Đầu năm 1945, quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng về việc chuẩn bị các điều kiện Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai đến các phủ, huyện trong tỉnh tiến hành thành lập Ủy ban bạo động các cấp. Trong Ủy ban bạo động đều có các ủy viên điều tra, được giao nhiệm vụ xác minh đối tượng phải trấn áp trước, trong và sau khởi nghĩa, đồng thời đóng vai trò nòng cốt trong khởi nghĩa, bảo vệ và hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng… Trong khởi nghĩa, ở mỗi địa phương, các ủy viên điều tra đi đầu hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy, trừng trị, dập tắt mọi hành động chống đối của địch, chiếm giữ các cơ quan đầu não, cơ quan mật thám, trại giam, cơ quan cảnh sát và bắt giữ phần tử Việt gian có nợ máu với cách mạng, với nhân dân... Đóng góp của ủy viên điều tra trong Cách mạng Tháng Tám được xem là chiến công đầu của các tổ chức tiền thân Công an Quảng Nam.
Chương trình giao lưu tại Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Quảng Nam lần thứ IV-2015. Ảnh: NHƯ Ý |
Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi (8.1945), Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo thành lập Ty Công an và Sở Cảnh sát. Chính quyền cách mạng đã lựa chọn, điều động cán bộ có phẩm chất, năng lực cho Ty Công an và Sở Cảnh sát, đồng thời chỉ đạo nhanh chóng phát triển hệ thống tổ chức từ tỉnh đến huyện. Những người xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức tham gia lực lượng tự vệ, hăng hái hoạt động trong quá trình Tổng khởi nghĩa được thu nhận vào lực lượng Công an Quảng Nam. Ngay sau khi ra đời, lực lượng Công an Quảng Nam phải bắt tay vào cuộc chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, thiết lập trật tự mới.
Cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an Quảng Nam đã tăng cường vận động quần chúng phòng gian, bảo mật; điều tra, nắm tình hình, bắt giữ, trừng trị bọn phản động có âm mưu chống phá cách mạng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Công an Quảng Nam đã tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, biết dựa vào nhân dân, được nhân dân tin yêu và hết lòng giúp đỡ, vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu và công tác đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Năm 1959, sau một thời gian “tự giải thể” nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật, lực lượng Công an Quảng Nam đã có kế hoạch khôi phục và phát triển xây dựng lực lượng. Năm 1960, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam nêu rõ: “Đã đến lúc cần có một tổ chức chuyên trách đi sâu điều tra, nghiên cứu tình hình, giúp Đảng nắm chắc tình hình để tổ chức việc tấn công địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng”. Quán triệt nhiệm vụ đó, tháng 3.1961, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định thành lập Ban bảo vệ, sau đó đổi thành Ban an ninh để tham mưu cấp ủy phát động phong trào và hướng dẫn quần chúng điều tra nắm tình hình đánh địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ cách mạng.
Chuẩn bị các điều kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lực lượng An ninh Quảng Nam khẩn trương triển khai công tác nắm tình hình địch, lên sơ đồ, lập hồ sơ cơ quan địch, đối tượng chính trị ở các thị trấn, thị xã để tiến công và quản lý. Đồng thời chuẩn bị phương tiện tuyên truyền, các nội dung thông báo khi tiến hành chiến dịch và sau khi giải phóng; chuẩn bị phương án tiến quân, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự… Khi chiến dịch nổ ra, lực lượng an ninh phối hợp với lực lượng vũ trang đánh vào các quận lỵ, cứ điểm xung quanh thị xã Tam Kỳ mở đường cho bộ đội vào giải phóng thị xã ngày 24.3.1975. Riêng các lực lượng an ninh đã nhanh chóng chiếm và quản lý các cơ quan ngụy quyền Quảng Tín, Ty Cảnh sát, Ty Chiêu hồi, trụ sở Quốc dân đảng, Đảng Dân chủ, chiếm giữ trại giam và giải phóng nhà lao, truy bắt những tên ác ôn cố tình lẩn trốn, chống đối; triển khai ngay công tác bảo vệ, giữ gìn trật tự.
Ở cánh bắc, lực lượng An ninh Quảng Đà đã phối hợp với bộ đội địa phương đánh chiếm quận lỵ Đức Dục, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn cùng các cứ điểm vòng ngoài thị xã Hội An. Đến ngày 28.3.1975, lực lượng an ninh đã hỗ trợ và phối hợp cùng lực lượng vũ trang tiến công giải phóng thị xã Hội An; chiếm giữ các mục tiêu trọng yếu được phân công và tiến hành các biện pháp quản lý an ninh trật tự. Trên đà thắng lợi, lực lượng An ninh Quảng Đà được phân công tham gia đánh chiếm các mục tiêu, cứ điểm vòng ngoài và đánh chiếm, giải phóng TP.Đà Nẵng ngày 29.3.1975.
Sau ngày giải phóng quê hương, nhiệm vụ của Công an Nhân dân chuyển sang giai đoạn mới, vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, vừa bảo vệ an toàn trật tự xã hội, phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng Công an Quảng Nam đã đấu tranh, trấn áp hàng chục vụ nhen nhóm phản cách mạng, chống đối việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kịp thời ngăn chặn và xử lý hàng trăm vụ vượt biển trốn ra nước ngoài trái phép; bắt giữ và truy tố trước pháp luật nhiều tên chuyên móc nối, tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép; ngăn chặn và truy bắt nhiều trường hợp xâm nhập trái phép vào địa bàn để hoạt động chống phá cách mạng.
Trong giai đoạn mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Công an Quảng Nam luôn coi trọng việc xây dựng bộ máy từ tỉnh đến huyện và cơ sở, cải tiến công tác lãnh đạo chỉ huy, nâng cao năng lực công tác của cán bộ, chiến sĩ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Hầu hết cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an Quảng Nam đều được học tập nghiệp vụ có hệ thống, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời ngày càng trang bị các phương tiện công tác, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an Quảng Nam chính quy, từng bước hiện đại.
T.S (Nguồn tư liệu: Tỉnh ủy Quảng Nam)