"Vùng kinh tế xanh" của tỉnh

HOÀNG THỌ 28/02/2017 08:48

Năm 2017, huyện Nam Trà My đề ra mục tiêu tiếp tục hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng, quảng bá vùng sâm Ngọc Linh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước xây dựng Nam Trà My thành “vùng kinh tế xanh” của tỉnh.

Hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo

Năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ tầng dân sinh được kiến thiết, đói nghèo được đẩy lùi dần, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, chính quyền các cấp luôn chủ động thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kết quả đó đã góp phần tạo nên một Nam Trà My năng động, sáng tạo. Bước sang năm 2017, toàn huyện dốc sức tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII và Nghị quyết HĐND huyện khóa XI.

Một góc trung tâm hành chính Tắc Pỏ - Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ
Một góc trung tâm hành chính Tắc Pỏ - Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ

Trong công tác giảm nghèo, năm 2017 là năm huyện dồn sức lực để giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo xuống khoảng 5 - 7%. Qua những nỗ lực đầy trách nhiệm của địa phương, người nghèo đã thấy được lợi ích của việc thoát nghèo nên đã thay đổi tư duy, không còn trông chờ ỷ lại, cần cù chịu khó lao động sản xuất để tạo ra nhiều của cải vật chất nhằm thay đổi cuộc sống. Các hộ nghèo đã mạnh dạn đăng ký với chính quyền để nhận được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước. Trong tháng 1.2017, toàn huyện có 470 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và chỉ một tháng sau có thêm 50 hộ nghèo nữa xin đăng ký thoát nghèo. Đồng hành với người nghèo là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hộ đăng ký thoát nghèo. Từ đó giúp bà con có điểm xuất phát để tự thân vượt qua phận nghèo đói. Hơn nữa, năm 2017 cũng sẽ là năm tiếp tục ghi dấu ấn của “phong trào 3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo”. Rút kinh nghiệm trong năm qua, việc cán bộ giúp hộ nghèo sẽ được chỉ đạo thực hiện cụ thể và hiệu quả hơn bằng cách gần dân sát dân theo hình thức cầm tay chỉ việc cho bà con. Huyện Nam Trà My cũng đã thành lập đội xung kích giảm nghèo với 50 thành viên ở huyện và 100 thành viên ở xã để sẵn sàng hỗ trợ các hộ giảm nghèo tìm phương thức phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Phát triển sâm Ngọc Linh

Trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp, trong năm 2017 cũng đã có những tín hiệu lạc quan. Đó là sự kiện lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ nhất sẽ diễn ra vào khoảng đầu tháng 6 năm nay. Đây là lần đầu tiên một huyện ở tỉnh tổ chức một lễ hội mang tầm quốc gia. Mục đích là nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh đến với công chúng trong nước và quốc tế. Qua đó, từng bước nâng tầm giá trị cũng như mở rộng thị trường cho loại cây dược liệu quý hiếm nhất mà thiên nhiên ưu đãi vùng đất Nam Trà My. Hơn thế nữa, qua lễ hội sâm sẽ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đủ tiềm năng vào liên kết phát triển sâm đồng thời thành lập các nhà máy chế biến nguyên liệu sâm thành các giá trị sản phẩm gia tăng để tạo công ăn việc làm cho nhân dân và đóng góp nguồn thu cho huyện.

Cũng nhân lễ hội này, còn diễn ra hoạt động hội chợ triển lãm hàng nông sản đặc trưng của đồng bào trong huyện. Qua đó sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp hàng nông sản sạch ở Nam Trà My thâm nhập thị trường rộng rãi. Đồng thời huyện tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch khám phá, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tìm hiểu đời sống văn hóa truyền thống đồng bào để thu hút du khách tới tham quan. Các hoạt động văn hóa đặc trưng của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông cũng sẽ được trình diễn suốt hành trình lễ hội để cho du khách thập phương thấy được sự đa dạng về đời sống văn hóa, đời sống tâm linh còn mang nhiều nét huyền bí.

Cùng với đó, năm nay cũng sẽ ghi dấu ấn về mạng lưới hạ tầng giao thông lên vùng sâm. Các trục đường bê tông đang được triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công và sẽ đưa vào phục vụ cho giao thông, phục vụ các đoàn khách du lịch, nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển sâm Ngọc Linh. Kể từ khi Chính phủ phê duyệt đề án sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, diện tích cũng như số lượng sâm Ngọc Linh đã tăng lên đáng kể. Bà con vùng Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang coi cây sâm là cây mũi nhọn để thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, mục tiêu của huyện Nam Trà My là phấn đấu xây dựng huyện trở thành trung tâm dược liệu của cả nước và là thủ phủ cây quế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đồng bào phát triển dược liệu đặc thù như sâm nam, giảo cổ lam, sơn tra, quế Trà My được huyện khởi động và người dân rất tích cực đồng hành phát triển. Trong tương lai không xa, vùng đất Nam Trà My sẽ cung ứng hàng chục loài dược liệu quý hiếm không những góp phần chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho mọi người mà còn tạo đà để địa phương vươn lên phát triển bền vững.

Huyện Nam Trà My cũng đặt ra mục tiêu thu hút hàng chục doanh nghiệp tâm huyết đến liên kết với đồng bào để mở rộng sản xuất kinh doanh. Phấn đấu thành lập tại mỗi thôn 1 doanh nghiệp để thúc đẩy cho khâu sản xuất hàng hóa phát triển mạnh và tiêu thụ hết các mặt hàng nông - lâm - thổ  sản do đồng bào làm ra. Bởi chỉ có hoạt động thương mại phát triển thì hàng hóa mới được tiêu thụ mạnh và người dân yên tâm tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào. Bên cạnh đó các hoạt động khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, công tác cải cách hành chính công, giải quyết công ăn việc làm gắn với đào tạo nghề trong năm 2017 cũng sẽ được chú trọng triển khai. Từ những cơ hội lớn cũng như quyết sách mà huyện Nam Trà My đề ra, tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào trong huyện sẽ chung tay góp sức xây dựng quê hương, phát triển Nam Trà My thành “vùng kinh tế xanh” của tỉnh.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vùng kinh tế xanh" của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO