Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tìm mô hình liên kết hiệu quả

HỮU PHÚC - TRỊNH DŨNG 10/07/2022 09:32

(QNO) - Các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hội tụ các yếu tố thế mạnh để “dắt nhau” phát triển. Thế nhưng vì thiếu hành lang pháp lý, nguồn lực và cơ chế thực thi trong liên kết phát triển mà Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  cho đến nay vẫn là khu vực phát triển không xứng với tiềm năng. "Phải làm gì và thể chế, cơ chế, nguồn lực vận hành ra sao để vùng này “lật ngược” tình thế phát triển?" là vấn đề vừa được đem ra mổ xẻ trên bàn nghị sự.

 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 địa phương Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có tiềm năng, thế mạnh khá tương tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế…); các ngành kinh tế chủ lực có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, vùng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong vùng đều ở mức thấp và trung bình.

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều ở mức thấp và trung bình. TRONG ẢNH: Một góc của đô thị Hội An nhìn từ trên cao
Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều ở mức thấp và trung bình. TRONG ẢNH: Một góc của đô thị Hội An nhìn từ trên cao

Liên kết phát triển vùng trọng điểm kinh tế miền Trung yếu. Trong quá trình phát triển do các rào cản và thiếu tầm nhìn tổng thể, các địa phương tự vươn lên, tự tranh thủ từng chút Trung ương nên đâm ra manh mún và không đồng bộ.

Xin dẫn một thí dụ về câu chuyện liên quan đến sân bay, minh chứng rõ nhất cho cái khó của vùng. Theo Quyết định 236 của Thủ tướng năm 2018 về phê duyệt quy hoạch phát triển hàng không đến năm 2020, định hướng 2030, mật độ phân bổ cảng hàng không tại vùng miền Trung có tỷ lệ cao nhất nước (10 sân bay/14 tỉnh), cao hơn rất nhiều so với thế giới. Và lợi ích cục bộ nằm ở chỗ, địa phương lấy cảng biển, sân bay để kéo nhà đầu tư về mình mà chưa có sự liên kết phát huy thế mạnh khu vực.

Trở lực liên kết vùng là nguồn lực đầu tư bị phân tán, chưa có cơ chế thống nhất
Trở lực liên kết vùng là nguồn lực đầu tư bị phân tán, chưa có cơ chế thống nhất

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hạn chế trong liên kết vùng là kết nối đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn chủ yếu do địa phương làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ.

Thực tế chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng toàn vùng, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp với các địa phương, dẫn đến phân tán các nguồn lực. Do thiếu sự liên kết và còn nặng tư duy kinh tế tỉnh, nên nguồn lực bị phân tán, chưa phát huy hết thế mạnh về tiềm năng và đứng trước những bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mô hình phát triển…

 

Cái thiếu ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là điểm tựa, thể chế về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, thiếu cơ chế có hiệu quả và hiệu lực để triển khai các cam kết hợp tác và liên kết, thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng và thiếu cơ chế chia sẻ thông tin lợi ích.

Các thỏa thuận hợp tác, khung hợp tác, tầm nhìn chiến lược liên kết vùng, tiểu vùng thiếu cụ thể. Chỉ dừng ở thỏa thuận mà không được nâng lên thành hợp đồng kinh tế...

PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, vai trò “đầu tàu” Đà Nẵng khá yếu, chưa đủ mạnh để kéo các toa tàu nặng, liên kết lỏng lẻo trong vùng bứt lên thành đoàn tàu Khu kinh tế trọng điểm miền Trung đúng nghĩa.

 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần dựng nên các khu kinh tế và đô thị ven biển tầm vóc để khai thác hiệu quả “mặt tiền” nhìn ra biển Đông của đất nước...

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có động lực phát triển kinh tế biển. TRONG ẢNH: Biển Tam Tiến
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có động lực phát triển kinh tế biển. TRONG ẢNH: Biển Tam Tiến

Động lực kinh tế biển

Năm 2004, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ban hành, xác định sẽ biến “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại…”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Kinh tế biển với mũi nhọn là ngành khai thác, chế biển hải sản
Kinh tế biển với mũi nhọn là ngành khai thác, chế biến hải sản

Đặc trưng của vùng là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp, 4 khu kinh tế ven biển gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu kinh tế Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội và 32 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, đang triển khai và thu hút dự án đầu tư. 

Lợi thế cạnh tranh của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là sở hữu sân bay, phát triển mạnh hệ thống vận chuyển logicstics. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải
Lợi thế cạnh tranh của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là sở hữu sân bay, phát triển mạnh hệ thống vận chuyển logicstics. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải

Nhiều ý kiến cho rằng, để hình thành “mặt tiền” nhìn ra biển Đông của đất nước, cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật diện rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án vệ tinh, nhất là giao thông, tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng.

Kết nối chuỗi đô thị ven biển

Các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng chuỗi đô thị ven biển liên kết
Các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng chuỗi đô thị ven biển liên kết

Các khu đô thị đã, đang phát triển mạnh như TP.Huế, thị trấn Lăng Cô, đô thị mới Vinh Thanh (Thừa Thiên Huế); TP.Đà Nẵng; thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam); TP.Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, đô thị mới Vạn Tường (Quảng Ngãi); TP.Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, đô thị mới Cát Khánh (Bình Định).

Theo Bộ Xây dựng, cả 5 địa phương của vùng đều đã ban hành Chương trình phát triển đô thị. Hệ thống chuỗi các đô thị ven biển từng bước tạo kết nối mạng lưới với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung - Nam, hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước.

Cũng theo Bộ Xây dựng, biển, đô thị ven biển ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là trung tâm để tính toán xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Các đô thị ven biển của vùng có những điều kiện thuận lợi về kết nối không chỉ với các đô thị trong vùng mà còn với toàn quốc và quốc tế.

Vùng ven biển còn rất nhiều dư địa để phát triển
Vùng ven biển còn rất nhiều dư địa để phát triển

Thời gian tới các địa phương phát triển đô thị ven biển đều có cảng biển có thể kết nối nội địa và quốc tế như cảng nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An (Thừa Thiên Huế), các cảng Tiên Sa, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), cảng Kỳ Hà, Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam), cảng Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), cảng nước sâu Nhơn Hội, các cảng Tam Quan, Đề Gi (Bình Định).

Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh đầu tư con đường ven biển thông suốt. TRONG ẢNH: Đường Võ Chí Công, nối từ Hội An đến Núi Thành của Quảng Nam.
Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh đầu tư con đường ven biển thông suốt. TRONG ẢNH: Đường Võ Chí Công, Quảng Nam

TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Bởi theo ông đây là tuyến chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với con đường này sẽ xây dựng các đô thị ven biển, hình thành “mặt tiền” nhìn ra biển Đông của đất nước.

“Cần rà soát tổng thể các khu kinh tế, tiến hành điều chỉnh cơ bản về mục tiêu phát triển, quy mô diện tích và quy hoạch các phân khu chức năng của từng khu kinh tế cho phù hợp với bối cảnh mới, giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các khu kinh tế trong vùng” - TS.Trần Du Lịch nêu giải pháp.

 

Cácchuyên gia, nhà khoa học, chính quyền các địa phương trong vùng kinh tế trọng miền Trung nhìn nhận, liên kết vùng sẽ thất bại nếu không thực chất và thực quyền.

Mạnh dạn trao quyền

Quang cảnh buổi tọa đàm “Liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương cùng Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vừa qua
Quang cảnh buổi tọa đàm “Liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương cùng Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vừa qua

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bùi Thị Quỳnh Vân, các địa phương đều có điểm tương đồng (từ vị trí địa lý, thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai...) thì có cái gì vượt lên trên hay cơ hội, hạn chế chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi cần trả lời. Hội đồng vùng cần thiết, nhưng hơn hết vẫn là cơ chế hoạt động như thế nào, thực quyền ra sao để điều phối, định hướng, chỉ đạo liên kết phát triển chung?

Từng có văn bản vùng Tây các tỉnh miền Trung được hưởng chính sách như Tây Nguyên, nhưng chưa có thể chế hay cơ chế gì cho ban điều phối, hội đồng vùng thực hiện vai trò kết nối, không thể “can thiệp” vào các chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo khi khu vực này không được thực hiện chính sách như Trung ương đã ban hành.

Các địa phương trong vùng cần liên kết đầu tư hệ thống công trình giao thông thông suốt để được hưởng lợi hạ tầng chung
Các địa phương trong vùng cần liên kết đầu tư hệ thống công trình giao thông thông suốt để được hưởng lợi hạ tầng chung

“Không có chính sách ưu tiên gì cho miền Trung thì lấy gì tạo động lực để liên kết phát triển. Cơ chế hoạt động cho Hội đồng vùng cần phải có nghị quyết để thực thi chính sách thuận lợi. Thẩm quyền đến đâu, nguồn lực điều phối là chuyện đáng bàn. Vì nếu Hội đồng vùng không có thực quyền thì sẽ không giải quyết chuyện liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - bà Bùi Thị Quỳnh Vân nói.

 

Còn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, có Hội đồng vùng hay Ban điều phối là lựa chọn nhưng phải cấp thực quyền. Chính phủ phải phân quyền cho Hội đồng vùng quyết định một số vấn đề mang ý nghĩa liên kết, nhưng có dám làm điều đó không? Nếu Hội đồng vùng hay Ban điều phối chỉ là cơ quan tư vấn thì có cũng như không? Phải xác định được vai trò của Trung ương trong chỉ đạo và phải trao quyền thật sự cho Hội đồng vùng hay Ban điều phối vùng thì mới đủ lực để thúc đẩy liên kết phát triển, chứ không địa phương nào đủ nhận lấy vai trò dẫn dắt liên kết.

Nguồn lực lấy ở đâu?

Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết thực chất. TRONG ẢNH: Khu đô thị sinh thái Casimai Hội An
Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết thực chất. TRONG ẢNH: Khu đô thị sinh thái Casimai Hội An

Nguồn lực lấy ở đâu để đầu tư, liên kết cũng là câu chuyện trăn trở của các địa phương hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Hồ Quốc Dũng nói, không xác định được nguồn lực đầu tư, không tiền, không cơ chế, không đưa ra được cái gì cần liên kết thì lấy gì để kết nối đôi bên cùng có lợi và lợi ích cho toàn vùng.

Cái gì cũng phải hỏi Trung ương sẽ rất khó để 5 địa phương này có thể phát triển dù cho có Hội đồng vùng hay Ban điều phối vùng. Do vậy, rất cần cơ chế điều phối từ Trung ương để có tính thống nhất, chia sẻ thông tin, dữ liệu, các dự báo tương lai các tỉnh hay cả vùng...

Trên thực tế, tỉnh thành nào cũng muốn địa phương mình phát triển nên sẵn sàng "đấu tranh" để xin nguồn lực, cơ chế, thu hút đầu tư... Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng nói, một Hội đồng điều phối vùng đã từng có, nhưng rồi cũng “mạnh ai nấy làm”.

"Phân bổ ngân sách hàng năm không có câu nào, gói nào phân bổ chung về vùng kinh tế trọng điểm thì lấy đâu ra nguồn lực để dẫn dắt làm mồi. Ngân sách địa phương này không được sử dụng cho địa phương khác thì làm sao có thể kết hợp đầu tư liên vùng. Cơ chế gì cho nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án mang tính liên kết không thể có thì làm sao huy động nguồn lực" - ông Quảng băn khoăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương, cấp thiết lập quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, hoàn thiện thể chế liên kết thực chất, hiệu quả, khả thi. Xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương thực hiện liên kết vùng.

Thể chế liên kết vùng cần đảm bảo sự vận hành đồng bộ, nhất quán, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chính sách vùng. Thể chế này sẽ được hoàn thiện theo lộ trình, nhất quán với yêu cầu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tránh phát sinh thủ tục và cấp trung gian.

 

Đề cập ở góc độ hành lang pháp lý, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, liên kết có thể không theo vùng kinh tế trọng điểm mà theo nhu cầu liên kết của các địa phương từng khu vực một. Cần phân biệt quy hoạch phân vùng và liên kết. Thực thi lên kết đảm bảo cần thiết phải xây dựng cụm quản lý phát triển vùng. Phải có luật. Nếu chỉ dừng lại ở quyết định thì quá trình điều hành phát triển vùng sẽ bị xung đột với các luật khác cao hơn sẽ chi phối, cản trở thực thi các quyền hạn của vùng.

 
 

Để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển giữa vùng với các tỉnh thành, cần hành lang pháp lý và cơ chế điều hành thống nhất, trong đó vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước quyết định sự thành bại liên kết vùng.

Cần rõ vai trò "nhạc trưởng"

Nhiều năm qua, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã thống nhất xác định các nội dung ưu tiên liên kết vùng như huy động đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, phát triển một số ngành chế tạo và công nghệ, giao thông, du lịch, thương mại, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chia sẻ thông tin và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều liên kết vùng được triển khai như xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, liên kết lĩnh vực vận tải như phát triển các tuyến xe buýt du lịch liên tỉnh, hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch… Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn chủ yếu do địa phương làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ.

Liên kết vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch độc, gầy dựng thương hiệu hình ảnh cho vùng. TRONG ẢNH: Lắc thúng ở rừng dừa Cẩm Thanh và du khách nước ngoài đã trở lại Hội An đông đúc
Liên kết vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch độc, gầy dựng thương hiệu hình ảnh cho vùng. TRONG ẢNH: Lắc thúng ở rừng dừa Cẩm Thanh và du khách nước ngoài đã trở lại Hội An đông đúc

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung ương. Điều đó có nghĩa Trung ương đóng vai trò như “nhạc trưởng” chỉ huy toàn bộ dàn nhạc liên kết vùng.

Gần 10 năm qua, Chính phủ ban hành nhiều quyết định quan trọng như thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020; thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020; ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.

Song thực tế, Hội đồng vùng chưa điều hành hiệu quả việc phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng; chưa xây dựng định hướng chiến lược quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho toàn vùng.

TS.Trần Du Lịch -  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề nghị, khẩn trương lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030. Hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó tập trung xác định cấp độ lợi thế vùng của các cảng biển, cảng hàng không, các tài nguyên du lịch vùng, ưu tiên phát triển cho các dự án lớn, chặn trước nguy cơ gây lãng phí tài nguyên và tổn hại quá trình phát triển.

 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường, nếu không có Hội đồng vùng thì ngay giữa Quảng Nam - Đà Nẵng cũng sẽ xảy ra những ách tắc, từ phát triển giao thông, phòng chống dịch, dự báo mật độ xây dựng, dự báo phát triển đô thị, kinh tế... Không để tình trạng “mạnh ai ấy làm” như trước. Tuy nhiên, cần cơ chế, vai trò hoạt động của Hội đồng vùng có đủ lực và nhạc trưởng phải là Ban Bí thư.

 

Phân chia lại vùng?

Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, kết nối đồng bộ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. TRONG ẢNH: Quốc lộ 40B kết nối lên vùng Tây Nguyên, thuộc địa phận Tiên Phước, Quảng Nam

Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, kết nối đồng bộ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. TRONG ẢNH: Quốc lộ 40B kết nối lên vùng Tây Nguyên, thuộc địa phận Tiên Phước, Quảng Nam

Nhiều ý kiến đề xuất nhóm giải pháp về những định hướng lớn trong chiến lược và quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường liên kết các địa phương, đặc biệt là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị…

Cùng với đó, nghiên cứu phân chia lại vùng kinh tế. Tự thân 5 tỉnh thành trong vùng không thể đủ sức để trở thành động lực cho cả khu vực miền Trung; do đó kiến nghị đưa các tỉnh Tây Nguyên vào liên kết. Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới chỉ liên kết các tỉnh ven biển theo trục dọc, chưa có liên kết trục ngang (vùng Tây Nguyên).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng đặt vấn đề, các địa phương trong vùng có tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng dễ dẫn tới cạnh tranh nhau, tại sao không tính toán liên kết với các tỉnh Tây Nguyên có thế mạnh khác biệt, vừa hỗ trợ đáp ứng được những cái vùng ven biển cần liên kết, bởi miền Trung là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

 
Sự bất hợp lý đã nảy sinh, dù thành lập Hội đồng vùng, nhưng Chính phủ vẫn điều hành kinh tế theo tỉnh như bố trí ngân sách, vốn đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch… Trong khi đó, chưa có quy định nào phải xử lý ở cấp vùng.
 
TS. Trần Du Lịch kiến nghị, Trung ương cấp thiết cho phép nghiên cứu, sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi ở cấp vùng, một mặt vừa đảm bảo nguồn lực hỗ trợ hoạt động của bộ máy điều hành vùng, mặt khác giải quyết bài toán xung đột lợi ích, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung (sân bay, cảng biển, viễn thông, trung tâm nghiên cứu, đào tạo…).

Liên kết phát triển miền Trung hiệu quả cần giải quyết cho được 4 vấn đề: quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực, địa bàn phát triển; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung (nhất là giao thông); giải quyết các vấn đề môi trường; phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động chung.

 
Thực tế, liên kết vùng đang gặp thách thức từ phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư FDI. Theo Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh, các địa phương nội vùng chỉ chú trọng xây dựng hệ thống đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, với các ngành nghề phù hợp, thu hút đầu tư của từng địa phương và của toàn vùng.

Chính vì vậy, để liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiệu quả, thực chất cần vai trò ”nhạc trưởng”, chỉ huy dẫn dắt của Trung ương bằng thể chế, cơ chế, hành lang pháp lý và nguồn lực ở cấp vùng…

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tìm mô hình liên kết hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO