Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/05/2013 08:02

Cuối tuần qua (25.5), Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải (Núi Thành) được thành lập với sự tham gia của 144 đoàn viên. Như vậy, Quảng Nam đã thành lập được 2 nghiệp đoàn nghề cá với tổng cộng 331 đoàn viên tham gia, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

  • Nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá
  • Thành lập 3 nghiệp đoàn nghề cá
Tàu cá của ngư dân thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải chuẩn bị ra khơi.
Tàu cá của ngư dân thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải chuẩn bị ra khơi.

Tin vào nghiệp đoàn

Từ sáng sớm, nhiều ngư dân Tam Hải đã cùng nhau đến UBND xã để tham gia buổi ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá của xã. Ngư dân Ngô Xê Em (thôn 2, Tam Hải), chủ tàu cá có công suất 340CV khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa phấn khởi nói: “Tăng thời gian bám biển, cải hoán nâng công suất tàu cá, chúng tôi đã kiên tâm bám biển tại các ngư trường thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc. Ngoài khó khăn do thời tiết, mỗi lần vươn khơi khai thác xa bờ, cả chủ tàu lẫn người đi “bạn” đều lo tàu nước ngoài quấy phá. Những lúc như vậy, ngoài việc tự lực, chúng tôi không biết dựa vào đâu để bảo vệ mình. Vì vậy, khi nghe có chủ trương thành lập nghiệp đoàn nghề cá của xã, chúng tôi rất mừng, xin tham gia ngay”. Ông Lê Văn Trí, chủ tàu cá có công suất 420CV theo nghề lưới vây ở thôn 1 cho biết, cách đây không lâu, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đã được thành lập, ngư dân của xã tham gia nghiệp đoàn được giúp đỡ khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất. Nhiều ngư dân còn được quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ kinh phí để cải thiện nhà ở. Tham gia vào Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải, chúng tôi cũng tin tưởng vào sự hỗ trợ của nghiệp đoàn cũng như sự sát cánh, đồng hành của toàn xã hội”.

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch lâm thời Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải cho biết, ngay khi triển khai vận động thành lập nghiệp đoàn, ngư dân trên địa bàn xã đều bày tỏ sự hưởng ứng bằng cách đồng lòng làm đơn xin gia nhập nghiệp đoàn. Do lợi ích khi tham gia nghiệp đoàn đã được kiểm chứng trên thực tế, qua hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, nên mô hình này có sức hấp dẫn thực sự đối với ngư dân. Hiện tại, huyện Núi Thành có 1.578 tàu cá với tổng công suất 103.000CV. Trong đó, có 217 tàu hoạt động trên vùng biển xa, thu hút 8.700 lao động. Ông Đoàn Ngọc Thi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Núi Thành tin tưởng: “Sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề cá sẽ tạo thêm sức mạnh tập thể cho ngư dân. Nghiệp đoàn không chỉ là một tổ chức xã hội giúp ngư dân giải quyết các tranh chấp lao động mà còn động viên ngư dân vượt khó, kiên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền và nâng cao chính đời sống của mình. Với các quy chế hoạt động cụ thể, khối đoàn kết, thống nhất sản xuất trên biển của ngư dân huyện Núi Thành, qua các nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang và Tam Hải sẽ ngày càng lớn mạnh”.

Quang cảnh buổi ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải.Ảnh: Q.VIỆT
Quang cảnh buổi ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải.Ảnh: Q.VIỆT

Cùng vươn khơi

Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các ngành chức năng đang xúc tiến để tiếp tục thành lập thêm các nghiệp đoàn nghề cá trong thời gian tới. Trước mắt là ở xã Tam Giang (Núi Thành) và Bình Minh (Thăng Bình). Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đã có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm không chỉ của ngư dân mà cả cộng đồng xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Anh, nghiệp đoàn ra đời cần phải thực sự vững vàng và xứng đáng là chỗ dựa của ngư dân. Liên đoàn Lao động tỉnh đang phối hợp với ngành chức năng tìm cách để hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh đảm bảo được ổn định. Nhiều giải pháp sẽ được khiển khai như tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho ban chấp hành nghiệp đoàn hoạt động; vận động để toàn xã hội cùng quan tâm, sẻ chia với ngư dân; tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách... Điều đó sẽ giúp nghiệp đoàn luôn đồng hành trong mỗi chuyến vươn khơi xa của ngư dân.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ ngư dân của tỉnh đã ngày càng phát huy tác dụng, tạo động lực giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ở một góc nhìn tổng thể hơn là toàn cảnh biển đảo, để các chương trình hỗ trợ ngư dân thật sự có ý nghĩa và bền vững, ngoài chăm lo cho ngư dân, các cấp công đoàn cũng cần có chính sách cụ thể và sự quan tâm cần thiết đến vợ con họ, đó có thể là các chương trình dạy nghề, tạo việc làm...

Hỗ trợ Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải và đoàn viên 430 triệu đồng

Tại buổi ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải, nhiều tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ cho nghiệp đoàn và đoàn viên tổng số tiền 430 triệu đồng. Trong đó, để nghiệp đoàn có kinh phí hoạt động, Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, Hội nghề cá Quảng Nam 2 triệu đồng, UBND huyện Núi Thành 5 triệu đồng; Ban cứu trợ huyện Núi Thành trao số tiền hỗ trợ cho ngư dân xã không may gặp nạn trên biển 3 triệu đồng; Ngân hàng NN&PTNT tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà mới cho ngư dân nghèo của xã với tổng số tiền 60 triệu đồng; Ngân hàng Ngoại thương tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà mới cho 2 ngư dân (tổng số tiền 80 triệu đồng), trao học bổng cho 20 học sinh con ngư dân nghèo vượt khó, mỗi suất 1 triệu đồng; Báo Lao động hỗ trợ nghiệp đoàn 1 trạm thu sóng liên lạc với ngư dân hoạt động trên biển trị giá 250 triệu đồng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO