Vùng Quảng Nam và sự xuất hiện "nước Hoàn Vương"

VÕ VĂN THẮNG 02/04/2023 08:17

Vào cuối thế kỷ 9, một vương triều hùng mạnh ở vùng Quảng Nam chiếm được ưu thế, trở thành “vua tối cao của toàn Champa”. Từ đó về sau, sử gia Trung Hoa thay danh xưng “Hoàn Vương” bằng danh xưng “Chiêm Thành”, vốn đã được chính các vị vua Champa sử dụng trên văn khắc từ thời kỳ khởi lập của vương quốc này tại Quảng Nam vào các thế kỷ đầu công nguyên.

Phế tích Chăm ở bờ biển Nam Ô, Đà Nẵng. Ảnh: EFEO, đầu thế kỷ 20
Phế tích Chăm ở bờ biển Nam Ô, Đà Nẵng. Ảnh: EFEO, đầu thế kỷ 20

Khoảng trống văn khắc

Các văn khắc chữ Sanskrit tại di tích Mỹ Sơn và một số địa điểm khác ở Quảng Nam, có niên đại từ khoảng thế kỷ 5 đến đầu thế kỷ 8, cho thấy đã tồn tại ở khu vực này một vương quốc có tên là Champa với những vị vua sùng kính thần Hindu giáo. Các đền tháp xưa vẫn còn dấu tích cùng với những đài thờ, tượng thờ.

Tuy nhiên, sau các văn khắc của đời vua Vikrantavarman thứ II (đầu thế kỷ 8), không còn tìm thấy văn khắc nào khác tiếp theo ở vùng Quảng Nam suốt một thế kỷ sau đó.

Đến năm 875 mới có lại văn khắc của vị vua có tên là Jaya Indravarman, dựng tại khu đền tháp Đồng Dương, cách Mỹ Sơn khoảng 20km về phía đông nam, mở đầu cho một giai đoạn xuất hiện trở lại khá nhiều văn khắc tại Quảng Nam và khu vực lân cận.

Khoảng trống văn khắc từ giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9 tại vùng Quảng Nam trùng hợp với giai đoạn có những chuyển biến trong lịch sử các nước khu vực Đông Nam Á. Ở quần đảo Java, vương quốc Srivijaya trở nên hùng mạnh nhờ sự phát triển kỹ thuật hàng hải, giúp các thương thuyền từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Hoa tiếp cận buôn bán thuận tiện ở các bờ biển giàu tài nguyên của vùng quần đảo Java.

Ở Trung Hoa, triều đại nhà Đường suy yếu với cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và các thế lực khác vào nửa cuối thế kỷ 8; vai trò của nhà Đường đối với Giao Châu và các vương quốc phía nam bị sút giảm.

Trong bối cảnh đó, các đội quân Srivijaya từ Java không chỉ khống chế con đường hải thương qua Biển Đông mà còn tiến hành tấn công cướp bóc các vùng lãnh thổ ven biển Đông Dương lúc bấy giờ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép, năm 767, người Chà-Bà (Java) đến cướp, đánh phá thành của Giao Châu ở đồng bằng sông Hồng. Ở phía nam, một văn khắc tại Tháp Bà Po Nagar Nha Trang (C 38) cho biết, vua Satyavarman, thủ lĩnh vùng Panduranga (lúc này đã hội nhập không gian Champa), đã đánh bại một cuộc tấn công năm 774 của “những người độc ác đến bằng thuyền” cướp linga và đốt cháy đền thờ ở Kauṭhāra.

Văn khắc C 25 (Yang Tikuk, Ninh Thuận) ghi sự kiện năm 799, vua Indravarman dựng lại ngôi đền thờ thần Siva, trước đó bị “quân Java” đốt cháy vào năm 787. Trên hải trình từ Nha Trang ra phía bắc, ắt hẳn các đội quân Java không bỏ qua các cảng thị ở vùng Thu Bồn, vốn là một trung tâm phát triển của Champa với các đền tháp, văn khắc của nhiều đời vua từ các thế kỷ trước đó.

Từ Lâm Ấp đến Hoàn Vương

Từng vùng miền của Champa xuất hiện các thủ lĩnh riêng để đối phó các cuộc tấn công của Java và hình thành các “tiểu quốc” dọc theo bờ biển miền Trung; mỗi tiểu quốc chiếm cứ các vùng đồng bằng và cửa biển gắn với các con sông nối liền nguồn tài nguyên ở thượng nguồn phía tây.

Việc kiểm soát có tính chất độc lập tại các địa phương khiến các nhà du hành và thương nhân cảm nhận ở đó có các tiểu quốc với quyền lực riêng buộc họ phải tuân thủ. Một nhà du hành nổi tiếng đời Đường là Giả Đam đã ghi nhận dọc bờ biển miền Trung có các “châu”, “quốc”, gồm Hoàn Vương quốc, Môn Độc quốc, Cổ Đát quốc và Bôn Đà Lãng châu.

Hoàn Vương quốc được xác định ở phía tây Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Cổ Đát có thể là cách ghi âm Kauthara (Khánh Hòa); Bôn Đà Lãng ghi âm Panduranga (Phan Rang); Môn Độc có thể ở vào đoạn giữa Quảng Nam và Khánh Hòa.

Văn khắc chữ Sanskrit, thế kỷ 5, trên vách đá gần cửa sông Đà Rằng, Phú Yên. Ảnh: Hoài Sơn
Văn khắc chữ Sanskrit, thế kỷ 5, trên vách đá gần cửa sông Đà Rằng, Phú Yên. Ảnh: Hoài Sơn

Không gian Champa thời kỳ này là tập hợp các “tiểu quốc”; vua của một tiểu quốc khi chiếm được ưu thế sẽ xưng là rāja-dhi-rāja (vua của các vua). Sách “Đường hội yếu” chép là từ niên hiệu Chí Đức (từ năm 756 - 758), nước Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương. Danh xưng Lâm Ấp, vốn được sử Trung Hoa dùng từ thế kỷ 3 để chỉ một nước do “Khu Liên” xưng vương ở huyện Tượng Lâm cũ, không còn phù hợp với sự thay đổi phạm vi lãnh thổ và tính chất quyền lực ở khu vực phía nam Giao Châu.

“Lâm Ấp là đất Tượng quận của Nhật Nam thời Hán. Khởi đầu, nhân cuộc loạn của người phụ nữ Trưng Trắc đời Hán, con viên công Tào là Khu Liên giết huyện lệnh, tự xưng vương. Không có con trai nối dõi, cháu bên ngoại là Hùng thay thế lên ngôi.

Năm Thiên Bảo thứ 8, vua của nước ấy là Lư Đà La cử sứ cống 100 hạt ngọc trai, 30 cân trầm hương, 20 tấm vải tơ sáng trắng. Từ niên hiệu Chí Đức về sau, bèn đổi xưng là nước Hoàn Vương, không lấy Lâm Ấp làm tên gọi.

“Hoàn” có nghĩa là vòng ngọc. “Hoàn Vương” có thể hiểu là “vua theo vòng tròn”, cũng có thể đã được dùng để chỉ khái niệm “rāja-dhi-rāja”, phù hợp với thể chế quyền lực theo kiểu vòng tròn các tiểu quốc (mandala). Phạm vi của “Hoàn Vương” không chỉ là vùng Quảng Nam hay Lâm Ấp cũ mà bao gồm cả vùng nam đèo Cả.

Cho đến cuối thế kỷ 9, một vương triều hùng mạnh ở vùng Quảng Nam chiếm được ưu thế, trở thành “vua tối cao của toàn Champa” và từ đó về sau, sử gia Trung Hoa thay danh xưng “Hoàn Vương” bằng danh xưng “Chiêm Thành”, là cách dịch gần nhất với danh xưng “Champapura”, vốn đã được chính các vị vua Champa sử dụng trên văn khắc từ thời kỳ khởi lập của vương quốc này tại Quảng Nam vào các thế kỷ đầu công nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng Quảng Nam và sự xuất hiện "nước Hoàn Vương"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO