Vươn lên từ vùng lõm

VĨNH LỘC 27/01/2017 11:42

(Xuân Đinh Dậu) - Từ con số chừng 200 nghìn lượt khách năm 1997, đến 2016 du lịch Quảng Nam đã đón gần 4 triệu lượt khách, thu nhập xã hội ước đạt 6.763 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,5% GRDP của tỉnh. Quảng Nam từ một vùng lõm trở thành một trong 6 trung tâm du lịch của cả nước.

Lồng ghép văn hóa vào du lịch

Một trong những điểm nhấn tạo sự đột biến cho du lịch Quảng Nam chính là việc UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Từ những “điểm tựa” này, du lịch đã có bước tiến mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt gần 20%, riêng giai đoạn 2000 – 2006 tốc độ tăng trưởng khoảng 50%. Cùng với đó, nhiều sản phẩm du lịch dịch vụ mới đã ra đời dựa trên những lợi thế về văn hóa, lịch sử. Có thể kể đến các sản phẩm thành công: Đêm rằm phố Hội; Phố không có tiếng động cơ; Lồng đèn phố cổ; Đêm Mỹ Sơn huyền ảo… Đặc biệt, từ sau khi Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy ra đời (06-NQ/TU ngày 25.6.2007), ngành du lịch đã chuyển sang một giai đoạn phát triển bền vững; không gian du lịch được mở rộng đến các miền quê, làng nghề với nhiều loại hình, điểm đến hấp dẫn.

Du lịch văn hóa sinh thái trở thành hướng phát triển chủ đạo của ngành du lịch Quảng Nam 20 năm qua. Ảnh: VĨNH LỘC
Du lịch văn hóa sinh thái trở thành hướng phát triển chủ đạo của ngành du lịch Quảng Nam 20 năm qua. Ảnh: VĨNH LỘC

Điển hình như: Cù Lao Chàm; rừng dừa nước Cẩm Thanh; làng rau Trà Quế; mộc Kim Bồng; gốm Thanh Hà (Hội An); trải nghiệm du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây, nhà cổ Vinahouse (Điện Bàn); làng Trà Nhiêu, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên); các tour khám phá vùng núi phía tây; tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số như tham quan làng Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang); làng dệt Zara, thác Grăng (Nam Giang); làng truyền thống Cơ Tu (Tây Giang); Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, du lịch nghỉ dưỡng vùng hồ Phú Ninh… Mặc dầu tốc độ phát triển có chậm lại nhưng giai đoạn 2007 – 2016 vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng du khách đạt 7,7%/năm.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, có 3 yếu tố tạo điểm nhấn du lịch Quảng Nam 20 năm qua. Trước hết, Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Yếu tố thứ hai là Quảng Nam có vị trí địa lý đặc thù - nằm trung điểm trên đường thiên lý Bắc - Nam, cùng bờ biển dài 125km; có dãy Trường Sơn phía tây, nơi các đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc thù… “Quảng Nam vừa có biển vừa có núi vừa giao thông thuận tiện, nhất là nằm giữa hai sân bay Chu Lai và Đà Đẵng. Tuy vậy, yếu tố quan trọng nhất theo tôi, chính là văn hóa, điều này đã giúp  Quảng Nam xây dựng chiến lược phát triển du lịch với hướng chủ đạo là lồng ghép văn hóa vào du lịch. Đồng thời các nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc định hướng quy hoạch phát triển du lịch Quảng Nam cũng quyết định rất lớn, góp phần nâng cao vị thế ngành du lịch, cổ vũ động viên cho sự phát triển theo hướng vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển du lịch bền vững” - ông Hài phân tích.

Chọn hướng đi riêng

Có thể thấy, ngay từ đầu, việc chọn hướng đi riêng dựa trên những lợi thế đặc thù đã giúp du lịch Quảng Nam xác lập được vị trí vững chắc. Ngoài phát huy các giá trị di sản, việc thúc đẩy du lịch làng nghề, làng quê, dựa vào cộng đồng theo hướng sinh thái văn hóa đã góp phần mở rộng không gian các điểm đến. Tại Hội An, bên cạnh các sản phẩm du lịch gắn với di sản, không gian du lịch cũng lan tỏa đến các vùng quê, ven biển, hải đảo. Những cái tên như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, biển An Bàng… đã trở nên quen thuộc với các công ty lữ hành và du khách. Đặc biệt, sự cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp khi hướng khách vào các sản phẩm sinh thái cũng đã giúp loại hình du lịch này tồn tại và phát triển tốt. Đến nay, du lịch dịch vụ đã chiếm khoảng 70% trong tổng cơ cấu ngành kinh tế của thành phố này. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - khẳng định, việc mở rộng không gian ra ngoài phố cổ không chỉ giảm áp lực du lịch lên di sản mà còn thúc đẩy nhiều vùng quê phát triển, tạo sinh kế cho người dân trên chính mảnh vườn, đồng ruộng của mình. “Ngay từ đầu, Hội An đã xác định du lịch văn hóa - sinh thái là chủ đạo để từ đó xây dựng những chiến lược, sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút khách” - ông Sự nói.

Du lịch Quảng Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ sau 20 năm tái lập tỉnh. Ngoài lượng khách gia tăng, việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ, quy hoạch tour tuyến, phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách. Tính đến hết năm 2016 toàn tỉnh có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 421 cơ sở lưu trú với 8.438 phòng; tổng số lao động làm việc trong ngành du lịch khoảng 11 nghìn người.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vươn lên từ vùng lõm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO