(QNO) - Truyền thống “chia thịt heo Tết” ở nhiều địa phương khiến cho nghề "mổ heo" "đắt sô" vào dịp cuối năm.
Xâu thịt mang về, một nét quê đẹp còn lưu giữ. |
Chung tết
Những ngày cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng đột biến. Không có nhiều địa điểm cung ứng thịt như ở các thành phố, thị trấn, người dân vùng quê chọn cách “chia thịt tết” theo truyền thống, nghĩa là vài ba nhà chung nhau xẻ thịt một con heo để trữ dùng cho dịp tất niên, các lễ cúng vái và những ngày tết, khi chợ chưa họp lại. Khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã tất bật tìm mối heo, rồi lại chạy ngược chạy xuôi tìm người chuyên mổ thịt. Thường thì ở quê, việc nuôi heo khá phổ biến nên tìm nguồn cung ứng heo không khó. Nhưng tìm một người chuyên mổ thịt heo trong thời điểm này khá gian nan.
Sáng sớm ngày 30 Tết, gia đình anh Lê Văn Thông (xã Ba, Đông Giang) phải chạy xuống tận nhà để đón cho được người về mổ heo cho gia đình. Một con lợn hơn 4 gang (khoảng hơn 40 ký thịt hơi) được 4 gia đình chia nhau trong ngày tết, trong đó chủ nhà được nhận phần thịt thủ (đầu heo) để cúng vái. Phần thịt còn lại sẽ được chia đều theo ước chừng của người mổ, nghĩa là để phân phối tất cả phần thịt, lòng lợn còn lại làm 4 phần giống nhau. Gia đình anh Thông năm nào cũng được hàng xóm “đặt hàng” chia thịt, bởi thịt nạc, chắc hơn và không sợ gặp phải thịt lợn nuôi công nghiệp. “Hàng xóm nhiều người ngỏ ý chia thịt tết với nhà tui lắm, vì năm nào cũng nuôi heo nhưng mình nuôi theo quy mô gia đình, không có nhiều, mà nhu cầu thì chỉ cần ¼ con heo thôi. Chia thịt tết vừa đủ nhu cầu, vừa có thịt thủ để cúng vái, tình làng nghĩa xóm cũng gần gũi hơn”, anh Thông chia sẻ.
Nếu như các gia đình có người biết mổ thịt heo, thì bữa “chia thịt tết” bao giờ cũng vui hơn với nồi cháo lòng thơm phức để ăn chung, xị rượu đế cho những người hàng xóm lai rai trong khi phụ nữ xâu từng xâu thịt chia nhau. Dần dà, vì những tất bật ngày cận tết nên các gia đình đa số đều thuê người mổ thịt, chia thịt thay để còn chuẩn bị, sửa soạn đón tết. Cũng không nhiều người biết mổ thịt nên nghề “đồ tể” trở thành nghề thời vụ đắt hàng bậc nhất trong những năm gần đây.
Nghề “hot” ngày cận Tết
Chỉ mất chưa đầy một tiếng đồng hồ, anh Trung, người mổ heo quen thuộc của nhiều gia đình ở thôn 2 (xã Ba, Đông Giang), đã xẻ thịt, chia xong một con heo cho 4 gia đình. Dịp tết năm nào anh Trung cũng nhận mổ heo, chia thịt như một nghề thời vụ có thu nhập khá cao. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, kéo dài đến tận sáng ngày cuối cùng của năm, hầu như không khi nào dứt “mối” nhờ anh mổ thịt, chia thịt tết. Thường thì công mổ thịt dao động từ 200 - 300 nghìn đồng một con heo, tùy kích cỡ. Trước khi “đồ tể” đến, khâu chuẩn bị từ lửa, nước sôi, những người phụ giúp bắt heo, lấy tiết đều đã sẵn sàng. Người mổ chỉ việc đến xẻ thịt, chia thịt rồi lại “chạy sô” cho các gia đình khác.
Mổ thịt heo đang là nghề thời vụ mang lại thu nhập cao dịp tết |
Xắn tay áo lôi một con heo 3 gang từ chuồng nuôi của một gia đình đã hẹn từ vài hôm trước, anh Trung thuần thục chọc tiết, mổ bụng, xẻ thịt, pha đầu cho khách. Vừa lau vội chiếc dao sáng quắc, đã có điện thoại giục “mối” : “Đến nhanh nhé, nước sôi rồi”. Vậy là một dao một xe máy, anh Trung lại phải “chạy sô” cho kịp để khách có thể cúng bái đúng giờ, đúng ngày đã chọn.
Chị Nguyễn Thị Hòa, người dân thôn 2, xã Ba (Đông Giang) cho biết: “Những ngày cận tết, phải điện thoại đặt trước 2, 3 ngày mới nhờ được người đến nhà mổ thịt heo. Nhiều người quen thân nhưng vẫn không nhờ được nếu không kịp dặn trước”. Theo chị Hòa, nhu cầu thịt tăng mạnh những ngày tết cùng với truyền thống chia thịt tết lâu đời khiến năm nào nghề này cũng “ăn nên làm ra”. Có ngày, một người mổ đến xấp xỉ 15 - 18 con heo cho một xóm. Không túi ni lông, không bao bì, những phần thịt heo xâu bằng sợi lạt theo chân từng gia đình về nhà trở thành một nét quê đặc sắc.
PHƯƠNG GIANG