Vươn lên thoát nghèo

VÕ VĂN TRƯỜNG 10/02/2014 08:29

Để công tác giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương ban hành đề án thưởng công trình, hiện vật và cả tiền mặt đối với những địa phương và gia đình thoát nghèo bền vững. Đề án được xem là bước ngoặt lớn, góp phần giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo, song những nỗ lực của người dân vươn lên thoát nghèo hoàn toàn không vì khen thưởng. Một số trường hợp người dân tự thân vươn lên thoát nghèo ở Bắc Trà My, Tiên Phước và Thăng Bình là minh chứng.

Trồng rừng nguyên liệu đang là lợi thế thoát nghèo ở các địa phương miền núi Quảng Nam. Ảnh: V.TRƯỜNG
Trồng rừng nguyên liệu đang là lợi thế thoát nghèo ở các địa phương miền núi Quảng Nam. Ảnh: V.TRƯỜNG

Nỗ lực tự thân

Thuộc thị trấn Trà My của huyện Bắc Trà My nhưng 100% hộ dân tổ Mậu Cà đều mưu sinh trên mảnh ruộng, thửa vườn. Do diện tích sản xuất eo hẹp, người dân thiếu kiến thức canh tác trồng trọt, chăn nuôi nên không ít hộ rơi vào diện nghèo, nhiều lao động trẻ bỏ quê đi làm ăn xa. Có hộ dân vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên rất chật vật tìm cách thoát nghèo. Gia đình bà Huỳnh Thị Hương là một trường hợp như thế. Khó hơn với gia đình bà là chồng bị tai biến nằm liệt giường 2 năm, hai con phải học hành nên việc “bỏ công làm lời” cho ruộng đồng và chăn nuôi không thực hiện được. Đầu năm 2013, khi sức khỏe chồng hồi phục, khoản đầu tư lo cho con không tốn kém nhiều, bà Hương tự nguyện đăng ký với chính quyền địa phương thoát khỏi hộ nghèo. Cách thoát nghèo của gia đình bà Hương cũng khá đặc biệt. Diện tích ruộng có được hơn 17 sào đang canh tác hiện nay chủ yếu bà làm mướn lại của những gia đình bỏ ruộng chuyển sang làm ngành nghề khác và những gia đình có người đi làm ăn xa. Vợ chồng tuổi đã hơn 60 làm đến 17 sào ruộng từ cày, bừa, gieo cấy, gặt hái… quả là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đau đáu trong suy nghĩ của vợ chồng bà Hương là không thể để cái nghèo đeo bám.

Cũng trong diện hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, gia đình ông Trịnh Văn Viện cùng tổ Mậu Cà có hoàn cảnh khác hơn gia đình bà Hương. Đầu năm 2013 gia đình ông Viện được địa phương hỗ trợ tiền xây nhà, giúp bò nuôi quay vòng, gà thả vườn… song với bước gầy dựng ban đầu, ông Viện mới chỉ đăng ký thoát khỏi hộ nghèo nhưng xin ở lại hộ cận nghèo thêm thời gian nữa, để rồi quyết tâm đoạn tuyệt với cái nghèo.

Cộng đồng hỗ trợ

Tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, với nghề mộc, anh Trần Văn Hoàng đi đây đó làm nghề khi có người nhờ đến, còn vợ anh - chị Bùi Thị Huynh do thường đau yếu nên chỉ ở nhà, ngoài vườn chăm sóc mấy con heo, bầy gà và mấy mảnh ruộng trước sân nhà. Cuộc sống gia đình không đến nỗi khó khăn nếu chị không trải qua thời gian dài nằm viện, rồi 3 con ăn học. Vì lo cho con ăn học và bản thân điều trị bệnh tật nên thời gian dài gia đình chị Huynh phải ở diện hộ nghèo. Và chính nằm diện hộ nghèo chị Huynh được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước để giúp gia đình chị có được như ngày hôm nay, nhất là khoản tiền lo thuốc thang chữa bệnh. Trong suy nghĩ của chị Huynh, phải thoát nghèo để không phụ những gì gia đình chị được quan tâm giúp đỡ lâu nay.

Ở cùng xã, gia đình chị Võ Thị Ẩm suốt thời gian 2006 - 2010 phải nằm diện hộ nghèo, do chồng là cựu chiến binh sức khỏe yếu, nguồn vốn đầu tư thiếu, con đang tuổi học hành nên chưa biết xoay xở thế nào. Thế rồi lần hồi được tạo điều kiện nguồn vốn vay, sự hỗ trợ về con - cây giống nên gia đình chị Ẩm đã mạnh dạn mua bò chăn nuôi, thả dây tiêu, trồng thanh trà… xây dựng kế hoạch thoát nghèo. Và đầu năm 2013 gia đình chị Ẩm đã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đáng mừng, hiện nay một số gia đình không những thoát nghèo mà đã bước đầu làm ăn khấm khá. Cụ thể như trường hợp hộ anh Lê Quốc Hùng ở thôn 2, Tiên Cảnh, trong chuồng đã có đàn heo mấy chục con, ngoài nuôi heo choai vợ chồng anh Hùng còn nuôi heo nái, vịt, gà…

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, kế hoạch giảm nghèo bền vững của huyện Tiên Phước giai đoạn 2011 - 2015 đã thật sự phát huy tác dụng ngay từ khi bắt đầu thực hiện. Cụ thể năm 2012 Tiên Phước đã giảm được 8,5% số hộ nghèo (từ 30,7% xuống còn 22,2%), dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giảm nghèo. Và trong năm 2013, Tiên Phước tiếp tục tiên phong trong lĩnh vực này.

Tích góp gầy dựng

Gia đình chị Hồ Thị Niêm ở Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình từng rơi vào hoàn cảnh hết sức thương tâm. Chồng mất để lại chị một nách 5 con, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Trong khi đó nhà cửa lại tạm bợ, tiền túi trống trơn không biết lấy gì đong gạo. Còn giờ đây cuộc sống gia đình chị Niêm thật sự thay đổi bằng chính sự chăm chỉ, siêng năng của chị. Một tay chị Niêm vừa bán hàng, nấu rượu nuôi heo…tích góp gầy dựng. Lần hồi chị Niêm sửa sang được nhà cửa, cho cả 5 con ăn học hết phổ thông trước khi tìm nghề lập thân. Trong suy nghĩ của chị Niêm, thoát nghèo trước hết là cho chính mình nên phải tự thân. “Câu chuyện vươn lên thoát nghèo của chị Hồ Thị Niêm không biết tự bao giờ đã trở thành tấm gương về “nghị lực” thoát nghèo ở làng biển Tân An. Nhiều hộ nghèo ở đây có được niềm tin, khó đến mấy nếu chí thú làm ăn cũng có thể thoát được nghèo” - ông Mai Văn Triều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh chia sẻ.

Qua những trường hợp người dân tự thân vươn lên thoát nghèo nêu trên, rõ ràng những nỗ lực, ý chí thoát nghèo của người dân là hết sức đáng quý. Trong cuộc sống, ở bất cứ địa phương nào cũng không thể tránh khỏi những trường hợp người dân “rơi” vào hoàn cảnh nghèo đói bởi những lý do bất khả kháng. Song trong sâu thẳm suy nghĩ, tình cảm, ý thức trách nhiệm, họ đều mong được thoát nghèo, làm ăn khấm khá để có cuộc sống sung túc cho bản thân và con cái. Nếu biết khơi dậy điều này thì sẽ tạo động lực, sức mạnh to lớn cho công cuộc thoát nghèo hiện nay.

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO