Với đội tàu khai thác hải sản hùng hậu, những năm qua ngư dân Núi Thành không ngừng vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Những mùa biển vui
“Nhờ trời yên biển lặng, mùa biển năm ngoái đội tàu của tôi liên tiếp có được những chuyến biển bội thu, đạt doanh thu gần 11 tỷ đồng. Mỗi lao động đi tàu có thu nhập ở mức 40 - 50 triệu đồng. Riêng bản thân tôi thu lãi được hơn 2,4 tỷ đồng. Mùa biển năm nay được dự báo là thuận lợi hơn, lại thêm giá dầu đang hạ nên anh em chúng tôi quyết tâm bám biển khai thác, bảo vệ ngư trường truyền thống” - ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) hồ hởi khoe. Hôm chúng tôi đến, ông Tạo cùng bạn biển của mình đang tất bật chuẩn bị cho chuyến biển mới. Tại cảng cá Tam Quang, nơi phương tiện của ông Tạo đang neo đậu, không khí “vào mùa” rất rộn ràng. Ra quân khai thác hải sản năm nay, huyện Núi Thành có lực lượng hùng hậu với hơn 1.500 tàu thuyền, tổng công suất gần 118.000CV. Trong đó có 242 tàu có công suất 90CV trở lên, dẫn đầu toàn tỉnh về đội tàu xa bờ, mỗi năm đem về hàng trăm tỷ đồng cho ngư dân với các nghề mực khơi, lưới vây, lưới quét... Ở các làng quê biển Núi Thành, các phương tiện gần bờ với đa dạng loại hình đánh bắt, hàng năm cũng đã giải quyết một lượng lớn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Chỉ trong gần hai tháng đầu năm 2015, các nghề đánh bắt gần bờ như giã cào, lưới thanh ba, lưới vây ánh sáng... đã liên tiếp có những chuyển biển bội thu với tổng sản lượng khoảng 1.300 tấn hải sản.
Ngư dân Núi Thành vươn khơi bám biển. Ảnh: C.T.A |
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) Phạm Văn Châu thông tin thêm, năm nay ngư dân Tam Giang tự tin hơn khi bước vào mùa khai thác hải sản. Ấy là bởi giá dầu hạ, địa phương lại có thêm gần 10 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Năm ngoái dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngư dân xã Tam Giang vẫn khai thác được hơn 2.000 tấn mực khô. Nhiều tàu có doanh thu 2 - 3,5 tỷ đồng mỗi chuyến biển. Còn theo lãnh đạo xã Tam Quang (địa phương dẫn đầu số lượng tàu thuyền khai thác hải sản của huyện Núi Thành) thì năm vừa qua, toàn xã khai thác được 16 nghìn tấn hải sản các loại, chiếm một nửa tổng sản lượng khai thác hải sản của cả huyện với tổng giá trị hơn 248 tỷ đồng.
Bảo vệ ngư trường, biển đảo
Chuyến ra khơi của ông Huỳnh Văn Tạo lần này sẽ kéo dài hơn một tháng trời. Ông cho biết gần đây mỗi lần nhổ neo hướng tàu ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Biển trong những chuyến vừa qua có vẻ bình yên hơn. Ông nói: “Thiên tai và nhân tai là nỗi lo thường trực của những người đang lênh đênh trên biển. Vì khai thác ở khơi xa, phong ba bão táp bất ngờ dễ xảy ra; rồi những năm gần đây, sự cố về tàu lạ xâm phạm ngư trường, phá hủy phương tiện, hành hung ngư dân… khiến mỗi chuyến ra khơi cảm giác như bị áp lực với chúng tôi, còn gia đình thì lo lắng theo những chuyến biển dài. Nhưng dù gì đi nữa thì chúng tôi vẫn quyết bám giữ ngư trường, giữ chủ quyền biển đảo bởi đó là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng”. Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, với đội tàu khai thác xa bờ hùng hậu, hơn ai hết ngư dân Núi Thành là những người luôn ý thức gìn giữ ngư trường truyền thống, bám biển, bám ngư trường. Thời gian qua, bằng nhiều chính sách phát triển thủy sản, ngư dân địa phương có thêm những phương tiện khai thác hải sản xa bờ hiện đại, có thể hạn chế được những rủi ro trên biển, từ đó có điều kiện bám giữ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền. “Còn nhớ lần căng thẳng trên biển Đông vào năm ngoái, ngay sau khi địa phương phát động đợt ra khơi bảo vệ ngư trường, nhiều ngư dân đã đồng loạt xung phong với tinh thần trách nhiệm cao và sau đó có nhiều phương tiện khai thác ở “tọa độ nóng”, trở thành những “cột mốc” về chủ quyền ngư trường, biển đảo” – ông Sơn nói.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ngư trường, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trung đội dân quân biển đầu tiên của tỉnh đã ra đời tại Núi Thành và có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phát hiện tàu thuyền lạ xâm phạm ngư trường, khai thác hải sản trái phép bằng các hình thức xung điện, đánh thuốc nổ... “Qua huấn luyện, lực lượng dân quân biển nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Cơ bản họ đã nắm được các thông tin, nội dung, ký hiệu trên biển. Đồng thời báo cáo tình hình lãnh hải, hỗ trợ ngư dân bám biển và góp phần phòng chống rủi ro, thiên tai trên biển” - Trung tá Lê Thọ Thu (Trợ lý dân quân biển, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Núi Thành) cho biết. Do là vùng trọng yếu, có nhiều tàu thuyền hoạt động khai thác thủy hải sản nên hơn 10 năm qua, huyện Núi Thành cũng là địa bàn đóng quân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 2. Đây là lực lượng chuyên trách trong quản lý an ninh, trật tự an toàn và đảm bảo chấp hành pháp luật trên biển. Thời gian qua, song hành với ngư dân, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 2 đã đoàn kết, triển khai nhiều hoạt động đạt những thành tích xuất sắc. Đơn vị đã gắn bó mật thiết với chính quyền địa phương và nhân dân, trở thành chỗ dựa của ngư dân khi tham gia đánh bắt hải sản, gìn giữ ngư trường…
PHAN HẠO NHIÊN