Trong làn sóng hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt cần có thêm động lực phát triển mới để chinh phục thị trường quốc tế.
Lan tỏa trên thị trường
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá, xúc tiến thương mại, hàng Việt đã có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường nội địa. Sở Công Thương, các phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, công an... tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những hành vi gian lận thương mại. Nhờ đó, đã đảm bảo hàng hóa lưu thông trên thị trường đạt chất lượng, giá cả ổn định, kích thích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Song song với kiểm tra, kiểm soát thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước còn lồng ghép tuyên truyền giúp các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Kết quả đáng ghi nhận là người tiêu dùng tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sở Công Thương cho biết đơn vị luôn chú trọng tạo hiệu ứng tiêu dùng hàng Việt qua các hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Ngành luôn vận động, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức bán hàng lưu động về các vùng sâu, miền núi... Chương trình xúc tiến thương mại “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện để đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa Việt Nam có uy tín, đạt chất lượng tốt.
Cùng với kênh phân phối truyền thống ở các chợ, kênh phân phối hiện đại với những đặc trưng như quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp, có tính kết nối với độ mở cao đã lan tỏa khuynh hướng chuộng hàng Việt trong người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.op Mart Tam Kỳ, hàng Việt đã chiếm hơn 90% ở siêu thị. Nhất là hàng nông sản, hải sản, trái cây, tính cạnh tranh đã vượt trội so với hàng ngoại nhập.
“Với niềm tự hào hàng Việt, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn hàng nội vừa chất lượng vừa rẻ. Các cơ sở sản xuất đã ngày càng cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, học tập, nỗ lực, năng động tạo hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao hơn. Là người trong cuộc, vì sống còn, các cơ sở đã tạo hàng hóa cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập và vượt trội ở không ít tiêu chí” - bà Trần Thị Như Lai nói.
Cần cú hích mới
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, qua thực tiễn triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo động lực lẫn yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp, qua đó, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Để hàng Việt dần chinh phục thị trường quốc tế, đòi hỏi các cấp, ngành, doanh nghiệp tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối ngoài nước, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế, giúp doanh nghiệp áp dụng tốt.
Có nhiều hiệp định thương mại được nước ta nỗ lực đàm phán, ký kết với nước ngoài, mới nhất là Hiệp định thương mại tự do EVFTA ký kết với châu Âu. Hàng hóa Việt Nam ngày càng có thêm cơ hội xuất khẩu, rộng mở thị trường quốc tế.
Bởi vậy, hàng hóa Việt Nam không chỉ bằng lòng với chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn hướng đến các kênh phân phối nổi tiếng trên thế giới, như Casino (Pháp), Metro Cash&Carry và Sehrgros (Đức), Coop, Conad (Ý). Thực hiện được điều đó, dấu hiệu nhận diện thương mại của hàng hóa, sản phẩm “made in Vietnam” càng vững chắc, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng tăng lên.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, để hàng Việt vững vàng trong cuộc chơi lớn, mang tính toàn cầu thì rất cần vai trò “bà đỡ” từ cơ chế. Chính sách quản lý nhà nước sẽ tạo những hiệu ứng sâu rộng, kích thích tính sáng tạo của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong cải tiến mẫu mà, chất lượng hàng hóa, tạo thêm nhiều sản phẩm vượt trội chất lượng, tăng tính cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Đó có thể là việc tăng cường các giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm, ưu tiên doanh nghiệp Việt tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, tăng thêm nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở làng nghề…
Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần đặc biệt quan tâm đầu tư nhân lực, tài chính, đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo ưu thế cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Ở góc độ quản lý nhà nước, cần tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong tạo chuỗi cung ứng hàng hóa chất lượng cao, phát triển bền vững, xuất khẩu hàng hóa thu nguồn lợi lớn. Đó là con đường phát triển toàn diện, vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng Việt.