Vùng trọng điểm công nghiệp phía nam

CHIÊU THỤC ANH 24/04/2015 09:07

Từ những trảng cát mênh mông bỏng rát chân người, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên đã đưa vùng đất Núi Thành trở thành vùng trọng điểm công nghiệp phía nam của tỉnh.

Động lực

Tháng 6.2013, Khu kinh tế mở Chu Lai chính thức được thành lập theo Quyết định 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đây, Núi Thành đứng trước “cơ hội vàng” cho sự chuyển mình để trở thành địa phương đi đầu trong việc phát triển công nghiệp của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Mau - quyền Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, đến nay các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 92 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 14.000 lao động địa phương. Tiêu biểu như Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải, Nhà máy Kính nổi, Nhà máy Soda Chu Lai, cảng Kỳ Hà, cảng hậu cần Tam Hiệp, cảng hàng không Chu Lai... Năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.640,3 tỷ đồng, đạt 133,6% so với dự toán tỉnh giao. Trong đó huyện quản lý thu đạt 89,3 tỷ đồng, đạt 179,4% so với dự toán tỉnh giao.

Cơ sở sản xuất của Công ty May Như Thành.
Cơ sở sản xuất của Công ty May Như Thành.

Ngoài các khu công nghiệp lớn trên địa bàn, Núi Thành còn có 3 cụm công nghiệp (CCN) là CCN Tam Mỹ Tây, CCN khối 7 thị trấn Núi Thành (còn gọi là CCN Trảng Tôn) và CCN Nam Chu Lai. Trong đó 2 cụm đã đi vào hoạt động và một cụm hoàn thành quy hoạch chi tiết. Ông Lê Viết Vinh - Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Núi Thành, cho biết: “Tổng diện tích đất quy hoạch các CCN của huyện hơn 92ha. Hiện có 11 doanh nghiệp đầu tư, trong đó 4 doanh nghiệp đã hoạt động, 2 doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản, một doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất của huyện Núi Thành đạt 8.232 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013; trong đó giá trị công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ chiếm 90,26%.

Lao động nhàn rỗi có thêm khoản thu nhập ổn định khi làm việc tại cơ sở mây tre lá Âu Cơ. Ảnh: C.T.A
Lao động nhàn rỗi có thêm khoản thu nhập ổn định khi làm việc tại cơ sở mây tre lá Âu Cơ. Ảnh: C.T.A

Đất lành…

Không chỉ các doanh nghiệp lớn nhận thấy quyết định đầu tư tại vùng đất mở là đúng đắn mà các doanh nghiệp đóng chân tại các CCN ở địa phương cũng bày tỏ hài lòng khi gầy dựng sản nghiệp trên những trảng cát bỏng rát Núi Thành. Ông Lâm Quyền Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh May Như Thành (CCN Trảng Tôn, thị trấn Núi Thành), nói: “Công ty đã biết đến Núi Thành từ trước khi vùng đất này được chọn xây dựng thí điểm kinh tế mở. Sau này vào năm 2007, trước quyết định mở rộng doanh nghiệp, công ty đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và thấy đây đúng là vị trí phù hợp nên quyết định đầu tư nhà máy”. Cũng theo ông Quý, ông đã đi đầu tư nhiều nơi nhưng chỉ tại Núi Thành ông mới thấy thoải mái và hài lòng về lực lượng hỗ trợ hành chính. Những nhà đầu tư như ông được hỗ trợ, chia sẻ thông tin và giúp giải quyết tốt những vấn đề tồn đọng. “Nếu nguồn nhân lực dồi dào thì không chỉ 600 công nhân như hiện nay mà công ty có thể tiếp nhận cả nghìn lao động để gia công sản phẩm quần áo trẻ em xuất sang thị trường Mỹ” - ông Quý nói thêm. Trong khi đó, chị Trương Thị Thu Hiền, công nhân Công ty May Như Thành cũng chia sẻ rằng, chị cảm thấy hài lòng về môi trường làm việc cũng như các khoản thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm đều được công ty chăm lo đầy đủ. Rõ ràng, sự “chuyển mình” từ quá trình phát triển công nghiệp đã có tác dụng rõ rệt ở Núi Thành. Trong khi ở các vùng nông thôn khác, thanh niên vẫn còn bỏ quê Nam tiến thì ở vùng đất này, nhiều người quyết tâm “ly nông bất ly hương”, đầu quân cho các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Bài toán khó về lao động tại chỗ ở Núi Thành đã có hướng giải quyết từ khi địa phương hình thành các cơ sở công nghiệp.

Cùng với công nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống cũng được Núi Thành khuyến khích phát triển với các cơ chế, chính sách hợp lý. Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (CCN Trảng Tôn) là một trong những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực này với sản phẩm chủ lực là hàng mây tre thủ công, xuất khẩu đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Mỗi năm doanh nghiệp này đào tạo và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập ổn định 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. “Huyện Núi Thành đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục thu hút đầu tư; hoàn thành thủ tục, triển khai đề án phát triển đô thị Chu Lai - Núi Thành lên đô thị loại 4 và tập trung nguồn lực để sớm trở thành huyện công nghiệp. Đây chính là cơ hội để Núi Thành tiếp tục gặt hái những thành quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội’ – ông Mau nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng trọng điểm công nghiệp phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO