durnford lớn như thế nào khi ông xem than đó giống như là “nửa than anthracite”.
Vào cuối năm 1900, ông L.de Saugy, một kỹ sư người Thụy Sĩ, đã ở lại Tourane một thời gian khá dài và thực hiện một công trình nghiên cứu quan trọng về mỏ than Vĩnh Phước bằng cách tập hợp tất cả các tài liệu hiện có về chủ đề này tại Tòa công sứ Tourane.
Qua phân tích, than của Vĩnh Phước được dùng để sản xuất than bánh; nhưng thay vì được trộn lẫn, như than anthracite ở Bắc Kỳ, với than mà chúng sẽ mượn chất bay hơi, thì ngược lại, chúng nên được dùng như là than mỡ để thay thế cho than, được nhập khẩu từ Nhật Bản cho đến nay trong than bánh của Bắc Kỳ. Và cần lưu ý rằng trong than bánh, tỉ lệ than của Vĩnh Phước có thể ít hơn so với than Nhật Bản, vì nhiên liệu than Nhật này ít béo hơn than Vĩnh Phước.
Theo đó, các nhà nghiên cứu kết luận, đây dường như là một điểm cốt lõi và mang lại lợi ích rất đặc biệt cho mỏ than Vĩnh Phước, chứng minh một cách không ai có thể chối cãi rằng ở Vĩnh Phước cũng như ở Bắc Kỳ, đó là chuỗi thuộc kỷ Liassic mà các hệ tầng than này thuộc về. Từ nghiên cứu này, các tác giả kết luận rằng, than ở Vĩnh Phước có thể thay thế than nhập khẩu trong những bánh than bằng than mỡ và chất lượng của than đá này cao hơn nhiều so với than Nhật Bản. Điều này có nghĩa là than đá ở “vùng đất cháy” Vĩnh Phước, Đại Lộc có thể thay thế than mở để làm than bánh mà Việt Nam phải nhập khẩu vì các mở than ở Bắc Kỳ (kể cả mỏ than Nông Sơn của Quảng Nam) không đáp ứng được yêu cầu. Đây quả thực là một điều lý thú đối với vùng đất xứ Quảng.