(QNO) - Virus SARS-CoV-2, “kẻ thù vô hình” trên quy mô toàn cầu đã gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là suy thoái về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ở nước ta, trong gần 2 năm qua, phương châm hành động “Chống dịch như chống giặc” đã kích hoạt rất mạnh mẽ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; cả hệ thống chính trị cho tới mỗi người dân đều chung sức đồng lòng, chuyển sang tinh thần của thời chiến với quyết tâm chính trị cao cùng nhiều giải pháp khoa học để chiến đấu và sớm chiến thắng Covid-19.
Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12.2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và lây nhiễm ra các địa phương của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về người. Sau đó, dịch lây lan nhanh chóng, nguy hiểm ra nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đến ngày 11.3.2020 tăng cấp độ, công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Theo đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình” - cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động: “Chống dịch như chống giặc”.
Ngày 30.3.2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 29.7.2021, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “...Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động: “Chống dịch như chống giặc”, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân ta đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để cả nước tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 đem lại cuộc sống bình thường mới, bình an và hạnh phúc cho người dân.
“Chống dịch như chống giặc” đó là tư tưởng chỉ đạo và là phương châm hành động đối với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Vậy, tư tưởng, kế sách và nghệ thuật đánh giặc mà tổ tiên ta đã thực hiện ra sao?
Từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam ta đã có hơn 4.000 năm lịch sử vẻ vang. Đó là lịch sử của một dân tộc anh hùng mà sự sống còn, phát triển luôn gắn liền với lịch sử của những cuộc đấu tranh lâu dài chống kẻ thù xâm lược.
Tư tưởng chủ động tiến công và kế sách mềm dẻo, khôn khéo đã trở thành truyền thống đánh giặc của tổ tiên ta. Với truyền thống đó quân và dân ta đã đánh bại nhiều cuộc chiến xâm lược của kẻ thù, giữ vững độc lập dân tộc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; trong đó phương châm toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc là nghệ thuật đánh giặc độc đáo, sáng tạo của dân tộc ta được thể hiện cả trong khởi nghĩa vũ trang và trong chiến tranh.
Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã ghi lại trong cuốn sách “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc”: Tổng kết thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, Trần Quốc Tuấn nêu lên một nguyên nhân chủ yếu là: “Bây giờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu, nên giặc phải bó tay”. Sách An Nam chí lược cũng ghi rằng, đời nhà Trần “Toàn dân đánh giặc”. Nhà sử học Phan Huy Chú cũng viết trong tác phẩm của mình “Đời nhà Trần nhân dân ai cũng là binh nên mới phá được giặc dữ làm cho thế nước được mạnh”.
Đó là những tổng kết và kinh nghiệm lịch sử xuất phát từ những quan điểm chiến lược có ý nghĩa trong hệ thống tri thức quân sự, không chỉ thể hiện ở thời Trần mà cả trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Mỗi khi có xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân sống trên lãnh thổ này. Ý thức độc lập tự chủ là tư tưởng, tình cảm của dân tộc. Ý thức đó, từ rất sớm đã trở thành mục đích đấu tranh chung của tất cả các tầng lớp, mọi dân tộc trong nước. “Tình làng nghĩa nước”, “nước mất thì nhà tan” là nếp sống, là những suy nghĩ chung. Cho nên, người dân ta từ ngàn xưa đã có ý thức rất sâu rộng, nếu để kẻ thù cướp nước dày xéo quê hương, thì mất cả gia đình, mất cả của cải, mất cả nền văn hóa dân tộc, mất cả lẽ sống và đạo lý làm người. Tất cả nhân dân đều nhận thức rằng: “Quốc gia hữu sự toàn dân hữu trách” (Quốc gia có ngoại xâm thì toàn dân đều phải có trách nhiệm). Đó là tình cảm lớn nhất thúc đẩy mỗi người dân yêu nước đứng lên giữ nước với những thử thách gian lao và dân tộc ta ai cũng hiểu rõ giá trị thiêng liêng của độc lập dân tộc, nên đã “dĩ thân tuẫn quốc” (sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc).
Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “...Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh giặc Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”.
Tư tưởng chiến lược “cả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc” cũng xuất phát từ yêu cầu khách quan của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Muốn chiến thắng quân thù to lớn và cường bạo, thì phải dựa vào sức mạnh cả nước, huy động toàn dân đánh giặc.
Phân tích về thế trận lòng dân, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo cũng đã nhận định: Trải qua các giai đoạn lịch sử, tổ tiên ta đều nhận thức một các rõ ràng vai trò của toàn dân đánh giặc giữ nước. Quan điểm quốc phú binh cường thì gốc rễ là ở dân thể hiện trong nhiều triều đại. Cho nên, để động viên được sức mạnh tiềm tàng đó, tổ tiên ta đã phải thi hành nhiều chính sách tiến bộ để “an dân”. Lý Thường Kiệt coi “đủ ăn” là nguyện vọng của dân. Trần Quốc Tuấn chủ trương “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Buổi đầu đời Lê, triều đình đã ban lệnh “Không được khinh động đến sức dân” và Nguyễn Trãi cho “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đến thế kỷ thứ XVIII, Nguyễn Huệ đã có nhiều biện pháp để làm nước giàu, quân mạnh, trong đó có chủ trương “làm sao cho dân yên ổn, có ruộng cày...” hoặc “mở mang cửa ải, thông chợ búa, khiến cho các hàng hóa không ứ đọng, làm lợi cho dân”...
Khi bàn thế trận đánh giặc, các tài liệu nghiên cứu về Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã trình bày rất rõ: “Thực hiện cả nước là một chiến trường. Mỗi thôn, xóm, bản làng là một trận địa giết giặc”.
Đặc biệt, về nội dung nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đảng ta đã luôn xác định phải xác định và đánh giá đúng kẻ thù; biết mở đầu và kết thúc chiến tranh đúng lúc. Ví dụ, trong kháng chiến chống Pháp Đảng ta chủ trương “Trường kỳ kháng chiến” và đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xác định chiến tranh có thể kéo dài 5 đến 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng khi thời cơ đến phải nhanh chóng đánh đòn quyết định để kết thúc chiến tranh.
Mới đây, Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam (25.8.1911-25.8.2021) đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tập trung cao nhất cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người Việt Nam đều ghi nhớ sâu sắc lời “hịch” trong bức điện khẩn của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các cánh quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Mệnh lệnh "thần tốc hơn nữa..." của Tổng Tư lệnh năm xưa đã kịp thời "truyền lửa", tạo động lực vô cùng to lớn, thôi thúc các đoàn quân và toàn dân ta thần tốc, đồng lòng xốc tới, tổng tiến công và nổi dậy, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên địa bàn Quảng Nam, tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương đất Quảng anh hùng, cùng với những thành quả đã được bồi đắp, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng chặng đường đã qua cũng như chặng đường phía trước của Quảng Nam trong xu thế hội nhập, phát triển thì sức mạnh của lòng Dân vẫn luôn là nhân tố vô cùng quan trọng và quyết định như lời chỉ dạy của Bác Hồ kính yêu: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.
Để có được thắng lợi vẻ vang đó, trong gần nửa thế kỷ đấu tranh gian lao mà anh dũng, những đảng viên cộng sản của Đảng bộ tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giải phóng Nhân dân khỏi sự áp bức, thống trị của kẻ thù là nhiệm vụ trước hết và trên hết. Nhiều cán bộ, đảng viên kiên trung sống chết với Nhân dân, kiên quyết bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng. Đến lượt mình, Nhân dân sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hiểm nguy bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Đối với nước ta, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khoẻ và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, đòi hỏi mọi nhà, mọi người phải tiếp tục cùng đồng lòng tham gia phòng, chống dịch với tinh thần: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và chăm lo tốt nhất cho đời sống của nhân dân như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên địa bàn Quảng Nam, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp mạnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, phức tạp khó lường; vì vậy từng địa phương, đơn vị phải có kịch bản để sẵn sàng ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh một cách cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất. Tuyệt đối không được chủ quan, không để xảy ra những tình huống bị động, bất ngờ.
Thiết nghĩ, Tỉnh ủy cũng nên tổ chức một cuộc Tổng diễn tập với nhiều tình huống, cấp độ để kích hoạt, kiểm tra trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” của các địa phương, đơn vị; qua đó rút kinh nghiệm để xây dựng một kịch bản thật hoàn hảo với tinh thần của “thời chiến” để phòng, chống dịch bệnh.
Phải hiểu đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc” để làm đúng, trúng. “Chống giặc” là trên dưới một lòng, đoàn kết toàn dân, muôn người như một. “Chống giặc” thì phải ý thức kỷ luật là sức mạnh của quân đội, quân lệnh như sơn, nhất hô bá ứng. “Chống giặc” phải chủ động tiến công với kế sách mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo. “Chống giặc” là phải làm chủ về vũ khí, khí tài, lương thực thực phẩm cho quân và dân. “Chống giặc” phải hành động kịp thời và quyết liệt. “Chống giặc” thì không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; nhưng cũng không quá lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh. “Chống giặc” là phải làm thật tốt công tác binh, địch vận. “Chống giặc” là phải đánh chắc, thắng chắc. Đã “chống giặc” thì phải luôn ý thức trách nhiệm “vì nhân dân quên mình”, phải xem tính mạng, sức khỏe của nhân dân là tối thượng...
Nếu quyết tâm và làm làm được như vậy, nhất định chúng ta có niềm tin và hy vọng rằng đất nước ta sẽ sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19!