Vùng Đất Sơn huyền thoại

LÊ PHƯỚC LAN NHI 20/01/2019 04:18

Vùng Đất Sơn của xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn) với các địa danh Bồ Bồ, Đá Chùm, Cấm Lớn, Diệm Sơn… ghi dấu những huyền thoại. Chiến thắng Bồ Bồ được mệnh danh là một “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp. Lễ hội Tịch điền Diệm Sơn được khôi phục và duy trì hằng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn năm 2018.
Lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn năm 2018.

Trận “Điện Biên Phủ” ở Quảng Nam

Trong một dịp kỷ niệm Chiến thắng Bồ Bồ gần đây, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1927), nguyên Trung đội trưởng Dân quân cơ động xã Điện Tiến trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là người trực tiếp dẫn đường cho bộ đội trinh sát cứ điểm Bồ Bồ trước trận đánh mà sau này được mệnh danh là “Điện Biên Phủ” ở Quảng Nam.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đài cùng cứ liệu lịch sử Đảng bộ xã Điện Tiến, vùng Đất Sơn địa hình đồi thấp, có 5 điểm cao chạy từ tây sang đông. Trong đó, Bồ Bồ là điểm cao nhất với độ cao 55 mét so với mực nước biển. Năm 1949, quân Pháp đưa một đại đội đến chiếm đóng ngọn Bồ Bồ và biến nơi đây thành cứ điểm vững chắc nằm trong hệ thống phòng thủ từ xa của căn cứ lục - không quân ở Đà Nẵng, nhưng bị ta tiêu diệt. Để cứu vãn tình hình, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại miền Trung đã điều động một lực lượng cơ động từ chiến trường Tây Nguyên quay về Đà Nẵng, thành lập Chiến đoàn 10 gồm hơn 1.000 quân cơ động hỗn hợp do Đại tá Camilet Tiphêlit chỉ huy, âm mưu tái chiếm cứ điểm Bồ Bồ để khống chế vùng tây Điện Bàn và các vùng phụ cận.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã quyết định tập trung lực lượng tổ chức một trận tập kích cứ điểm Bồ Bồ ngay khi địch đứng chân chưa vững. Lực lượng tham gia trận đánh là Tiểu đoàn 20 Quảng Nam - Đà Nẵng có 3 đại đội (203, 204 và 206), được tăng cường một đại đội hỏa lực, một phân đội đặc công, 2 đại đội bộ binh (Đại đội 64 độc lập và Đại đội 61 Điện Bàn) cùng hơn 500 du kích các xã Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Hồng và Điện Quang. Lãnh đạo huyện Điện Bàn khi đó đã huy động 650 dân công phục vụ chiến đấu.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 19.7.1954, hỏa lực của ta từ các mũi dồn dập nã vào các điểm cao. Sở chỉ huy, trung tâm thông tin của địch ngập trong lửa đạn. Trận chiến diễn ra quyết liệt, giành giật từng mét công sự. Quân địch tuy đông, được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng trước lối đánh áp đảo của ta, số đông bỏ chạy. Đến 4 giờ sáng ngày 19.7.1954, quân ta làm chủ hoàn toàn Đất Sơn; làm thiệt hại nặng một chiến đoàn cơ động, tinh nhuệ của Pháp, tiêu diệt 150 tên, bắt sống 293 tên, trong đó có Đại tá Camilet Tiphêlit - chỉ huy cuộc hành quân và nhiều sĩ quan; thu một số lớn vũ khí, đạn dược và nhiều chiến lợi phẩm khác. Năm 1992, trên đỉnh cao 55 của vùng Đất Sơn một thời khói lửa, Tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ đã được xây dựng và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lễ hội Tịch điền

Làng Diệm Sơn xã Điện Tiến là nơi duy trì và tổ chức lễ hội Tịch điền với quy mô lớn, được nâng cấp thành lễ hội cấp xã năm 2018. Lễ hội Tịch điền tổ chức vào ngày 1.10 âm lịch hằng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân làng Diệm Sơn.

Theo thư tịch cổ, lễ Tịch điền được tổ chức lần đầu tiên vào mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 8 (987) đời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành ra cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông, lấy nhà nông làm gốc trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Phi nông bất ổn”, “Dĩ nông vi bản”. Ông Hoàng Liêm - Phó ban Quản lý đình làng Diệm Sơn cho biết, lễ hội Tịch điền ở địa phương đã có từ lâu nhưng bị gián đoạn trong chiến tranh, đến năm 2012 lễ hội được khôi phục và tổ chức hằng năm cho đến nay. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ đến người xưa đã có công khai phá làng Diệm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sở dĩ lễ cúng thần nông được tổ chức vào mùng 1.10 âm lịch là bởi trước kia ông bà ta xuống giống lúa ba trăng vào thời điểm này nên tổ chức để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Vào dịp tổ chức lễ hội Tịch điền hằng năm, tại đình làng Diệm Sơn, các bậc cao niên trong làng kính cẩn dâng lễ vật làm từ nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương và dâng hương cúng thần nông trong không khí trang nghiêm, thành kính. Lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn năm 2018 diễn ra trong 2 ngày 6 và 7.11, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có các nghi lễ truyền thống như lễ cúng thần nông, lễ khai hội Tịch điền. Phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao như biểu diễn bài chòi, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, thi chế biến và thuyết trình mâm cỗ, thi gói bánh chưng, bánh tét, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng và các môn thi đấu thể thao… Lễ khai hội Tịch điền là phần quan trọng, thu hút đông đảo người xem. Con trâu to béo được khoác một tấm lụa đỏ kéo cày, đi sau là chủ tịch UBND xã điều khiển “hò, tắc, rì” cày đường ruộng đầu tiên trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân.

Ông Đỗ Diên - Chủ tịch UBND xã Điện Tiến chia sẻ: “Lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn đã tạo được ấn tượng và đi vào tiềm thức của nhân dân. Việc bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa đặc sắc này nhằm giáo dục các thế hệ con cháu truyền thống yêu lao động, tạo nên khí thế mới góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, đưa tốc độ phát triển kinh tế của xã Điện Tiến tăng lên và bền vững”.

Về Điện Tiến hôm nay sẽ thấy nhiều đổi thay, không còn đơn thuần sản xuất nông - lâm - nghiệp mà đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Bồ Bồ cùng quần thể các di tích Đá Chùm, Cấm Lớn, đình Diệm Sơn... của xã Điện Tiến là nơi giáo dục truyền thống, văn hóa, thu hút khách du lịch gần xa.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng Đất Sơn huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO