Mô hình “Vườn keo gây quỹ” là một sáng kiến thú vị của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phước Ninh (Nông Sơn) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hội và giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Năm 2012, Chi hội CCB thôn Xuân Hòa II (xã Phước Ninh) thu hoạch vụ keo đầu tiên, sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền còn lại dùng làm quỹ của chi hội gần 3 triệu đồng. Hiện nay, hơn 4 sào keo lứa thứ hai của chi hội đã hơn hai năm tuổi và hai năm sau sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. Nhờ có nguồn thu này nên Chi hội CCB thôn Xuân Hòa II đã chủ động xây dựng các phong trào hoạt động như thăm hỏi, động viên các hội viên bị đau ốm, người thân hội viên qua đời hay giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Ông Nguyễn Thanh Hồ - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Xuân Hòa II chia sẻ, chi hội có 21 hội viên, tình hình kinh tế của hội viên phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp nên rất khó gây quỹ để hoạt động. Vì vậy, Hội CCB xã đã nghĩ ra mô hình “Vườn keo gây quỹ” và xin địa phương cho mượn đất để trồng keo, các hội viên trong chi hội bỏ công sức ra làm. Với cách làm công khai minh bạch, mọi người cùng làm cùng hưởng, ai không có sức khỏe để tham gia lao động trực tiếp thì đóng góp bằng tiền mặt thay cho ngày công. Ông Nguyễn Năm, hội viên CCB thôn Xuân Hòa II chia sẻ: “Thời gian đầu, người dân hay lơ là để trâu bò phá hoại vườn keo, nên việc quản lý và bảo vệ vườn rất khó khăn. Sau đó, các chi hội đã tổ chức cho hội viên rào lại, phân công cho hội viên có ruộng gần đó thường xuyên kiểm tra, báo cáo và ra quân khắc phục khi bị phá hoại. Vì vậy đến nay các vườn keo đều phát triển tốt”.
Theo Hội CCB xã Phước Ninh, toàn xã hiện có 144 hội viên CCB sinh hoạt ở 5 chi hội thôn. Phần lớn kinh tế của hội viên đều dựa vào nông nghiệp nên việc gây quỹ hội hết sức cần thiết. “Trước đây, quỹ phục vụ cho công tác hội ở xã rất hạn hẹp, đặc biệt là ở các chi hội muốn thăm người ốm hay tổ chức hội nghị đều rất khó khăn. Tôi đã thử nghiệm hai mô hình là “Văn nghệ gây quỹ” và “Hội chợ gà” nhưng hai cách làm này không hiệu quả và không mang tính lâu dài. Sau đó, tôi đã nghĩ đến việc xin đất của thôn để làm vườn keo CCB giúp các chi hội có nguồn quỹ ổn định” - ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Ninh cho biết.
Trong quá trình triển khai, việc xây dựng quỹ hội từ trồng keo lá tràm trên diện tích đất của thôn cho mượn đã được các chi hội tích cực hưởng ứng. Các chi hội đã tuyên truyền, vận động đến hội viên và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Hiện các chi hội CCB trong xã đã trồng được 2ha keo, riêng chi hội thôn Dùi Chiêng I đang tìm đất để thực hiện mô hình này. Ông Trần Văn Thìn - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bình Yên (xã Phước Ninh) cho biết: “Hiện nay vườn keo của chi hội đã được ba năm tuổi, khoảng một năm nữa khai thác sẽ có giá trị hơn 30 triệu đồng. Đây là thành quả dựa trên sức lực, tiềm năng của chính địa phương. Điều này ngày càng khẳng định tinh thần đồng đội của các CCB thêm bền chặt, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tạo ra nguồn quỹ ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, cùng với địa phương thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc”.
Thời gian tới, Hội CCB xã Phước Ninh tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích chi hội còn lại xây dựng các công trình tập thể, mang lại lợi nhuận để xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
TÂM LÊ