Vươn khơi bằng tàu composite

NGUYỄN ĐĂNG CAO 25/03/2017 10:59

Chiếc tàu composite đầu tiên của tỉnh vừa hoàn thành các thủ tục cần thiết để vươn khơi bám biển. Con tàu hiện đại này được ngư dân kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi vững chãi giữa biển khơi, nâng cao năng lực khai thác hải sản.

Tàu cá “khủng”

Tháng 3, dưới nắng oi nồng tỏa trên dòng Trường Giang, hàng chục ngư dân mình trần đen nhẻm, túm tụm bơi ghe đi xem “tòa nhà di động” - theo cách gọi của họ về con tàu vỏ composite đầu tiên tại Quảng Nam. Chủ tàu là anh Nguyễn Văn A (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) tay bắt mặt mừng rồi nhanh nhảu mở khóa con tàu, mời mọi người bước lên nhìn ngắm. Trong ca bin con tàu vỏ composite, anh A nắm lấy bánh lái, khua mấy vòng theo yêu cầu của các ngư dân rồi khởi động máy móc, vận hành con tàu. Anh A cho biết, tàu vỏ composite có giá trị hơn 13 tỷ đồng, được đóng mới tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang).

Anh A bên con tàu vỏ composite đầu tiên của tỉnh. Ảnh: ĐĂNG CAO
Anh A bên con tàu vỏ composite đầu tiên của tỉnh. Ảnh: ĐĂNG CAO

Anh A đối ứng gần 1 tỷ đồng, phần vốn còn lại được Agribank chi nhánh Duy Xuyên cho vay ưu đãi với lãi suất 7%/năm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 6%, còn lại ngư dân lo liệu. Ai cũng bảo con tàu quá “khủng”, dài 24m, rộng 6,5m, chiều cao mạn 3,5m, độ mớn nước hơn 2m. “Tàu này có công suất 829CV, 8 hầm cá có thể chứa 300 cây đá trong mỗi hầm. Con tàu có máy định vị, máy dò ngang, ra đa, la bàn, máy định dạng, tời thủy lực, máy cẩu. Tôi sẽ sản xuất trên biển với tàu này bằng nghề lưới rê hỗn hợp, mỗi chuyến biển kéo dài 1 tháng” - anh A nói.

Mọi người cùng bước ra khoang tàu để chiêm ngưỡng vàng lưới dài gần 20km, ai cũng bất ngờ về vàng lưới “khủng” này. Anh A cho biết: “Để thao tác lưới, chúng tôi cần 1 tiếng đồng hồ để thả và cần 8 tiếng đồng hồ để kéo lưới, tất cả đều bằng máy, sức người không xuể”. Ngoài các công cụ hỗ trợ đắc lực, anh A còn đầu tư gần 1 tỷ đồng để trang bị máy định dạng vì thiết bị này có thể quét góc quay 360 độ phục vụ quan sát tầm hoạt động của nguồn lợi hải sản. Ngoài ra, tàu QNa-93188 còn được trang bị thiết bị định vị hiện đại. Mỗi khi ra khơi, anh A có thể “đánh dấu” vùng biển có nhiều loài hải sản hoạt động, đặc biệt là đối tượng chính cá thu qua xác định tọa độ. “Cá thu xuất khẩu được kiểm tra hết sức chặt chẽ, chỉ cần bị xây xước là loại ra ngay. Tôi đặt ra chỉ tiêu là chỉ cung cấp cá thu loại 1 nên phải bố trí hệ thống hầm bảo quản hải sản thật đạt” - anh A nói. Hiện tại 8 hầm cá trên tàu composite QNa-93188 đều có thể tích 9m3, hệ thống làm lạnh hoạt động xuyên suốt hải trình hơn 20 ngày.

Thỏa ước nguyện

Nguyễn Văn A sinh năm 1977, bắt đầu đi biển từ năm 1998. Từ đó đến nay, nghiệp biển vẫn bén duyên với ngư dân này. “Trước đây tôi đi biển với cha trên con tàu QNa-02601 chỉ có 74CV, theo nghề lưới quét. Mỗi lần trở trời, sóng gió nổi lên thì rất lo ngại. Tàu nhỏ không thể đi xa. Nhìn quanh con tàu, chỗ nào cũng thấy lo lắng. Từ đó, tôi khao khát làm chủ con tàu lớn, sản xuất thật hiện đại” - anh A chia sẻ. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi, anh A đã thực hiện được ước nguyện sở hữu con tàu hiện đại để vùng vẫy trên các vùng biển xa.

Trong khi hầu hết ngư dân chọn thép để đóng tàu lớn thì anh A lại quan tâm tới chất liệu composite. Theo anh, tàu vỏ composite có lợi thế hơn tàu vỏ gỗ và vỏ thép. “Con tàu này chỉ nặng hơn 70 tấn, nếu tàu gỗ hay tàu vỏ thép cùng kích cỡ này thì trọng lượng phải lên đến hơn trăm tấn. Tàu nặng hay nhẹ thì quyết định vận tốc hoạt động trên biển cũng như nhiên liệu cung cấp. Với cùng công suất máy 829CV, tôi vận hành tàu với tốc độ gần 15 hải lý/giờ, trong khi không có tàu vỏ thép hay vỏ gỗ nào đạt được 10 hải lý/giờ với chừng ấy mã lực máy chính” - anh A phân tích. Anh kể, trước khi đóng tàu, nhiều người bảo vỏ composite quá nhẹ thì làm sao có thể vững vàng giữa biển khơi. Anh đã suy nghĩ nhiều và tự giải quyết thắc mắc của chính mình rằng, sự vững chắc của con tàu trên biển nằm ở chỗ nó cân bằng thế nào trong sóng gió mà điều quyết định nằm ở chỗ bố trí các bộ phận trên tàu thế nào cho hợp lý.

Bởi vậy, cần thiết kế thế nào cho khoa học. “Tôi trao đổi với các kỹ sư của Trường Đại học Nha Trang thì họ giải thích rất rõ ràng, rằng sẽ sử dụng giải pháp gia cường cục bộ nhằm tăng độ bền va đập ở những vị trí thiết yếu. Sẽ sử dụng kết cấu ba lớp cho các chi tiết như hầm lạnh, cabin, hầm máy nhằm giảm độ ồn, độ rung, chống nóng, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho ngư dân. Ngoài ra, khối lượng composite ổn định, không làm tăng chi phí con tàu mà vẫn đảm bảo trọng lượng thân tàu tương ứng với sóng gió, không khác tàu vỏ gỗ hay thép” - anh A cho biết. Nhất cử lưỡng tiện, tàu vỏ composite không chỉ tăng vận tốc vận hành mà còn giảm nhiên liệu cung ứng. Anh A sẽ tiết kiệm được vài tấn dầu cho mỗi chuyến biển.

Đóng xong con tàu, anh A đã nghĩ ngay đến lao động sẽ cùng mình tham gia khai thác hải sản dài ngày, bám biển quanh năm. “Không thể chỉ sản xuất theo khả năng của mình mà phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường nên tôi quyết định phải chuyên nghiệp hóa bằng cách ký hợp đồng với lao động nghề cá, không thể chỉ thỏa thuận lỏng lẻo. Với hợp đồng lao động, các “bạn” sẽ ý thức hơn nhiệm vụ và quyền lợi của mình” - anh A nói. Hiện anh đã ký kết với 10 ngư dân cùng địa bàn với mức lương sàn 96 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, còn các khoản khác bổ sung thêm thu nhập cho người lao động tùy theo đóng góp của họ trong quá trình sản xuất. Hiện tại, anh A đã thực hiện xong các thủ tục cần thiết và sẵn sàng xuất bến.

NGUYỄN ĐĂNG CAO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vươn khơi bằng tàu composite
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO