Vườn quốc gia Sông Thanh: "Nội bất xuất, ngoại bất nhập"

HỮU PHÚC 15/03/2021 06:00

Trước khi dùng thuốc nổ đánh sập các hầm vàng trái phép, ngành chức năng đã cử lực lượng ngày đêm chốt chặn mọi cửa ngõ ra vào các “thánh địa vàng” trong Vườn quốc gia Sông Thanh.

Hiện trường khai thác vàng trái phép tại Tà Vạt. Ảnh: H.P
Hiện trường khai thác vàng trái phép tại Tà Vạt. Ảnh: H.P

“Đóng quân” ở khe Tà Vạt

Sau khi di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ và đi bộ xuyên rừng khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ, đứng trưa 13.3, đoàn công tác của Ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dẫn đầu tiếp cận được khe Tà Vạt, xã Đắc Pring (Nam Giang). Theo kế hoạch của tỉnh, Tà Vạt là “cứ điểm” đầu tiên sử dụng lượng thuốc nổ quy mô lớn đánh sập toàn bộ các hầm vàng, ngăn ngừa không cho tái diễn hoạt động khai thác trái phép tại đây. 

“Bản doanh”  khe suối Tà Vạt của “vàng tặc” là một khung cảnh hoang tàn bởi núi đồi sạt lở nham nhở, cây rừng cổ thụ đổ ngã ngổn ngang. Nhiều lán trại dựng lên giữa lưng chừng núi, bên trong còn chứa đủ các đồ dùng nấu nướng. Sát mép suối, các dụng cụ khai thác vàng như máng gỗ, đường ống dẫn nước vứt lung tung.

Trước Tết Tân Sửu 2021, thực hiện mệnh lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh, Vườn quốc gia Sông Thanh (chủ rừng) đã đến khu vực này khảo sát địa hình, nắm bắt thông tin đối tượng khai thác vàng trái phép. Và sau tết, chủ rừng này đã cắt cử lực lượng kiểm lâm chuyên nghiệp, nhân viên bảo vệ rừng (BVR) gồm 10 người đến khe Tà Vạt chốt chặn ngày đêm, kiểm soát hoàn toàn địa bàn không cho đối tượng cơ hội khai thác.

 

Ông Huỳnh Đình Hưng - nhân viên BVR Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, đơn vị bố trí mỗi ca trực 10 kiểm lâm, nhân viên BVR, chốt chặn trong rừng đúng 10 ngày đêm. Hết thời gian trên sẽ có nhóm ca trực khác thay phiên. “Gần tháng nay, các đối tượng hầu như không xuất đầu lộ diện tại khe Tà Vạt. Các lán trại vàng tặc dựng lên được anh em tận dụng làm nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt thường ngày” - ông Hưng nói.

Tại hiện trường, quan sát chúng tôi thấy nhiều hầm vàng đào khoét sâu vào lòng núi, với nhiều ngóc ngách được chằng chống bằng gỗ; nhưng vẫn có nhiều hầm lò đào sâu như một cái hang không được chằng chống đảm bảo, chỉ vừa đủ một người ra vào. Để thu thập dữ liệu tại đây, tổ công tác liên ngành (gồm các ngành công an, quân đội, biên phòng, kiểm lâm, tài nguyên môi trường, chủ rừng và chính quyền địa phương) đã đánh số thứ tự từng hầm vàng cho dễ quản lý.

Tại hiện trường Tà Vạt, lực lượng liên ngành đánh dấu được 17 hầm lò khai thác vàng đào khoét sâu vào lòng núi. Bên cạnh các miệng hầm là những lán trại của các đối tượng đào đãi vàng trái phép dựng lên để ở. Các dụng cụ, phương tiện, máy móc tập kết đào đãi vàng ngổn ngang dọc các con suối.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh nói, tại đây đếm không xuể các hầm lò. Chủ rừng chỉ thống kê hầm đang hoạt động, còn các miệng hầm đối tượng không tổ chức khai thác suốt thời gian dài thì không liệt kê. Cuối năm 2020, sau khi công bố chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn quốc gia sông Thanh, chính quyền tỉnh đã lên kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này.

Không cho cơ hội khai thác trái phép tái diễn

Ông Định Văn Hồng thừa nhận, hàng chục năm nay các công cụ pháp lý của Nhà nước thực thi hầu như không xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng tận thu vàng trái phép trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Chủ rừng và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý, kiểm soát đối tượng, bởi đây là “miền đất sống” cho các đối tượng ma túy, trốn lệnh truy nã, mại dâm ngoài tỉnh vào.

Một hầm vàng được cơ quan chức năng đánh dấu thứ tự để dễ kiểm soát. Ảnh: H.P
Một hầm vàng được cơ quan chức năng đánh dấu thứ tự để dễ kiểm soát. Ảnh: H.P

“Quanh năm suốt tháng đối tượng ở trong khu bảo tồn. Khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét, thì các đối tượng chạy lên đỉnh núi, vào trong khe núi, hầm sâu ẩn núp; lúc đoàn truy quét ra về thì họ lại tiếp tục hoạt động” - ông Hồng chia sẻ.

Qua khảo sát, khe Tà Vạt chưa phải điểm khai thác quy mô, mà chủ yếu tập trung ở khu vực Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 (xã Đắc Pring). Việc khảo sát, lập kế hoạch lên phương án đánh sập các hầm vàng trái phép trong Vườn quốc gia Sông Thanh đã được các ngành, đơn vị chuyên môn tính toán chi tiết. Vấn đề còn lại là Ban chỉ đạo đang chờ sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền về việc cấp phép, sử dụng thuốc nổ đánh sập hầm vàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Trưởng ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh khẳng định, vàng thổ phỉ gây ô nhiễm nặng môi trường, làm xáo trộn xã hội. Khoảng hơn một tháng nữa Quảng Nam sẽ nổ mìn đánh sập 17 hầm vàng ở Tà Vạt. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm, tiến tới đánh sập toàn bộ 64 hầm vàng tại khu vực Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2. Lực lượng chức năng của tỉnh sẽ bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường để vĩnh viễn không có sự xuất hiện của đối tượng khai thác vàng trái phép tại Vườn quốc gia Sông Thanh.

“Tất nhiên các phương án nổ mìn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tác động đến môi trường sinh thái. Trước khi chờ thuốc nổ tổ chức đánh sập hầm vàng, tỉnh tiếp tục cử lực lượng chốt chặn đảm bảo 24/24 giờ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn quốc gia Sông Thanh: "Nội bất xuất, ngoại bất nhập"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO