Biển Đông dù có những biến động phức tạp song ngư dân Quảng Nam vẫn kiên trì bám biển, đóng tàu lớn vươn khơi. Kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của các chiến sĩ biên phòng trong nỗ lực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Các chiến sĩ biên phòng tuần tra bảo vệ an ninh biển đảo. |
Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi về thăm xã Tam Quang (huyện Núi Thành). Ông Phan Hẹn - một chủ tàu cho biết: “Tôi làm nghề đánh bắt hải sản từ năm 2001. Dù thời gian qua có nhiều biến động tranh chấp ở biển Đông, nhưng nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà, lực lượng cảnh sát biển, tôi vẫn mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu để mở rộng ngư trường đánh bắt, cải thiện thu nhập cho bạn tàu”. Ông Hẹn vừa đóng tàu mới dài 19m, công suất 460CV, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Các thuyền viên của tàu đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống… cho chuyến ra khơi. Trên tàu, các chiến sĩ biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà ân cần thăm hỏi, động viên các thuyền viên. Ai cũng vui vẻ và tin chắc chuyến đi đem lại nhiều kết quả. “Có sự quan tâm của các chiến sĩ biên phòng, những người luôn có mặt để giúp đỡ khi tàu thuyền gặp bất trắc, hoạn nạn, nên không chỉ tôi mà nhiều chủ tàu ở đây rất yên tâm ra khơi” - ông Hẹn chia sẻ.
Hôm ấy cũng đúng lúc ông Lữ Đình Tô vừa kết thúc chuyến đánh bắt trở vào bờ. Ông Tô vui vì chuyến này tàu ông được nhiều cá, mực. Sau khi trừ chi phí, chia tiền cho “bạn”, ông kiếm được hơn 30 triệu đồng. “Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của các thành viên trên tàu, sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng ở đây rất lớn” - ông Tô phấn khởi nói.
Xã Tam Quang có 9km bờ biển, 5.200 lao động làm nghề đánh bắt hải sản, với 390 tàu thuyền (tổng cộng 16.000CV), sản lượng đánh bắt hằng năm 3.000 tấn. Ngành nghề đánh bắt, làm các dịch vụ liên quan đã góp phần rất lớn cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Tam Quang có vị trí địa lý rất quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Vì vậy, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà cùng với địa phương tạo mọi điều kiện để bà con ngư dân đánh bắt, vừa đảm bảo việc quản lý tình hình an ninh. Đồn phó Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà - Đại úy Thái Nguyễn Văn Hà cho biết: “Ngoài việc làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, đồn còn tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ ngư dân các trang thiết bị kỹ thuật đi biển như máy định vị, hệ thống vô tuyến điện”.
Kể từ khi tái lập tỉnh, đặc biệt là khi có Nghị định 161 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển đảo, Quảng Nam đã có nhiều giải pháp bảo vệ an ninh biên giới biển đảo. Trong đó, nổi bật nhất là việc thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Đến nay, cả tỉnh xây dựng được 81 tổ đội đoàn kết đánh bắt hải sản với hơn 770 tàu tham gia. Lực lượng biên phòng được các tổ đoàn kết cung cấp nhiều thông tin có giá trị ảnh hưởng đến an ninh biển đảo, qua đó kịp thời xử lý, ngăn chặn. Nhờ vậy, 10 năm qua việc quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biển thuộc địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp. Thông qua đó, mối quan hệ giữa các chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân ở các xã ven biển trong tỉnh thêm gắn bó. Bà con ngư dân, không chỉ đơn thuần đánh bắt hải sản mà còn góp phần bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo. |
Từ khi có Nghị 161 (năm 2003) của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển, ngoài việc phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà còn xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân với phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồn cử cán bộ xuống tận cơ sở tuyên truyền thành lập được 14 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản nhằm tương trợ nhau trong đánh bắt, khi gặp hoạn nạn, sự cố trên biển. Đồn cũng đã vận động ngư dân, tham mưu chính quyền và Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá tại Tam Quang. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh và đang được rút kinh nghiệm để nhân rộng ở các địa phương.
Ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An), Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cũng đã thực hiện tốt chức năng của mình. Đồn cùng với chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân giữ gin an ninh biển, góp phần rất lớn để phát triển du lịch tại đây. Nhờ vậy, xã đảo đón ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù lao Chàm - Thượng tá Ngô Minh Tuấn cho biết: “Tết Quý Tỵ vừa rồi, nhờ bà con cung cấp thông tin, đơn vị đã cứu nạn thành công trường hợp tàu của ngư dân xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) bị chết máy trôi dạt trên biển. Một trường hợp đau nặng cũng đã được đồn hỗ trợ chuyển vô đất liền cấp cứu thành công”. Cũng theo Thượng tá Ngô Minh Tuấn, chính bà con ngư dân là chỗ dựa vững chắc để lực lượng biên phòng tuyến biên giới biển hoàn thành nhiệm vụ.
HUỲNH BẢY