Được nghe kể nhiều về Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) nhưng nay mới có dịp đến vùng đất này. Qua đó, được biết thêm về những câu chuyện huyền thoại, được nhìn thấy non xanh nước biếc hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thật nên thơ và hùng vĩ. Nơi đây đã có máu và nước mắt của hàng chục người con Quảng Nam đổ xuống góp phần viết nên những trang sử hào hùng.
Tìm lại dấu xưa
Trong những năm gần đây, người viết bài này vinh dự được mời dự gặp mặt truyền thống của Tiểu đoàn 248 vận tải biển được tổ chức hàng năm tại TP.Tam Kỳ. Qua đó được biết: Tháng 6.1948, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập đơn vị Việt Thắng, làm nhiệm vụ vận tải đường biển có tên T05 sau đó đổi tên thành Tiểu đoàn 248 thuộc Ban vận tải Phòng cung cấp Bộ Tư lệnh Liên khu 5, dùng thuyền bầu giả dạng đi buôn chở hàng sang Trung Quốc, Hồng Kông để mua vũ khí chở vào miền Nam. Đến cuối năm 1948 và giữa năm 1949, hàng nước ngoài viện trợ nhiều nhưng địch phong tỏa đường bộ ráo riết, trong khi đó đòi hỏi của chiến trường nhất là khu 5 và Nam Bộ ngày càng lớn. Vì vậy Liên khu 5 cho thành lập đoàn vận tải gồm thuyền bầu và thuyền chèo nhỏ làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, đạn dược, thuốc men, tài liệu, lương thực và cán bộ từ Trung ương, Quân khu 5 vào chiến trường cực Nam và Nam Bộ.
Vịnh Vũng Rô được các núi cao che chắn. |
Thuyền bầu hoạt động chủ yếu vào mùa gió bắc (gió mùa đông bắc) chờ khi gió cấp 6 - 7, tàu tuần tiễu địch khó đi lại thì ta mới xuất quân. Bình quân mỗi thuyền chở 30 - 40 tấn, có thuyền chở đến 50 tấn, ra cửa ban đêm chạy 3 buồm. Tùy theo thuyền lớn, nhỏ mà số người phục vụ nhiều hay ít nhưng bình quân 9 - 12 người/thuyền. Thuyền chèo bố trí theo chiến thuật du kích, chủ yếu hoạt động vào mùa gió nam (tháng 2 - 3 và tháng 8 - 9/năm), mỗi thuyền gồm 5 người với 5 mái chèo chở 1 - 3 tấn. Mỗi đoàn có 3 chiếc đi gần bãi, sát ghềnh theo kiểu sâu đo, đêm đi, ngày lên núi nghỉ. Thuyền giấu vào chỗ ghềnh đá hoặc nhận chìm, có khi phải khiêng qua núi, hàng hóa thì đào cát chôn hoặc đưa vào hang núi ngụy trang che mắt địch. Mặc dù địch giăng đồn bót dọc theo bờ biển, có đèn pha chiếu sáng, tàu tuần tiễu ngày đêm hoạt động vây bắt, máy bay cả ngày tìm kiếm, truy lùng thế mà đội quân này vẫn luồn lách lúc ra khơi, lúc vào lộng để hoàn thành các chuyến đi từ Bắc vào Nam…
Đường xuống Di tích lịch sử cấp quốc gia Vũng Rô. Ảnh: Đ.NGỌC |
Vũng Rô là một trong những bến quan trọng trong việc che giấu người, phương tiện và hàng hóa an toàn nhất. Nhiều lần bị địch vây đánh nhưng trăm người như một, thà hy sinh hay tù đày chứ nhất quyết không để hàng hóa lọt vào tay địch. Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 248 vận tải biển có gần 800 quân, trong đó tỉnh Quảng Nam có hơn 100 người. Gần một nửa cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hy sinh, riêng Quảng Nam có 32 đồng chí, trong đó phần nhiều là không tìm thấy thi thể. Đây là sự hy sinh rất lớn để cùng quân và dân cả nước làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ kháng chiến với những con tàu không số đã cập bến Vũng Rô mang theo hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang quân khu mở chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965 giành thắng lợi, góp phần động viên tinh thần, ý chí của quân và dân ta, thúc đẩy phong trào cách mạng trong khu vực phát triển mạnh mẽ, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Di tích lịch sử và sự phát triển thời hiện đại
Năm 1997 bến Vũng Rô đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trung tá Hồ Đắc Thạnh - nguyên thuyền trưởng tàu 41 (ở phường 3, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thuyền phó Dương Văn Lộc (quê ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành), hy sinh năm 1966 tại bến Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cũng vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng thời gian này, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5, cựu chiến binh Phạm Hồng Sơn - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 248 vận tải biển đã bàn giao hiện vật là chiếc thuyền bầu và chiếc thuyền chèo. Dịp này, cựu chiến binh Trần Á (huyện Duy Xuyên) và Nguyễn Văn Hiệu (huyện Thăng Bình) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; và nhiều cựu chiến binh của tiểu đoàn được trao tặng Huy hiệu Quân khu 5.
Vũng Rô có diện tích 1.640ha mặt nước, được che chắn ở cả 3 hướng bắc, đông, tây với những dãy núi cao như Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà. Trong vịnh có nhiều bãi nhỏ gồm Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau… Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, Di tích lịch sử cấp quốc gia Vũng Rô đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Đặc biệt, vịnh Vũng Rô có độ sâu lý tưởng đủ điều kiện để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Với lợi thế đó vịnh Vũng Rô đã được Chính phủ đầu tư mở rộng cảng.
Hiện nay cảng Vũng Rô là một cảng biển sầm uất, là đầu mối giao thông đường biển quan trọng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên. Những năm gần đây cảng Vũng Rô đã khơi thông luồng vào cảng gần 3.000m, xây dựng mới 2 cầu tàu (K1 và K2) mỗi cầu tàu dài 76m. Nếu những năm trước đây chỉ xếp dỡ được 20 - 40 nghìn tấn hàng hóa các loại thì đến nay cảng Vũng Rô đã thu hút gần 300 lượt tàu nhập hàng, khai thác lượng hàng hóa qua cảng ước đạt gần 500 nghìn tấn/năm. Doanh thu và lợi nhuận của cảng hàng năm đều tăng so với kế hoạch đề ra, đời sống vật chất và tinh thần người lao động cũng vì thế không ngừng được cải thiện. Để trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thời gian đến cảng Vũng Rô tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ xếp dỡ để tăng nhanh năng suất, giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng hóa, giảm giá thành xếp dỡ và thời gian làm hàng tại cảng, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC