Núi Thành xưa thường được gọi một cách ước lệ là “vùng đất phía nam sông Tam Kỳ”. Một số đặc điểm của vùng đất này từng được các địa chí, sử liệu xưa nhắc đến, tuy không thật chi tiết nhưng cũng đủ để người thời nay hình dung diện mạo địa lý vùng đất cách nay nhiều thế kỷ.
Nhộn nhịp tàu cá ở cửa biển Kỳ Hà, Núi Thành. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Sách Phủ biên tạp lục (PBTL) của Lê Quý Đôn ghi thời gian đi thuyền đường biển vào nam Quảng Nam như sau: “Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Bàn Than 5 canh - cửa này hai bờ đều núi, sóng gió rất dữ - đỗ lại. PBTL còn ghi lại nhật trình đường bộ qua vùng Núi Thành xưa như sau: “Dinh Quảng Nam đi đến quán Hà Lam nửa ngày, lại đi tối đến quán Bà Dầu. Quán Bà Dầu đến quán Phú Khang nửa ngày, lại đi tối đến quán Ông Bộ. Quán Ông Bộ đến quán Bến Ván nửa ngày, lại đi tối đến quán Trì Bình”. Khảo về các địa danh trong đoạn mô tả trên có thể thấy như sau: “Quán Bà Dầu (Rầu)” là trạm nghỉ chân gần vùng tháp Chiên Đàn trên đường thiên lý xưa (nay thuộc thôn Gia Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh). “Quán Phú Khang” thuộc địa phận xã Phú Khang, phía hữu ngạn sông Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân I). Còn địa danh Ông Bộ (xã Tam Anh) và Bến Ván (thị trấn Núi Thành) thì vẫn còn giữ nguyên tên đến ngày nay.
Theo lời kể của một viên quan lãnh chức “Câu kê” hiệu là Long Đức Bá, Lê Quý Đôn đã ghi lại nhật trình hành quân qua các địa điểm ở vùng đất này như sau: “Từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá (suối có cầu ván), sông Tam Kỳ, quán Phú Khang đến sông Bầu Bầu hết 1 ngày; từ sông Bầu Bầu, qua quán Trà Lý, quán Cây Trâm, chợ cầu Ông Bộ (bên đường gần núi), quán Lẻ, quán Cát (hai xứ đều cát và bụi rậm, tục gọi là Truông Cát) đến sông Bến Ván hết 1 ngày; từ Bến Ván qua quán Thạch Xôi (toàn là cát và bụi rậm, lại giáp núi rừng) đến quán Ốc (cũng đều là cát và bụi rậm) là chỗ hai phủ Thăng Hoa - Điện Bàn giáp giới với phủ Quảng Ngãi”. Những địa danh được nêu trong đoạn trên vẫn còn được gọi thông dụng đến ngày nay. Truông Cát (còn gọi là Trảng Bà Mù) nay phần lớn thuộc khu vực nhà máy ô tô Trường Hải.
Trong danh sách “vy tử” của 124 xã, 41 thôn, 2 phường thuộc “Nội phủ kim hộ” (hộ đãi vàng) của huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa được sách PBTL ghi lại có một số tên thuộc vùng đất phía nam sông Tam Kỳ mà đến nay còn có thể nhận biết được như vy tử Thạch Kiều, vy tử Khương Mỹ (nay ở xã Tam Xuân 1), vy tử Phú Xuân Hạ (xã Tam Quang ), vy tử Nha Não (xã Tam Mỹ), vy tử Phú Quý hạ (xã Tam Tiến)…
2. Những địa danh nêu trên, đa số được nhắc lại trong Đại Nam nhất thống chí. Trong đó, các tác giả đã ghi nhận những địa danh tương ứng với vùng đất Núi Thành.
Cửa biển: Cửa biển Đại Áp (sách này còn ghi thêm các tên khác là Cựu Tọa, Hòa Hiệp) và cửa biển Tiểu Áp (sách này còn ghi là Tân Áp) với ghi chú “cửa biển Tiểu Áp cách cửa biển Đại Áp chừng 7 dặm, khoảng đời Minh Mạng bị cát lấp nên thủ sở hợp vào với thủ sở Đại Áp”. Các cửa biển về sau có tên là cửa Kỳ Hà và cửa Lở.
Đồn binh (tấn): Gồm tấn biển (hải tấn) Đại Áp và tấn Bản Tân (vùng cửa sông An Tân giáp sông Trường Giang hiện nay).
Nhà dịch trạm và quán (chỗ nghỉ chân trên đường thiên lý): Trạm Nam Vân (khi mới thành lập có tên là Vân Trai, đến năm 1822 đổi tên; nay thuộc vùng Chợ Trạm, Tam Hiệp). Quán Khương Mỹ (vùng gần khu tháp chăm Khương Mỹ), quán Diêm Phổ (xã Tam Anh hiện nay), quán Hòa Vân (gần trạm Nam Vân, thuộc làng Vân Trai, nay thuộc xã Tam Hiệp).
Cầu và đò: Cầu Ông Bộ (mà sách này còn gọi một tên khác là Ưu Đàm), đò Bến Ván.
Đập nước: Đập Nha Não (còn gọi là Cống Đá), đập Tiên Quả.
Sông ngòi: Sông Tam Kỳ, sông Bầu Bầu, sông Tiên Quả (mà gần đó nay còn có thôn Tiên Quả, xã Tam Anh Nam), sông Trúc Tân (Bến Trảy), sông Bản Tân (Bến Ván), sông Phước Yên (tên cũ của sông Trường Giang - đoạn hợp lưu với sông Tam Kỳ đổ về cửa An Hòa).
Đầm, hồ: Đầm Phú Hưng (nay ở xã Tam Xuân I); đầm Diêm Phổ (nay ở xã Tam Anh Nam); đầm Phú Lân (xã Tam Anh Bắc); đầm An Hòa (nay thuộc xã Tam Hòa); Hồ Vuông (còn gọi là Ao Vuông, nay ở xã Tam Nghĩa). Đến nay, một số đầm hồ này đã mất dấu hoàn toàn trên thực địa.
Núi, đồi: Đại Nam nhất thống chí mô tả khá tỉ mỉ vị trí địa lý và hình thể các ngọn (dãy) núi vùng phía nam sông Tam Kỳ gồm Phú Xuân, Nha Não, Phú Hòa, Thạch Khoáng, Đức Bố, Miêu Bông, Vĩnh Yên, Mã Yên, Cò Bay, Răng Cưa… với các ghi chú khá rõ về đặc điểm hình dáng của từng ngọn núi chính.
Những mô tả về sông núi trên còn gặp ở một tư liệu khác, đó là “Quảng Nam toàn đồ” được vẽ vào thời Tự Đức. Trên tờ bản đồ này hình thể các dòng sông và cửa biển trên địa phận Núi Thành xưa được vẽ rất chi tiết. Riêng tên các ngọn núi được ghi bằng âm Hán Việt như Cự Xỉ (Răng Cưa) Lộc Phi (Cò Bay) Thiết Khoáng (Mỏ Chì), Thạch Ông (Ông Đá), Mã Yên (Yên Ngựa)…
3. Nhìn chung, địa hình Núi Thành xưa rất đa dạng: nhiều núi và sơn hệ ăn ra sát biển; sông ngòi, đầm hồ có mật độ khá dày; địa mạo “cồn bàu” gồm những bàu nước rộng và những trảng cát lớn với dày đặc bụi rậm. Vì thế, cung đường thiên lý từ Quảng Ngãi qua vùng đất phía nam sông Tam Kỳ (và ngược lại) rất khó đi; hầu như chỉ dành cho ngựa trạm, binh lính hoặc khách bộ hành khỏe mạnh; còn quan lại, chức dịch và người đi buôn… thường sử dụng đường thủy đi từ sông Bến Ván theo dòng Phước Yên đến Hội An rồi Đà Nẵng và ngược lại.
Một đoạn mô tả sau đây của Hà Đình Nguyễn Thuật sau khi hoàn tất sứ trình ở Thiên Tân, Trung Quốc hồi hương bằng đường thủy về của khẩu Quy Nhơn rồi theo đường bộ về Huế (tháng Chạp năm 1883) cho ta thấy đặc điểm của hành trình qua vùng Núi Thành xưa: “Ngày 21, giờ Mẹo lên đường, qua sông Trà Khúc, giờ Thân qua trạm Nghĩa Lộ, giờ Dậu đến huyện Bình Sơn, ngủ đêm ở huyện lỵ (phía đông của huyện hơn 10 dặm là bến Cổ Lũy). Ngày 22 giờ Mẹo lên đường, giờ Tỵ qua trạm Nghĩa Bình, giờ Mùi đến bến Bản Tân. Từ đó trở đi là thuộc Quảng Nam hạt đều là cát dày khó đi, có biền binh Quảng Nam ra đón tiếp, rồi ra lịnh cho đội viên đem lính đi đường bộ về tỉnh, còn một viên quan, một lính theo hầu, để tiện hỏi han đường, sông, núi. Ra lịnh cho Cai vạn trưởng thuê hai chiếc ghe nhỏ (tiền thuê mỗi chiếc 10 quan). Giờ Thân ra đi. Ngày 23 giờ Mẹo, nhìn hướng đông hơn dặm, thấy cột buồm san sát, người buôn bán tấp nập, là bến Đại Chiêm…”
Trên đây là một số chi tiết tra cứu được trong các tư liệu xưa. Hiện trong dân gian vùng Núi Thành còn lưu nhiều bộ gia phả, sổ bộ điền thổ, trích lục, khế ước, văn bia… thể hiện nhiều chi tiết rất quý về lịch sử, địa lý, phong thổ… của vùng đất này mà đến nay vẫn chưa được khảo sát tường tận.
PHÚ BÌNH