Tôi lang thang trên nổng cát dài lấm tấm những dây hoa rau muống khi mặt trời chỉ mới nhô lên khỏi mặt biển như một quả cầu lửa. Nhưng biển không vắng lặng… Tiếng rì rầm của những đợt sóng vỗ bờ cấp tập. Tiếng reo hò, í ới gọi nhau của những người đi tắm sớm. Một vệt thẳng dài rẽ cát của người bán bánh bao trên chiếc xe đạp. Và cả một bà cụ khoanh tay ngồi lui hui với quẩy gánh hàng rong đảo mắt tìm khách mua mở hàng ngày mới.
1. Bà Bì bán bánh tráng và các loại quà vặt linh tinh ở đây gần mười lăm năm rồi. “Năm ni tới chừ trời còn xìu xìu ểnh ểnh nên người đi tắm chưa đông lắm chứ mọi năm là tấp nập, bán đồ ăn chạy lắm” - bà Bì thủng thẳng. Bà bảo mình đã gắn bó với quê xứ này gần 80 năm, đã từng chứng kiến cảnh ngư dân địa phương trong thời bao cấp khi đi gỡ lưới, chèo thúng không dám mặc cái quần xà lỏn bởi sợ vị mặn chát của biển khơi sẽ làm cời đi, rách chỉ quần. Nhớ chuyện xưa, nên bà quả quyết rằng quê hương thay đổi quá nhanh, tuổi già của bà không biết sẽ lấy tiền đâu tiêu đồng ra đồng vào khi tuổi già về nếu như biển cứ đìu hiu như trước kia.
Tại khu vực gần các resort phường Điện Dương đang hình thành hàng chục nhà hàng, spa, cà phê... chuyên phục vụ cho khách nước ngoài. Ảnh: HÀ SÁU |
Không khí rộn rã ở bãi biển cũng lan tỏa khắp 8km dọc bờ biển thuộc hai phường Điện Ngọc và Điện Dương rồi sâu cả vào trong đồng ruộng khi các dự án đang dần trở thành hiện thực. Chuỗi các dự án trên khu đất từng nhiều năm “treo” như The Shilla Resort, Khu du lịch và dịch vụ Sông Hàn rồi Grandvrio Ocean Resort (đều thuộc phường Điện Ngọc) đã dần mọc lên các tòa nhà, máy móc hoạt động rầm rộ, chứ không còn là bãi dương liễu hoang vu trong hàng rào sắt như trước đây. Men theo triền sông Cổ Cò ở khối Hà My Trung, phường Điện Dương, công nhân già có, trẻ có nằm nghỉ ngơi, nói dóc dưới tán dừa hoang từng là chỗ rong chơi của lũ mục đồng ngày nào để chờ máy móc đến thi công dự án phát triển và kinh doanh dịch vụ, khách sạn và biệt thự ven sông của Công ty CP Mỹ Việt.
Một đoạn sông Cổ Cò ở Điện Dương, phía xa xa còn có rừng dừa nước, đang chờ ngày hòa vào du lịch. Ảnh: HÀ SÁU |
2.Quay trở ra nhấm nháp tách cà phê ở bên cạnh Le Belhamy Resort, nếu không phải bản thân người viết cũng sinh sống ở vùng đất này thì sẽ dễ nhầm tưởng mình đang ở một khu vực nào đó của Đô thị cổ Hội An bởi… du khách nhiều quá. Từ 2 resort The Four Season (The Nam Hải) và Le Belhamy, khách tây dập dìu chạy thể dục, một số khác ngồi thong thả trong các quán cà phê, spa được thiết kế hướng ngoại, chưa kể các đoàn khách ngang qua khi di chuyển bằng xe máy, ô tô từ Đà Nẵng vào Hội An và ngược lại. Trước mắt người viết, một dãy hàng chục quán xá, nhà hàng, spa… mọc san sát nhau, mà theo lời chị chủ quán cà phê cóc là đã lâu rồi. Chỉ tay về phía cuối con đường, chị bảo rằng thanh niên ở đây giờ nhạy bén lắm, cái Bric, Broc café màu mè, phá cách kia trước đây là một phân xưởng bỏ đi, giờ tối đến là xập xình khách ta, khách tây.
Ngồi bàn bên cạnh tôi là dăm ba thanh niên trẻ đang xúm xít tán gẫu. Nhưng không giống như những suy nghĩ tiêu cực về thanh niên khi ngồi cà phê cóc triền miên, vô công rồi nghề, họ đang tranh thủ phút thư giãn trước khi vào ca sáng ở các resort tại đây. Trong cuộc trò chuyện với các bạn của mình, Nguyễn Ngọc Cầm, là đầu bếp ở The Four Season resort, hay chêm những từ tiếng Anh trong câu nói. Ngô Văn Cường, một người bạn của tôi sống ở đây cho biết, bây giờ người dân vùng này hứng thú với tiếng Anh lắm. Không chỉ học sinh phổ thông, ngay cả những người đã đi làm cũng quan tâm, tích cực trau dồi ở các lớp ngắn hạn.
Vào những chiều nắng đẹp, trên bãi tắm Hà My dễ dàng bắt gặp hình ảnh du khách nằm xõng xoài trên cát tắm nắng hay lim dim bên ghế đọc sách với những bộ đồ bơi mát mắt. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng có ai chỉ chỏ hay làm phiền trêu ghẹo cả, họ biết rằng chính những du khách ấy đang tạo ra một phần sinh kế mới cho người dân địa phương.
Khi ghé qua vùng nội thị của thị xã Điện Bàn người ta dễ dàng nhận thấy Điện Dương có gì đó khác với các phường còn lại, nhịp sống vẫn còn chậm rãi, không xô bồ, các vườn nhà vẫn còn rộng thênh thang nhưng lại sớm bắt nhịp được hình hài của thị dân. Cứ tối đến, bọn trẻ con hè nhau đến sân nhà văn hóa tập võ, thanh niên thì xách giày đi banh bóng ở các sân cỏ nhân tạo, còn người già thong thả đi tập dưỡng sinh…
3.Cách đây hơn mười năm, khi con đường ven biển Đà Nẵng - Hội An được nâng cấp, mở rộng khang trang bắt đầu làm đòn bẩy để du lịch Điện Dương “thức giấc”, các dự án resort thật có, “ma” có lần lượt ra đời dọc bờ biển xinh đẹp này. Nhưng Điện Dương không chỉ có biển, vùng đất này còn lắm nội lực hấp dẫn để chuyển mình, nhưng nhiều lý do đến bây giờ vẫn còn gác lại, mà đau đáu nhất vẫn là việc ách tắc dòng sông Cổ Cò. Bèo đã phủ dạt phần lớn con sông thăng trầm đoạn chảy qua Điện Dương. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương, vấn đề nạo vét sông nằm ngoài phạm vi của chính quyền địa phương nên dù rất khao khát tìm lại dòng sông Cổ Cò của cha ông ngày nào nhưng cũng chỉ biết… chờ.
Hiện ở Điện Dương còn khoảng 2 - 3ha dừa nước phân bổ rải rác theo con nước tạo thành một vòng cung rất đẹp. Những người làm đồng quanh khu vực này cho biết, thỉnh thoảng họ lại thấy du khách nước ngoài đạp xe vòng qua các cánh đồng lúa ở đây, đứng ngẩn ngơ về phía rừng dừa nước hồi lâu rồi lại lặng lẽ quay đi. Từ đó theo đường chim bay khoảng 2 cây số nữa là đến Cẩm An, Cẩm Hà (TP.Hội An), nhưng ở vùng giáp ranh này du lịch sinh thái cộng đồng chưa có gì.
Ngược về phía bắc, khu vực gần giáp với phường Điện Ngọc, từ tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An vào trong khoảng 2km sẽ đến khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia, một điểm đến từng được kỳ vọng sẽ mở ra bước tiến cho du lịch sinh thái. Nhưng 2 năm gần đây, địa điểm này vẫn hoạt động èo uột và hầu như vắng bóng du khách, vì chưa có điểm nhấn để kéo du khách ở lại, hạ tầng homestay, nhà nghỉ ở Điện Dương chỉ mới đếm trên đầu ngón tay và khó có bước đột phá trong tương lai gần.
Màn đêm dần buông xuống trên bãi ngang thênh thang bời bời gió lộng. Từ khu vực nhà hàng phục vụ ăn uống nhìn ra phía xa, một số thanh niên đang hớn hở gọi nhau khi câu được con cá khá to. Họ vừa cắm cần câu vừa làm dăm ba ly rượu để xua đi khí trời se lạnh bất thường, họ cũng có thể lên thúng lắc ra một đoạn để câu mực cơm rồi hấp ăn ngay trên nổng cát. Có lẽ, chưa du khách nào đến Điện Dương biết và trải nghiệm cái thú vui thanh nhã mà cũng đầy thú vị này. Giá như trong thời gian sớm thôi, người dân ở đây có thể biến những thú vui đó thành dịch vụ, trưa chèo ghe chở du khách thưởng ngoạn dòng Cổ Cò, chiều xuống đưa họ ra đắm mình ở Hà My để đêm về cùng nhau xoay xoay bên chiếc cần câu cùng gió trời lồng lộng…
Ghi chép của HÀ SẤU