“Quảng Thuận đạo sử tập” ghi chép một số chi tiết về địa danh, địa giới, địa bàn hành chính, sông núi, cửa biển, đường bộ, đường biển… của xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam ở Đàng Trong khoảng từ năm 1775 đến năm 1785.
Tập địa chí xưa này được Nhà xuất bản Đại học Vinh tỉnh Nghệ An cùng đối tác liên kết là Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh ấn hành năm 2018, gồm 26 trang chính văn chữ Nho đã được dịch và chú thích, đính kèm 56 tờ bản đồ minh họa.
Các bản đồ
Người biên soạn tập sách chữ Nho này là ông Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) thuộc dòng dõi Nguyễn Huy - một dòng họ nổi tiếng khoa bảng ở làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1772, sau khi đỗ tiến sĩ, ông làm quan ở nhiều nơi như Sơn Nam, Hưng Hóa, Thanh Hóa và có hai lần được bổ vào xứ Thuận Hóa ở Đàng Trong (sau khi xứ này bị quân Trịnh chiếm cứ): lần đầu vào các năm 1774 và 1775 giữ chức “Kiêm lý lương hướng”; lần thứ nhì từ năm 1784 giữ các chức “Đốc thị Thuận Quảng”, “Đề đốc học chính” và “Kiêm lý lương hướng”.
Trong khoảng thời gian hai lần vào làm việc ở Thuận Hóa ông đã tiếp cận được các giấy tờ, sổ sách hành chính của phủ chúa Nguyễn, nhờ đó, ông thu thập tài liệu để soạn tập “Quảng Thuận đạo sử tập” (QTĐST), tương tự việc Lê Quý Đôn (được phủ chúa Trịnh cử vào làm Hiệp trấn ở Thuận Hóa) sử dụng tài liệu thu được từ phủ chúa Nguyễn để soạn “Phủ biên tạp lục” (PBTL) vào năm 1776.
Khó có thể biết tập sách QTĐST của Nguyễn Huy Quýnh soạn đồng thời hay soạn sau PBTL của Lê Quý Đôn. Đem so đọ, có thể thấy PBTL phong phú về tư liệu, thể hiện được nhiều mặt địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, hành chính… của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam hơn hẳn những ghi chép có tính chất địa chí sơ lược trong QTĐST; nhưng PBTL không có tập bản đồ minh họa sinh động địa lý và một số cơ sở hành chính, quân sự của xứ Đàng Trong như QTĐST. Có suy đoán rằng: tập bản đồ trong QTĐST có thể do ông Nguyễn Huy Chương - hậu duệ của Nguyễn Huy Quýnh vẽ trong lần chép lại chính văn vào tháng 7 năm 1943.
Tuy nhiên, khảo sát kỹ các tờ bản đồ có liên quan đến vùng nam Quảng Nam hiện nay và đối chiếu với giấy tờ và truyền khẩu còn lưu lại ở các vùng này, có thể biết các bản đồ trong QTĐST là chính bản được thu thập (hoặc là bản sao từ bản gốc) từ các bản đồ lưu trữ trong kho giấy tờ của triều đình chúa Nguyễn trước đó.
Cùng với chính văn, 56 tờ bản đồ trong QTĐST là bộ tư liệu rất quý giúp đối chiếu với sách PBTL trong việc khảo sát diện mạo địa lý của hai xứ (còn gọi là đạo) Thuận Hóa và Quảng Nam vào thế kỷ 18.
Về xứ Quảng Nam
Ở thời điểm soạn QTĐST, tác giả Nguyễn Huy Quýnh ghi nhận “xứ Quảng Nam” có: phủ Thăng Hoa (gồm huyện Hà Đông và huyện Lễ Dương); phủ Điện Bàn (bao gồm phố Hội An); phủ Quảng Ngãi (gồm huyện Chương Ngãi và huyện Mộ Hoa); phủ Quy Nhơn (gồm huyện Bồng Sơn, huyện Phù Li, huyện Tuy Viễn cùng 9 ấp và 3 thuộc); phủ Bình Khang; phủ Diên Khánh; phủ Bình Thuận; phủ Gia Định (gồm cả xứ Nam Vang và trấn Hà Tiên). Như vậy, danh xưng “xứ Quảng Nam” hồi thế kỷ 17 - 18 bao gồm vùng đất rất rộng từ đèo Hải Vân đến hết cuộc đất mà quân và dân thời các chúa Nguyễn mở rộng về phía Nam.
Địa hình 8 phủ trong xứ Quảng Nam nói trên được QTĐST mô tả khá chi tiết ở một số mặt giúp biết được nhiều điều. Có thể nêu mấy ví dụ cụ thể: Kể về các đoạn đường bộ từ đèo Hải Vân đến lỵ sở Dinh Quảng Nam ở phủ Điện Bàn, soạn giả ghi: “Con đường giữa từ đò Ải, cầu Tứ Khê qua 5 tầng đỉnh núi đến đò Cu Đê là 1 ngày 3 canh giờ. Lại một đường vượt núi Hoa Ổ, thông qua núi nhỏ Thanh Khê, Bàu Đất đến bến đò Mỹ Thị là 1 ngày 2 canh giờ. Từ Mỹ Thị qua sông Tam Hà (tục gọi là Ba Đò) đến quán Cẩm Sa là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Cẩm Sa đến dinh Quảng Nam là 1 ngày 3 canh giờ” (sđd, bản dịch, tr.18).
Hoặc kể về đường biển từ Hải Vân đến Cửa Đại như sau: “Một đường thủy từ đò Ải đến Cu Đê 3 canh giờ. Từ Cu Đê đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) là 3 canh giờ. Từ Cửa Hàn đến Cửa Đại Chiêm là 4 canh giờ” (sđd, bản dịch, tr.23).
Đọc các đoạn ghi chép trên, người Quảng Nam - Đà Nẵng đời sau có thể đối chiếu các địa danh và khoảng cách địa lý ghi trên một cách chính xác. Từ đó, đối chiếu với PBTL, có thể biết các ghi chép trong QTĐST về một số mặt của xứ Quảng Nam là hoàn toàn từ cơ sở thực tế. Tuy vậy vẫn có băn khoăn vì không thấy soạn giả nhắc đến tên huyện Duy Xuyên (được nhắc trong PBTL).
Mấy liên hệ từ sách
Sách QTĐST ghi đầy đủ tên gọi và thủy trình qua các cửa biển ở phạm vi hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam (từ cửa sông Gianh - phía bắc đến cửa Ba Thắc - phía nam). Đặc biệt, trong chính văn (sđd, tr.23) và trên bản đồ (sđd, tr.86) có ghi chú rõ việc đội thuyền “Hoàng Sa nhị” (của chúa Nguyễn) đóng ở xã An Vĩnh (cù lao Ré, Quảng Ngãi) hàng năm ra tuần sát và thu hoạch sản vật ở quần đảo Hoàng Sa.
Tờ bản đồ đường qua vùng núi Ải (Hải) Vân (sđd, tr.83) vẽ 4 con đường qua các vùng cao thấp từ xa đến gần biển: Ải tân đạo, Ải thượng đạo, Ải trung đạo và Ải hạ đạo. Qua đó, có thể biết đường bộ quốc lộ 1 thông thương giữa Thừa Thiên và Quảng Nam sau này có thể là Ải (Vân) hạ đạo trước đó.
Riêng địa bàn hiện nay là vùng nam Quảng Nam, đối chiếu QTĐST (ghi chép trong chính văn và hình vẽ cùng ghi chú trên bản đồ liên hệ) với thực địa thấy trùng khớp hoàn toàn. Ví dụ QTĐST ghi “Từ Hà Lam, vượt tháp Bà Dầu đến Chiên Đàn qua cầu, vượt đò Tam Kỳ đến bến đò Bầu Bầu, đò Trà Lý Tây là 1 ngày 3 canh giờ rưỡi. Từ đò Trà Lý đến Bến Ván, vượt qua sông là 1 ngày 2 canh” (sđd, tr.19).
Đối chiếu tờ bản đồ liên hệ (sđd, tr.84) thấy vẽ ba dòng sông Tam Kỳ, Bầu Bầu và Bến Ván với ba ghi chú chữ Nho: Tam Kỳ giang độ (giang độ: bến đò - NV), Bầu Bầu giang độ, Bến Ván giang độ. Phía hữu ngạn dòng sông Bầu Bầu có ghi Trà Lý Tây xã. Chỗ giáp dòng sông Bến Ván với biển có vẽ hình ngọn núi với ghi chú là Bàn Thán sơn (núi Bàn Than). Tất cả chi tiết ấy phù hợp hoàn toàn với địa hình, địa danh và hoạt động giao thông ở vùng đất liên hệ lúc đương thời (nay là phạm vi huyện Núi Thành).
Mấy liên hệ kể trên cho thấy soạn giả Nguyễn Huy Quýnh đã dựa hoàn toàn vào thực tế ghi chép từ sổ sách của chính quyền chúa Nguyễn lúc đương thời.