Kể từ năm 1999 đến nay, cứ đến đầu tháng 5 Trung Quốc lại ngang ngược phát lệnh “cấm” đánh bắt cá suốt 3 tháng rưỡi ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Và như thường lệ, Hội Nghề cá Việt Nam lập tức gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao để đề đạt quan điểm phản đối lệnh cấm phi lý đó.
Làm sao không phản đối cho được, khi Trung Quốc tự cho phép mình được quyền “cấm” đánh bắt cá từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đó là phản ứng kịp thời ở cấp độ của cơ quan chức năng. Còn với ngư dân ăn sóng nói gió, như thường lệ, họ thường buột miệng nói giọng Quảng: “Mặc kệ!”. Có điều, không chỉ nói suông hoặc đối phó ẩu.
Tính đến đầu tháng 5, thời điểm mà phía Trung Quốc ban hành lệnh “cấm” đánh bắt không có giá trị pháp lý, khoảng 750 tàu cá của ngư dân Quảng Nam vẫn hiện diện ở 2 ngư trường lớn Hoàng Sa, Trường Sa (chưa kể tàu cá ngư dân Việt Nam của địa phương khác).
Hiện diện, không chỉ vì đấy là ngư trường truyền thống, vì để duy trì năng suất đánh bắt, vì xác lập cột mốc chủ quyền “sống” trên biển. Mà hơn thế nữa, ngư dân còn cho thấy tính hiệu quả trong ứng phó. Họ tổ chức thành đội nhóm 5 - 10 tàu để gia tăng sức mạnh ứng phó. Tàu trong tổ đoàn kết đánh bắt cách nhau 2 - 3 hải lý, tạo “thế trận” liên hoàn, nếu bị kẻ xấu bất ngờ tấn công, quấy phá, chí ít cũng kịp hỗ trợ nhau. Hàng loạt sự cố thời gian qua cho thấy chủ trương vận động lập tổ đoàn kết trên biển của cơ quan chức năng là xác đúng.
Bao đời nay, biển giã luôn tiềm ẩn rủi ro, ở thời điểm hiện tại lại càng bất trắc. Ngay đến lệnh “cấm” vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế mà phía Trung Quốc vẫn ngang ngược đưa ra, thì có thể lý giải vì sao thi thoảng lại có tin tàu cá ngư dân Việt Nam bị phá lưới, cướp hải sản, đâm chìm… Chưa hết, nếu né được “tàu lạ” thì đôi khi lại vướng thiên tai, như sự cố dông lốc hôm 26.4 khiến tàu QNa-95654 của ngư dân Thăng Bình bị chìm ở vùng biển Trường Sa, 30 ngư dân phải bơi thuyền thúng về phía nhà giàn DK1/11 lánh nạn.
Sực nhớ loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát bả trạo, theo thời gian, đã trở thành nghi thức tâm linh và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhắc đến “bả trạo” lúc này là muốn đề cập nguyên nghĩa: nắm chắc mái chèo giữa biển khơi (bả: nắm chắc, trạo: mái chèo). Và rồi, từ một tâm nguyện thiện lành của ngư dân, bả trạo/nắm chắc mái chèo giờ trở thành một đòi hỏi, một sứ mệnh, một thách thức.
Vậy hãy nhìn ra phía biển mà gửi một lời chúc “Vững tay chèo!”, dù tàu đánh bắt xa bờ bây giờ chạy bằng máy với công suất cả trăm mã lực.