Vững vàng vươn khơi bám biển

VIỆT NGUYỄN 14/02/2023 06:46

Thời điểm này, hầu hết tàu cá trên địa bàn huyện Núi Thành đã ra khơi bám biển với tâm thế vững vàng, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo và kỳ vọng bội thu hải sản.

Ngư dân theo nghề câu mực khơi chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sản xuất xa bờ. Ảnh; VIỆT NGUYỄN
Ngư dân theo nghề câu mực khơi chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sản xuất xa bờ. Ảnh; VIỆT NGUYỄN

Rộn ràng vươn khơi

Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), nhiều người cùng khiêng vác thuyền thúng đưa lên tàu cá, nhóm khác nhanh tay vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống lên tàu.

Ngư dân Phan Trinh (thôn Đông An, xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực khơi QNa-91892 cho biết, năm 2022 tàu ông có 4 chuyến câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa thu được hơn 60 tấn mực khô, bán được gần 10 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ đồng, mỗi bạn biển được chia xấp xỉ 150 triệu đồng. Ông Trinh dự kiến tiếp tục thực hiện 4 chuyến biển trong năm này.

“Mỗi chuyến biển của nghề câu mực chừng 3 tháng, cực nhọc nên anh em tranh thủ lao động tối đa để có thể thu được nhiều mực khô. Kết nối sớm nên các lao động đến đúng giờ, cùng phấn chấn vươn khơi bám biển” - ông Trinh nói.

Toàn huyện Núi Thành hiện có 1.930 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 336 tàu cá công suất lớn đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa. Tổng số lao động trên địa bàn tham gia đánh bắt hải sản trên các tàu cá xa bờ là 4.320 người (chiếm 94,75% tổng lao động tham gia trên đội tàu cá sản xuất xa bờ, còn lại là ngư dân đến từ các địa phương khác). Lưới chụp tuy là nghề mới nhưng sản xuất đạt, thu được giá trị kinh tế cao và khẳng định được vị thế là nghề cá chủ lực bên cạnh hai nghề khác là lưới vây, câu mực khơi.

Ở cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành), các tàu cá lần lượt nhổ neo vươn khơi bám biển. Ngư dân Phan Hiển (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ tàu lưới vây QNa-92347 cho biết, chi phí cho dầu diesel, các nhu yếu phẩm, đá cây lên đến 300 triệu đồng. Chuyến biển dự kiến diễn ra trong hơn 15 ngày ở ngư trường Hoàng Sa với 14 bạn biển.

“Các bạn biển háo hức với chuyển biển đầu năm. Tàu cá đã sửa chữa, vững vàng. Tôi trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn nên yên tâm. Trên tàu có máy dò cá ngang, các thiết bị nghề cá hiện đại nên hy vọng thu được những mẻ lưới đầy” - ông Hiển nói.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, ngư dân địa phương sản xuất chủ yếu với các nghề câu mực khơi, lưới vây, lưới chụp. Đây là các nghề truyền thống, sản xuất đem lại thu nhập khá ổn định cho ngư dân. Nhìn chung nghề cá ổn định. Ở chuyến biển đầu năm, các tàu cá đủ lao động.

“Ngư dân trên địa bàn năng động bám biển và có xu hướng gắn bó chặt chẽ với nghề, ngại thay đổi. Ngoài các lao động trên địa bàn, nhiều bạn biển ở các tỉnh phía nam đến cùng tham gia đánh bắt hải sản” - ông Hiệp nói.

Phát triển bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn có 49 tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, với 33 tàu câu mực, 12 tàu lưới chụp, 3 tàu lưới vây, 1 tàu lưới cá chuồn.

Thời gian qua, chính quyền địa phương tiếp tục cùng ngư dân kiện toàn, củng cố các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân nương tựa nhau làm giàu từ biển gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển. Rất mừng là giá mực xà thời gian qua ở mức cao, có thời điểm tăng lên đến 200 nghìn đồng/kg giúp các nghề câu mực khơi và lưới chụp ăn nên làm ra.

“Chúng tôi khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn để vững vàng vươn khơi bám biển, kỳ vọng đạt mức sản lượng hải sản khá. Các chính sách hỗ trợ được tuyên truyền giúp ngư dân tiếp cận tạo động lực sản xuất ở các vùng biển xa” - ông Vinh nói.

Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, hành trình phát triển nghề cá bền vững của huyện ngày càng khả thi khi ý thức chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) được nâng lên trong các chủ thể nghề cá.

Về phía ngành chức năng, trước mỗi chuyến biển, ngoài kiểm tra thủ tục, giấy tờ liên quan còn đến từng tàu cá gặp chủ tàu, thuyền trưởng và lao động để vận động thực hiện các quy định chống IUU với hình thức và nội dung phù hợp, dễ hiểu.

“Ngư dân am hiểu và chấp hành các quy định chống IUU trong quá trình khai thác hải sản trên biển, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài và bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá 24/24 giờ. Các nghề cá nguy hại đến môi trường biển như giã cào, pha xúc dần được chuyển đổi sang các nghề thân thiện với sinh thái biển hơn” - ông An nói.

Rất đáng ghi nhận là ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành đã bước đầu triển khai ghi nhật ký khai thác hải sản bằng điện tử thay cho viết trên giấy. Việc này vừa giúp ngư dân tiết kiệm thời gian trên biển vừa kết nối nhanh với đơn vị kiểm soát nghề cá, từng bước hoàn tất khâu lưu trữ dữ liệu trên nền tảng công nghệ số. Ngoài ra, ghi nhật ký khai thác hải sản trên tàu cá giúp việc giám sát, quản lý các tàu cá nhanh chóng, thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vững vàng vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO