Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: Hướng đến vùng dược liệu trọng điểm

QUỐC TUẤN 03/07/2019 14:09

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác căn cơ kho tàng dược liệu quý là chủ đề chính của hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh tham gia quảng bá tại hội chợ thương mại. Ảnh: Q.T
Sản phẩm sâm Ngọc Linh tham gia quảng bá tại hội chợ thương mại. Ảnh: Q.T

Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Thống kê cho thấy, ở vùng Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc; vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng có hơn 1.000 loài, trong đó riêng Quảng Nam có khoảng 830 loài cây thuốc từ dân dã đến quý hiếm có giá trị y tế và kinh tế cao. Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo ra giá trị nhiều trong khi không ít loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp và có nguy cơ cạn kiệt.

Theo PGS-TS. Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), cần nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc trên tất cả vùng trồng dược liệu trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đồng thời tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm dược liệu đặc trưng, có lợi thế cho vùng.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra ý kiến về việc quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loại dược liệu chủ lực như: sâm, sa nhân tím, đẳng sâm, gừng, trinh nữ hoàng cung… Hiện nay, trong vùng đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH-CN các cấp như ứng dụng KH-CN trong sản xuất tỏi đen, nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn, phát triển nguồn gen quế bản địa Trà Bồng (Quảng Ngãi), ba kích, đẳng sâm (Quảng Nam), trồng thử nghiệm đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP -  các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (Ninh Thuận), trồng thử nghiệm hà thủ ô đỏ, sâm cau, viễn chí lá nhỏ (Đắk Nông)…

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, đã đến lúc vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cần có hệ thống cơ sở chế biến, nhà máy sản xuất dược phẩm đạt chuẩn quốc tế gắn với vùng trồng cây dược liệu phù hợp để tránh tình trạng khai thác tận diệt dẫn đến nhiều loài cây thuốc quý bị cạn kiệt như hiện nay. Về lo ngại của một số doanh nghiệp thiếu hụt giống cũng như không có được nguồn cung cấp ổn định một số loại cây dược liệu, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh chia sẻ, Tiên Phước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vùng dược liệu, chỉ cần doanh nghiệp cam kết bao tiêu được đầu ra lâu dài thì trong thời gian ngắn địa phương sẽ hỗ trợ người dân hình thành vùng trồng dược liệu quy mô, nhất là cây đinh lăng, phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: Hướng đến vùng dược liệu trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO