Những dòng sông đã có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa cả xứ Quảng vì đó vừa là huyết mạch giao thông vừa là nguồn phù sa vô tận bồi đắp nên nhiều vùng đất trù phú, cùng trữ lượng sản vật dồi dào tạo nên sắc thái văn hóa xứ Quảng tự thuở xưa. Hội An chính là vùng đất hội thủy.
Đầu nguồn sông Thu Bồn. Ảnh: TIẾN TAM |
Từ đặc điểm địa lý…
Hội An là nơi gặp gỡ, tụ hội, hòa lưu của những nguồn sông lớn ở xứ Quảng như nguồn Thu Bồn, nguồn Ô Gia/Vu Gia, nguồn Chiên Đàn và sông Đế Võng. Nguồn Thu Bồn được tạo bởi sông Tranh, sông Tiên, sông Tràm… Nguồn Vu Gia được tạo bởi sông Bung, sông Vàng… Hai nguồn sông gặp ở Giao Thủy, rồi cùng chảy về biển qua Cửa Đại. Nguồn Chiên Đàn từ phía nam chảy ra được tạo bởi sông Tam Kỳ chạy xuống sông Trường Giang gặp Thu Bồn ở gần biển. Sông Đế Võng hay Lộ Cảnh Giang (tục gọi sông Cổ Cò) nối Hội An với Đà Nẵng. Cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu) qua các thời kỳ từ tiền sử đến nay luôn đóng vai trò đặc biệt đối với Hội An và xứ Quảng bởi độ rộng và sâu của cửa biển rất thích ứng với tàu bè cả phương Đông và phương Tây.
Hội An có nhiều loại địa hình có nguồn gốc khác nhau, gồm: sông; sông - đầm lầy; biển; sông - biển; biển - đầm lầy; sông - biển - đầm lầy; hồ - đầm lầy... Địa hình, địa mạo Hội An rất phong phú, đa dạng, vừa có đồng bằng được chia cắt bởi hệ thống sông rạch, cồn, bàu, đầm chằng chịt, vừa có biển, đảo, núi, rừng. Chính thiên nhiên vùng sông nước hạ du đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An và vùng hạ du sông Thu Bồn trong suốt diễn trình hình thành và phát triển. Có thể nói chính đặc điểm địa lý tự nhiên này đã tác động, chi phối mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của cư dân bản địa, nhất là vai trò hình thành và phát triển một cảng thị quốc tế trong lịch sử.
Khi các lưu dân vùng Bắc Bộ mà chủ yếu là lưu dân vùng Thanh Nghệ di cư vào xứ Quảng thì địa bàn cư trú phần lớn ở “vùng đồng bằng phù sa, đất bãi màu, sau lan dần về phía tây trên vùng “lâm lộc” đất gò đồi và mở rộng về phía đông trên vùng “thổ ương” đất bàu đầm. Bằng các hoạt động trưng khẩn, thác thổ, và lập xã hiệu, lần lượt các làng xã ra đời, tạo quang cảnh sầm uất cho một vùng đất” (Huỳnh Công Bá - Mấy đặc điểm về làng xã Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng - Nghiên cứu Huế tập 4/2002, tr.73). Giao lưu văn hóa Chăm - Việt ở vùng đất này khá đậm nét. Sách “Dư địa chí” viết hồi thế kỷ 15 đã đúc kết “dân vùng này nhiễm thói tục cũ của người Chiêm” (Nguyễn Trãi toàn tập - NXB KHXH, H.1976, tr.235). Trong canh tác nông nghiệp có giống “lúa Chiêm”. Về kỹ thuật thủy lợi có đào giếng, lấy “nước muội”, đóng xe gió đưa nước lên đồng. Trong xây dựng nhà cửa, sản xuất đồ gốm có việc đúc gạch gốm, đúc lư, thạp, chum, vại, hũ… Trong ăn mặc có dệt vải, làm mắm (mắm nước, mắm cái)… Trong tín ngưỡng có tục thờ thần nữ Thiên Y A Na, vốn là Thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Người dân ở vùng cát, vùng sông - đầm còn thờ các nữ thần Chăm dưới danh hiệu Bà Bô Bô, Bà Dàng, Bà Chúa Lồi… Trong nghề biển rõ ràng kỹ thuật đóng thuyền buồm, ghe bầu chịu ảnh hưởng nhiều ở kỹ thuật đóng thuyền phương Nam - vì phương tiện đi biển ở Bắc Bộ chủ yếu là thuyền nhỏ và bè mảng, đánh bắt gần bờ.
Đến đặc trưng văn hóa
Trong văn hóa ứng xử, người ở vùng cồn bàu - cửa sông có lối ứng xử “nước đôi” (nói xàng hai) hết sức linh hoạt, tương thích với tình thái, tình huống ứng xử thuận theo tự nhiên và thời thế, như “bồi thì ở, lở thì đi”, “thật thà là cha đứa dại”, “cho vàng không bằng chỉ đàng đi buôn”… Cư dân vùng đất này vừa ngại biển vừa chấp nhận những trở ngại của biển để sinh tồn như những câu ca dao: “nghèo mà nghề ruộng em theo, giàu mà nghề biển hồn treo cột buồm”, “cha mẹ nghèo đòi ăn cá thu, gả con xuống biển mù mù tăm tăm…”, “rồi mùa tu hú kêu thanh, cá chuồn mãn vụ mà anh chưa về”… Lại có tâm thế kiên cường gắn với biển như “đêm qua còn gối tay nàng, đêm này giữa biển gối đàng dây neo”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”… Người dân luôn an vui với nghề chài “chồng chài, vợ lưới, con câu, chàng rể đứng đó, con dâu thăm nò”… Nhận thức sống chung với lũ lụt luôn là thái độ ứng xử để thích ứng với tự nhiên “ông cười mà bà không cười, trời làm cái lụt mùng mười tháng ba, ông tha mà bà chẳng tha, trời làm cái lụt hăm ba tháng mười”… Văn hóa biển gắn với giao thương buôn bán đã làm nên diện mạo sầm uất, thịnh vượng của xứ Đàng Trong vào hai thế kỷ 17, 18 để Đô thị cổ Hội An với không gian lịch sử vùng cửa sông - ven biển được vinh danh “Di sản văn hóa thế giới”, Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”…
Năm 2017, hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản đã ra tuyên bố về các nguyên tắc và khuyến nghị - trong đó điều 1 của tuyên bố có liên quan đến “không gian văn hóa đô thị lịch sử” như sau: “Đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn. Bối cảnh này bao gồm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, cơ sở hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác, cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản. Bối cảnh này cũng bao gồm các khía cạnh phi vật thể liên quan đến sự đa dạng bản sắc, chẳng hạn như các thực hành và giá trị văn hóa - xã hội hay các tiến trình kinh tế”.
Giữ gìn không gian lịch sử của di sản đô thị như Hội An không thể không bỏ qua khuyến nghị của UNESCO về bối cảnh lịch sử không gian vùng cửa sông ven biển, chưa nói đến những quy chuẩn bảo tồn của cũng chính tổ chức này về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong đó có vùng cồn, bàu hạ lưu sông Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng…
PHÙNG TẤN ĐÔNG