Vùng quê Lãnh - Ngọc ngày ấy, bây giờ…

PHẠM HOÀNG 17/10/2016 09:10

Cách đây 55 năm, Đội công tác Tiên Lãnh phối hợp với Đại đội H21 của Tỉnh đội Quảng Nam vượt sông tranh giải phóng 2 xã Tiên lãnh và Tiên Ngọc mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương.

55 năm trước

“Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc” (27.10.1961) là chiến dịch đột phá của quân và dân ta nhằm mở rộng vùng tự do và khai thông tuyến hành lang an toàn ở miền tây Quảng Nam. Vào thời điểm mở chiến dịch, nước sông Tranh dâng cao gây khó khăn cho việc hành quân vượt sông. Tối 29.10, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, một đội ghe thuyền gồm 5 chiếc nhanh chóng được tập hợp dưới sự chỉ huy của tay chèo điêu luyện Trịnh Thị Ngọc Lan (cô ba Sừng) đã vận chuyển bộ đội sang sông an toàn, bí mật. Ngay sau khi áp bờ, quân ta chia làm hai mũi tiến công. Một mũi do đồng chí Đỗ Sa chỉ huy nhanh chóng vận động đến thôn 9. Một mũi do đồng chí Như Liễu chỉ huy bí mật hành quân tới thôn 4. Khi quân ta hình thành thế gọng kiềm, bao vây áp sát, binh lính tổng đoàn dân vệ phát hiện, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Quân ta nổ súng truy kích đánh tan một trung đội dân vệ. Bọn hội đồng xã bỏ trốn. Ta làm chủ địa bàn, củng cố lực lượng chống địch phản kích, vận động quần chúng tham gia công tác cách mạng. Một mũi tiến công khác thừa thắng truy kích địch và giải phóng hoàn toàn xã Tiên Ngọc.

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (cô Ba Sừng) đội trưởng đội lái đò đưa bộ đội sang sông năm xưa, nay đã ở vào tuổi 75 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát, vẫn gắn bó với ruộng vườn, với quê hương Tiên Lãnh. Ảnh: P.HOÀNG
Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (cô Ba Sừng) đội trưởng đội lái đò đưa bộ đội sang sông năm xưa, nay đã ở vào tuổi 75 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát, vẫn gắn bó với ruộng vườn, với quê hương Tiên Lãnh. Ảnh: P.HOÀNG

Hai xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc được giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập. Nhiều cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện đã chọn Tiên Lãnh làm nơi đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đây là thắng lợi lớn của thời kỳ Đồng khởi, có ý nghĩa cả trước mắt lẫn lâu dài. Ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay. Cuộc sống mới nơi vùng tự do khiến người dân hồ hởi tham gia công tác cách mạng, sẵn sàng đánh giặc giữ làng. Vùng Lãnh - Ngọc trở thành căn cứ và là tuyến hành lang quan trọng của cách mạng nối từ Phước Sơn qua Tiên Phước, lên Trà My trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ căn cứ Lãnh - Ngọc, năm 1962, bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện và các đội công tác tiếp tục mở chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà”, xây dựng căn cứ cho Tỉnh ủy Quảng Nam làm nơi đặt bản doanh lãnh đạo phong trào cách mạng, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của tỉnh và Sư đoàn 2 Quân khu 5 hình thành và phản kích địch càn quét vào vùng tự do của ta ở miền tây Quảng Nam.

Đổi thay đáng mừng

Nhân kỷ niệm 55 năm chiến dịch “Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc” từ ngày 20 - 27.10.2016, tại 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như về nguồn ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương, tổ chức thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ và Khu căn cứ Huyện ủy Tiên Phước, xây dựng công trình “Thắp sáng nghĩa trang” tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Lãnh; gặp mặt những người trực tiếp tham gia chiến dịch “Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc”; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách khó khăn; tổ chức văn nghệ do Đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại Tiên Lãnh, Đoàn ca kịch Quảng Nam biểu diễn tại Tiên Ngọc; giao hữu bóng chuyền…

Sau ngày quê hương giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, vùng quê Lãnh - Ngọc đã có nhiều đổi thay, diện mạo cuộc sống mới với những thay da đổi thịt ngày càng rõ nét. Ông Huỳnh Tấn Xuân - Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc cho biết: “Những năm qua, từ Chương trình 135 hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn và chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, xã đã đầu tư mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa nhiều tuyến giao thông quan trọng, xây dựng hệ thống cầu cống, cơ bản giải quyết được vấn đề quan trọng nhất của địa phương”. Xã Tiên Lãnh cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng 3 chiếc cầu treo, 1 cầu bê tông cốt thép kiên cố, hơn 6 km đường bê tông nông thôn. Nhánh đường rẽ từ quốc lộ 40B đi 2 xã Lãnh - Ngọc đã được nhựa hóa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Chị Trương Thị Nhịn ở tại thôn 4, xã Tiên Lãnh phấn khởi nói: “Trước đây do giao thông cách trở, cuộc sống khó khăn vợ chồng tôi phải xa xứ làm ăn kiếm sống. Mãi đến tháng 8.2015 khi Nhà nước đầu tư xây dựng xong chiếc cầu treo bắc qua sông tại thôn 2 chúng tôi trở về quê khôi phục khu vườn cũ bên kia sông, chăm sóc các loại cây lòn bon, thanh trà và mở trang trại chăn nuôi heo, gà, vịt. Mới hơn 1 năm đầu tư nhưng hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi đã có nguồn thu hơn 500 nghìn đồng từ việc bán trứng vịt. Vừa rồi gia đình tôi xuất bán lứa heo đầu tiên thu về gần 40 triệu đồng”.

Giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làm vườn, trồng cây. Hiện nay, người dân 2 xã Lãnh - Ngọc đã tận dụng lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai rộng lớn phát triển diện tích cây keo nguyên liệu tạo nguồn thu hơn 20 tỷ đồng/năm. Kinh tế vườn và chăn nuôi cũng khá phát triển với các loại cây trồng, con vật nuôi truyền thống như tiêu, cau, chuối, thanh trà, lòn bon, măng cụt, gà thả vườn, heo hướng nạc… Riêng xã Tiên Ngọc, người dân đã cải tạo, trồng mới hơn 200ha vườn. Các loại hình dịch vụ như vận tải, kinh doanh ăn uống, tạp hóa, sản phẩm nông nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cũng có nhiều khởi sắc. Ông Lê Minh Sơn - Bí thư đảng ủy xã Tiên Lãnh cho biết: “Cùng với việc khuyến khích phát triển sản xuất, chúng tôi còn vận dụng các cơ chế hỗ trợ của huyện và tỉnh, khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ đa dạng, phong phú. Nhờ đó, trong 5 năm (2010 – 2015) giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã tăng gấp hai lần, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân mỗi năm gần 8%”.

PHẠM HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng quê Lãnh - Ngọc ngày ấy, bây giờ…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO