Vượt qua những thử thách, thăng trầm trong sản xuất - kinh doanh, Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn 2 (huyện Duy Xuyên) đã từng bước tìm hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế để khẳng định uy tín và vị thế trên thương trường.
Trạm bơm điện Hoàn Châu do HTX quản lý, vận hành vừa được nâng cấp với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho 60ha đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VĂN SỰ |
Một thời gian khó
Những năm sau ngày quê hương giải phóng, phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Hòa cùng khí thế đó, tháng 10.1978, HTX Nông nghiệp Duy Sơn 2 được thành lập, vốn góp của 1 cổ phần trị giá 100 đồng. Ban quản trị HTX gồm 9 người, ông Lưu Ban giữ chức Chủ nhiệm. Tài sản ban đầu do Nhà nước hỗ trợ chỉ có 10m3 gỗ, tư liệu sản xuất chủ yếu của thành viên đóng góp gồm 40 con trâu cày, 2 máy kéo nhỏ và một ít dụng cụ cày bừa…
Ngày ấy, toàn HTX có 1.451 hộ thành viên với 6.346 nhân khẩu, sống bằng nghề nông; hơn 80% nhà cửa tạm bợ. Diện tích canh tác lúa có 260ha nhưng sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời. Bởi, hệ thống thủy lợi gồm 3 đập ngăn nước thời vụ là Đồng Quảng, Cây Da, Đồng Cả và trạm bơm dầu Hoàn Châu hoạt động èo uột. Do thường xuyên thiếu nước tưới nên chỉ có 50ha gieo sạ 2 vụ lúa trong năm, số khác phải sản xuất 1 vụ.
Trước tình hình đó, ông Lưu Ban - Chủ nhiệm HTX đề ra chủ trương cải tạo đồng ruộng và tập trung đắp đập, xây dựng trạm bơm, kênh mương phục vụ việc cung ứng nước tưới. Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn, HTX có hơn 150ha đất sản xuất được 2 vụ lúa và 100ha canh tác 3 vụ. Cùng với đó, nhờ chính quyền các cấp tích cực hỗ trợ về khâu giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa không ngừng tăng lên. Nếu năm 1980 tổng sản lượng lúa của HTX chỉ đạt 1.000 tấn thì đến năm 1995 tăng lên 3.100 tấn. Riêng từ năm 2000 trở lại đây, HTX chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa/năm và tổng sản lượng đạt hơn 3.650 tấn/năm...
Thực hiện khoán 100 theo Chỉ thị 100 (ngày 13.1.1981) của Ban Bí thư Trung ương Đảng, HTX Nông nghiệp Duy Sơn 2 triển khai đầu tư mua sắm một số loại máy cày để phục vụ khâu làm đất. Đồng thời khơi dậy tính tích cực của thành viên, phát huy sức mạnh tập thể để có được những mùa vàng bội thu. Đến năm 1986, tiến hành sáp nhập HTX mua bán, HTX tín dụng vào HTX Nông nghiệp Duy Sơn 2 để trở thành HTX Nông - Công - Thương - Tín. Hình thức tổ chức quản lý có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế như giảm từ 16 đội sản xuất xuống còn 12 đội thuộc 4 thôn của xã Duy Sơn. Đặc biệt, sau khi khoán 10 ra đời theo tinh thần Nghị quyết 10 (ngày 5.4.1988) của Bộ Chính trị, HTX đẩy mạnh việc phát triển kinh tế hộ, nhất là sớm áp dụng các giải pháp như xóa bỏ chế độ phân phối theo công điểm, khuyến khích phát triển chăn nuôi, mở rộng ngành nghề…
Năng động, sáng tạo
Phát huy lợi thế đồi núi, nguồn nước dồi dào, năm 1981 ông Lưu Ban - Chủ nhiệm HTX có ý tưởng xây dựng thủy điện. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, các thành viên HTX ngày đêm miệt mài vận chuyển cát, xi măng, sắt thép, đường ống... phục vụ việc xây dựng thủy điện. Chỉ sau 2 năm, HTX hoàn thành thi công nhà máy thủy điện với công suất 400kW, chính thức đưa dòng điện về trung tâm HTX và thắp sáng vào tối 22.12.1983. Từ đây, nguồn điện năng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của thành viên HTX mà còn phục vụ cả xã Duy Sơn và người dân vùng lân cận. Với thành công lớn đó, HTX trở thành điểm sáng của cả nước về làm thủy điện nhỏ, được lãnh đạo các cấp khen thưởng. Sau thành công bước đầu, nhận thấy tiềm năng về nguồn nước còn khá nhiều, HTX tiếp tục đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm tổ máy 800kW để đưa tổng công suất lên 1.200kW. Ngày 2.9.1990, thủy điện Duy Sơn chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và hoạt động liên tục, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 3.1992, sau khi ông Lưu Ban xin nghỉ vì tuổi cao sức yếu, ông Nguyễn Quang Thử được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Từ đó, HTX tiếp tục có những bước đột phá đáng kể trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ. Năm 1995 HTX mạnh dạn đầu tư mua sắm 5 chuyền may công nghiệp để mở xưởng. Một năm sau, HTX tiếp tục hình thành, phát triển nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre. Đến năm 2001 hình thành Xí nghiệp Giày xuất khẩu ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên). Cũng trong thời gian này, HTX xúc tiến mời gọi, liên kết đầu tư thành lập Công ty May Văn Sơn với số vốn ban đầu hơn 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 lao động…
Tháng 3.2004, ông Nguyễn Quang Thử chuyển công tác, tôi được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX và nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thời gian qua, HTX tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy thủy điện, hệ thống trạm biến áp, đường dây với số tiền hơn 12 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất liên tục, an toàn. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đơn vị cũng tiến hành xây mới, nâng cấp nhiều hồ đập, trạm bơm, kênh mương với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng... Đến nay, tài sản cố định của HTX hơn 40 tỷ đồng theo giá hiện hành. Nếu năm 2004 thành viên được chia 40.000 đồng/cổ phần thì dự kiến năm 2018 này đạt 100.000 đồng/cổ phần.
Có thể nói, thành quả đạt được sau 40 năm xây dựng và phát triển, ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp còn là kết tinh của tình đoàn kết, đồng cam cộng khổ của lớp lớp thế hệ lãnh đạo HTX và thành viên. Đặc biệt là tinh thần sáng tạo, không ngừng đổi mới qua các thời kỳ, từng bước tạo cho mình một thế đứng vững chắc trên thương trường, thực sự là “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển. Mặt khác, HTX luôn làm tròn trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, đóng góp xây dựng quê hương Duy Sơn ngày càng giàu đẹp. Với những thành tích đáng tự hào đó, HTX Duy Sơn 2 vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Lao động các hạng, Cờ thi đua của Chính phủ về “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào HTX toàn quốc”, đơn vị “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, nhiều năm liền là HTX điển hình tiên tiến…
PHẠM VĂN DU
(Chủ tịch HĐQT HTX xã Duy Sơn 2)