Quảng Nam có hai địa phương triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh: vùng dưới chân đỉnh Ngọc Lum Heo ở thôn 6, xã Phước Lộc (Phước Sơn) và thôn Z’rượt, xã Ch’Ơm (Tây Giang). Theo đánh giá của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, cây sâm di thực chất lượng không cao bằng vùng sâm gốc.
Tiếp tục nghiên cứu vùng di thực
Tính đến nay, đã 15 năm kể từ khi những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được di thực đến thôn Z’rượt của xã Ch’Ơm, Tây Giang song những đánh giá về chất lượng, đặc tính của cây sâm di thực vẫn chưa khả quan. Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh cho biết, năm 2012 công ty tiếp nhận vườn sâm giống nhiều độ tuổi khác nhau từ huyện Tây Giang với diện tích 1ha. Tuy nhiên, cây sâm di thực ở vùng Z’rượt không mấy khả quan, khi củ bé, hàm lượng các hoạt chất quan trọng trong củ sâm không cao, cây phát triển không đều, rễ ít phát triển. “Chúng tôi đã trồng ở Ch’Ơm được 19.000 cây sâm nhưng tháng 9.2019 công ty phải chuyển cây về Trà Cang (Nam Trà My), chỉ giữ lại một ít để nghiên cứu, tiếp tục đánh giá thêm” - ông Triệu nói. Theo ông Triệu, sở dĩ rễ không phát triển sau vài năm trồng và hiện tượng cây sâm ngủ đông kéo dài do vùng chọn di thực trước đó chưa phù hợp, dù đây là vùng có độ cao 1.350 - 1.400m so với mực nước biển nhưng đất đai ở đây nghèo dinh dưỡng, mùn ít, đất có nhiều đá sỏi, lượng mưa ít do nằm ở sườn tây, chịu ảnh hưởng của gió Lào rất lớn. Sườn đông của Tây Giang có nhiều điều kiện tốt hơn, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Mong Viện Thổ nhưỡng nông hóa và các viện, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chỉ ra vùng nào thích hợp để trồng sâm, cần thiết xây dựng bản đồ về đất, khí hậu thích hợp cho vùng sâm.
Tại thôn 6 xã Phước Lộc, có một khu vực rừng già tiếp giáp với huyện Nam Trà My và huyện Đắk Glei (Kon Tum), có loài sâm Ngọc Linh sinh trưởng tự nhiên ở độ cao trung bình 1.400 - 1.600m. Từ năm 2004 - 2005, Ban Định canh - định cư - kinh tế mới huyện Phước Sơn (sau này là Phòng Dân tộc huyện) đã di thực trồng 10.680 cây sâm Ngọc Linh (từ Nam Trà My) trồng tại thôn 6 xã Phước Lộc với diện tích khoảng 1ha. Năm 2008, Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh đã kiểm nghiệm mẫu sâm Ngọc Linh trồng tại thôn 6 xã Phước Lộc, với kết quả tổng hàm lượng 4 saponin chính đạt 8,79%, thấp hơn mẫu sâm đối chứng khoảng 25%. Tháng 4.2018, Viện Thổ nhưỡng nông hóa cũng đã nêu lên sự phù hợp sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh tại khu vực này. UBND huyện Phước Sơn kiến nghị, Sở KH-CN, UBND tỉnh công nhận kết quả di thực thành công của cây sâm Ngọc Linh, đề xuất đưa vùng có cây sâm phân bố và di thực thành công vào vùng mở rộng phạm vi chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, tạo động lực cho người dân Phước Lộc trồng sâm thoát nghèo.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Việc chọn vùng đất để di thực cây sâm ở Tây Giang trước kia chưa phù hợp, vùng này chưa đảm bảo về độ tàn che, độ dốc, độ ẩm, độ mùn trong đất và lượng mưa. Tuy nhiên, không có nghĩa là nơi nào ở Tây Giang cũng không trồng được, mà phải tìm ra vùng phù hợp. Còn ở Phước Sơn, khả năng hợp để di thực cây sâm, nhưng do vùng này trước nay không ai chăm sóc, cây sâm không phát triển và bị mất trộm”...
Chất lượng không đồng đều
Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, do TS. Lương Đức Toàn - Viện Thổ nhưỡng nông hóa chủ trì, triển khai trong vòng 30 tháng (9.2017 - 2.2020). TS. Lương Đức Toàn đã lấy mẫu sâm có độ tuổi 4 - 15 năm tại 2 vùng di thực ở Phước Sơn và Tây Giang. Qua khảo sát, về hình thái sâm củ ở các vùng di thực đều có thân rễ và rễ củ, ngoại trừ một số mẫu sâm trong quá trình thu thập do được trồng từ đầu mầm nên rễ củ không phát triển như các trường hợp trồng từ hạt. Sâm tại Tây Giang có chiều dài trung bình tốt hơn sâm tại Phước Sơn và có trọng lượng củ nặng hơn; nếu so cùng độ tuổi, trọng lượng sâm tại 2 vùng Tây Giang, Phước Sơn nhỏ hơn nhiều so với cây sâm nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh.
TS. Lương Đức Toàn cho biết, xét về lượng mưa, vùng trồng sâm ở Phước Lộc có nét tương đồng với vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh; còn vùng sâm Tây Giang có lượng mưa thấp hơn. Tổng lượng ẩm trung bình hằng năm tại vùng sâm Tây Giang thấp hơn lượng ẩm không khí tại vùng sâm Phước Sơn và vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Vùng trồng sâm huyện Phước Sơn có vùng rừng đệm bốn hướng đều đạt trên 2km, còn vùng trồng sâm Tây Giang có ba hướng nam, bắc, đông đạt trên 1km, hướng tây chỉ có vùng đệm chưa đến 300m, chịu ảnh hưởng của gió tây nam từ tháng 4 đến tháng 10, trùng với thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Hàm lượng mùn trong đất ở vùng di thực sâm ở Tây Giang thấp hơn so với Phước Sơn...
“Hiện vẫn chưa đủ điều kiện để đưa 2 xã Phước Lộc và Ch’Ơm vào vùng mở rộng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh trong khuôn khổ đề tài của TS. Lương Đức Toàn. Đối với đề xuất của UBND huyện Phước Sơn, nên chủ động làm đề án quy hoạch cấp huyện về phát triển vùng trồng sâm, tập trung ở xã Phước Lộc, mời các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, khi có điều kiện sẽ bổ sung vào quy hoạch cấp tỉnh. Trong đó, cần nghiên cứu, thu thập cơ sở dữ liệu đất đai, khí hậu, độ ẩm, lượng mưa, lượng mùn, tàn che, độ đốc... của địa hình vùng đặt vấn đề di thực, xem có phù hợp không mới di thực. Đồng thời phải xây dựng bản đồ hiện trạng đất đai, cần chỉ ra được vùng nào trồng sâm được, vùng nào không, có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn, thuyết phục, giúp người dân và doanh nghiệp có định hướng trồng sâm dưới tán rừng hợp lý, không mất thời gian, công sức”.(Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN)