Đó là nội dung chính của buổi hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng.
Quang cảnh buổi hội thảo.Ảnh: QUỐC TUẤN |
Thiếu liên kết, yếu quy mô
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Thời gian qua, tuy đã có những bước tiến rõ nét về nhiều mặt nhưng khu vực này vẫn kém xa hai đầu của đất nước, đặc biệt là ở lĩnh vực logistics dù có nhiều tiềm năng. Tất cả địa phương đều có cảng nước sâu quy mô có thể tiếp nhận tàu hàng 10 - 50 nghìn tấn, riêng cảng Tiên Sa đang triển khai dự án nối dài bến số 5 để đón được tàu du lịch có tải trọng lên đến 150 nghìn GT. Hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ và đa dạng nhưng chất lượng vẫn còn chưa tương xứng nhất là về đường bộ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động có liên quan đến lĩnh vực logistics ở khu vực còn khá ít ỏi và quy mô nhỏ lẻ, đáng kể nhất chỉ có Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng với hệ thống hạ tầng kho bãi quy mô. Trong khi đó, diện tích kho chứa của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh còn lại trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 5,1ha. Ở các địa phương còn lại, cũng có một số ít các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực logistics như Thaco (Quảng Nam); PV Building, Công ty TNHH Logistics New Waves (Quảng Ngãi)…
Theo GS-TS. Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, hiện nay tại miền Trung mới chỉ có Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đào tạo chuyên ngành logistics (tên gọi là quản trị chuỗi cung ứng) và 2 ngành gần tương ứng là kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và Trường ĐH Duy Tân) khiến nhân lực cho lĩnh vực này thiếu hụt đáng kể. Cũng tại buổi hội thảo, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng hệ thống, trung tâm logistics ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với một chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, quy mô lớn để các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đúc rút kinh nghiệm tìm hướng đi thích hợp.
Cần xem trọng logistics
Trước những rào cản và hạn chế về lĩnh vực logistics ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, sự quan tâm của chính quyền các địa phương đối với lĩnh vực này vẫn còn chưa tương xứng và cần thiết phải xem nó như một lĩnh vực quan trọng giống như du lịch. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc tập trung xây dựng một trung tâm logistics tầm cỡ cho khu vực có thể sẽ dẫn đến xung đột lợi ích riêng của từng địa phương nhưng sẽ là động lực để thúc đẩy cả vùng phát triển mạnh.
Sự tác động của dịch vụ logistics đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu là rõ ràng. Theo nghiên cứu của GS-TS. Nguyễn Trường Sơn và TS. Trần Như Thiên Mỵ (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), dịch vụ logistics sẽ góp phần giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, rút ngắn thời gian, đảm bảo tính đúng thời điểm của quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có dịch vụ logistics ổn định, nhà quản lý sẽ ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh phụ thuộc quá lớn vào các yếu tố khách quan cũng như tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các dịch vụ lưu thông bổ sung.
Trung tâm logistics tầm cỡ của vùng sẽ phát triển theo mô hình PPP chứ không trông đợi vào nguồn đầu tư công hiện khá hạn hẹp, nên các địa phương cũng bỏ qua tâm lý nhận được nhiều ưu đãi nếu kéo được vị trí đặt trung tâm logistics về phía mình. Hầu hết chuyên gia tham dự hội thảo đều thống nhất rằng khu vực Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là địa điểm thích hợp nhất để phát triển một trung tâm logistics chủ lực của vùng bởi hội tụ rất nhiều điều kiện tối ưu. Theo quy hoạch, trung tâm logistics khu vực TP.Đà Nẵng là một trong 7 trung tâm logistics được ưu tiên đầu tư đến năm 2020. Dự kiến, trung tâm này sẽ có diện tích khoảng 140ha với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu USD.
QUỐC TUẤN