|
(QNO) - Mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến cánh đồng Bàu Tròn - vựa rau quả cung ứng cho vụ đông và Tết Nguyên đán của huyện Đại Lộc đã bị ngập úng toàn bộ. Trong đó có hàng chục héc ta đang cho thu hoạch, gần 2/3 diện tích vừa xuống giống, cây con.... khiến nông dân đứng ngồi không yên.
Nhiều ruộng dưa leo, khổ qua đang cho thu hoạch bị ngập úng. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Chiều 9.12, mưa như trút nước. Có mặt ở vùng Bàu Tròn, theo ghi nhận của chúng tôi, hơn 40ha rau quả và một phần diện tích bắp nếp ngọt, rau các loại vừa xuống giống đã bị ngập úng trong nước. Trong đó, có khoảng hơn chục héc ta rau quả xuống giống sớm để cung ứng cho vụ đông đang được mùa được giá, thời điểm này đang cho thu hoạch quả cũng đã bị ngập úng trong nước. Số diện tích còn lại vừa xuống giống từ 1 tuần cho tới 1 tháng có nguy cơ bị mất trắng do bị ngập toàn bộ.
Nhiều diện tích khổ qua ngập sâu trong nước. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Dù mưa xối xả song vợ chồng anh Phạm Văn Hùng (xã Đại An) vẫn đội mưa hối hả thu hoạch chỗ dưa leo và mướp đang sai quả để kịp cho thương lái đến lấy. Anh Hùng cho biết, lứa rau quả trồng sớm này anh xuống giống 1 sào dưa leo và 2 sào mướp, năng suất cao, trung bình 1 tháng anh thu hoạch trong vòng 15 ngày. Dưa leo hiện bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, mướp là 12.000 đồng/kg. Song, mấy ngày mưa liên tục khiến toàn bộ 3 sào dưa leo và mướp của anh ngập úng toàn bộ phần gốc khiến anh không khỏi lo lắng, xót xa.
“Nếu trong vòng 1 - 2 ngày tới mà nước không rút thì tình trạng úng rễ, thối rễ là có rồi, nguy cơ cây sẽ tự héo dây và chết. Tình hình mưa kéo dài thế này tôi lo lắng vô cùng. Mỗi sào dưa và mướp, riêng tiền đầu tư phân, giống, bạc, róng, lưới, nhân công cũng đã 4 - 5 triệu đồng rồi, chỉ mới thu 2 - 3 lứa trái nách nên chưa gỡ được mấy đồng vốn liếng bỏ ra” - anh Hùng xót xa.
Vùng nước ngập mênh mông xóa sổ nhiều diện tích rau quả vừa xuống giống. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Cạnh đó, bà Huỳnh Thị Lực (thôn Bàu Tròn, xã Đại An) cũng trồng 5 sào dưa leo, khổ qua, chuẩn bị bước vào thu hoạch trái nách. Nhìn ruộng dưa, khổ qua trĩu trịt quả non, hoa trổ chi chít - dấu hiệu của được mùa, giá cũng tạm ổn mà lòng bà Lực nghẹn đắng. “Toàn bộ 5 sào của tôi đều ngập 30 - 50cm từ dưới đất lên thân cây. Với mức ngập này mà nước rút trong vòng 2 ngày thì có thể khắc phục được, chứ trời tiếp tục mưa như trút nước thế này thì lo thiệt. Nguy cơ mất trắng do ngập úng rễ, thối rễ rất lớn. Với đà này nếu nắng trở lại thì toàn bộ 5 sào sẽ tự động héo dây chết” - bà Lực chia sẻ. Cùng chung cảnh ngộ, bà Huỳnh Thị Thuận cũng trồng 5 sào rau quả và bắp nhưng đã mất trắng toàn bộ 2 sào.
Nhiều ruộng mướp chuẩn bị thu hoạch cũng hứng chịu đợt mưa lạnh và ngập úng kéo dài, nguy cơ thối rễ rất lớn. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Ông Phan Văn Lẫm (thôn Bàu Tròn) xuống giống tới 1,3 mẫu rau quả gồm: dưa leo, khổ qua, đậu cô ve, mướp, đu đủ, bắp nếp ngọt. Nhiều diện tích đang cho thu hoạch trái đầu mùa, còn lại vừa xuống giống đã bị ngập trắng trong nước. “Số vốn liếng tôi bỏ ra quá lớn, mấy chục triệu đồng tiền đầu tư ban đầu, thiệt hại trắng hơn 70% diện tích là có rồi. Mong các cấp giúp đỡ xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập úng cục bộ để giảm thiệt hại cho bà con vì thời tiết diễn biến khó lường quá. Chừ nhìn cánh đồng ngập trong nước mà không cách gì cứu vãn được bởi toàn bộ cánh đồng không có hệ thống thoát nước ra sông” - ông Lẫm nói.
Trong khi nhiều cánh đồng cao ráo bị ngập úng nước mưa thì nhiều ruộng rau màu đang nhú mầm xanh ở Bàu Tròn nằm ở chỗ trũng thời điểm này đã bị xóa dấu vết, chỉ thấy những chân ruộng trắng xóa...
Người dân tranh thủ thu hoạch nông sản. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo dự báo, những ngày tới, vùng Quảng Nam tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng, đồng nghĩa với nỗi lo của người dân Bàu Tròn càng lớn. Nhiều cánh đồng bị thiệt hại, mất trắng đi cùng nỗi lo thị trường cung ứng rau quả, thực phẩm cho vụ đông và dịp Tết Nguyên đán ở vùng sẽ bị ảnh hưởng, thiếu hụt nguồn cung, giá cả đắt đỏ là thực tế hiển hiện.
H.LIÊN - P.PHƯƠNG