Lâm nghiệp

Vườn quốc gia và các khu bảo tồn rừng ở Quảng Nam:Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

QUỐC TUẤN 22/03/2024 14:47

Các vườn quốc gia, khu bảo tồn rừng đặc dụng ở Quảng Nam hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tiếp sức để quản lý, phát huy tối đa giá trị lâm phận quản lý.

song-thanh-2.jpeg
Vườn quốc gia Sông Thanh từng là điểm nóng về khai thác khoáng sản, lâm sản nhưng đến nay cơ bản đã được kiểm soát tốt. Ảnh: Q.T

Nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự

Vườn quốc gia Sông Thanh trước đây từng là điểm nóng về khai thác khoáng sản, lâm sản, đến nay cơ bản được kiểm soát tốt. Thống kê sơ bộ, năm 2018 số vụ vi phạm pháp luật về rừng trong phạm vi của vườn là 122 vụ, sau đó giảm mạnh, đến năm 2023 chỉ còn 4 vụ.

Dù vậy theo ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Sông Thanh, đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến công tác vận hành.

“Theo Quyết định 24/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, sẽ hỗ trợ 100 nghìn đồng/ha trên toàn diện tích rừng đặc dụng nhưng ở Quảng Nam chỉ hỗ trợ 100 nghìn đồng/ha trên diện tích ngoài lưu vực thủy điện. Đơn vị đã có tờ trình và đề nghị làm đúng theo Quyết định 24 nhưng Sở Tài chính vẫn đang xem xét, chưa giải quyết.

Bên cạnh đó, khoản kinh phí này thường cuối năm mới có, ảnh hưởng rất nhiều đến việc lập kế hoạch của đơn vị. Việc chậm có kinh phí cũng ảnh hưởng đến hỗ trợ sinh kế vùng đệm cho người dân.

Bởi theo quy định hiện nay, việc hỗ trợ cây giống, con giống sẽ cấp vào cuối năm, mưa lạnh khiến gia súc chết nhiều, gây bất lợi cho người dân. Năm 2023, cấp 9.000 con giống thì chết đến 2.700 con” - ông Hồng thông tin.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, điều quan trọng nhất là các đơn vị phải đổi mới tư duy mạnh mẽ để thích ứng xu thế. Nếu trước đây việc vận hành chỉ chú trọng nhiệm vụ bảo vệ rừng theo hướng đẩy đuổi, triệt phá lâm tặc vận chuyển gỗ, săn bắt động vật trái phép thì hiện nay phải tính toán chuyển đổi mô hình hoạt động, bố trí cơ cấu cán bộ phù hợp thay vì chỉ chuyên về quản lý rừng. Đồng thời cần có nhân lực để phát triển về kinh tế, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học… nhằm phát triển toàn diện các đơn vị.

Cũng theo ông Hồng, đề án UBND tỉnh duyệt cho Vườn quốc gia Sông Thanh đến năm 2030 đơn vị sẽ có 64 biên chế nhưng hiện mới có 31 biên chế. Theo quy định, vườn quốc gia sẽ có đầy đủ phòng, ban, trạm đội, đến nay cũng chưa kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

Đại diện BQL khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cũng đề nghị cần phân bổ sớm nguồn hỗ trợ từ việc thực hiện Quyết định 24 ngay từ đầu năm. Nếu đến cuối năm mới giao rất khó triển khai thực hiện, nhất là việc hỗ trợ cộng đồng vùng đệm.

“Đơn vị hiện quản lý diện tích lâm phận rất lớn, trải trên địa bàn khu vực giáp ranh nhiều huyện nhưng chưa được bổ sung nhân sự. Đàn voi tại huyện Nông Sơn, trước năm 2020 chỉ di chuyển trong phạm vi xã Quế Lâm (Nông Sơn) nhưng nay có chiều hướng di chuyển rộng hơn qua Phước Sơn và phía đông khu bảo tồn.

Đây là thực tế khó khăn vì đơn vị trực thuộc huyện Nông Sơn, khi tham gia hoạt động trên địa bàn Phước Sơn, Hiệp Đức chỉ có thể thông báo đến các xã vùng đệm.

Cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ về việc voi di chuyển gây thiệt hại cho vùng sản xuất của người dân. Năm ngoái, đơn vị đã có 2 tờ trình về vấn đề này nhưng chưa có kết quả” - đại diện BQL khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi chia sẻ.

Còn theo đại diện BQL khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, cuối năm nay Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) sẽ kết thúc thời gian hỗ trợ giai đoạn 2 cho đơn vị.

Nếu dừng hỗ trợ đơn vị sẽ rất khó xoay xở nguồn lực cho 4 đội tuần tra bảo vệ rừng với 20 lao động vì nguồn thu không đủ chi, có thể buộc phải tính toán lại lực lượng và như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ.

Bên cạnh đó, theo dự báo năm 2024 nguồn thu dịch vụ môi trường rừng chưa chắc đã khả quan như các năm trước nên kế hoạch thu chi sẽ ảnh hưởng lớn đến việc vận hành đơn vị. Mong tỉnh có thêm cơ chế hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng vùng đệm bởi đã qua 12 năm nhưng mức hỗ trợ vẫn giữ 40 triệu đồng/thôn.

Đổi mới tư duy quản lý, vận hành

Nhìn nhận nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu của các thủy điện, khá bấp bênh, khó chủ động trong quý 1, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam nghiên cứu có cách từng bước khắc phục bất cập trong việc tạm ứng, xác định đơn giá từ sớm để hỗ trợ các đơn vị.

song-thanh-1.jpeg
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Q.T

Về chính sách hỗ trợ các thôn vùng đệm, đề nghị chính quyền địa phương phải có động thái lồng ghép chương trình của mình vào hỗ trợ sinh kế vùng đệm. Tỉnh cũng đã giao cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển sinh kế vùng đệm để có cơ chế hỗ trợ thêm trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Tỉnh sẵn sàng đầu tư tương xứng với quá trình phát triển của Vườn quốc gia Sông Thanh nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả nếu không sẽ lãng phí nguồn lực.

Về việc kết thúc hỗ trợ từ WWF ở BQL khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, hiện vẫn còn cơ chế của tỉnh để thực hiện hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách như các đơn vị khác lâu nay vẫn làm”.

Về công tác nhân sự, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, hiện đề án vị trí việc làm đang trong giai đoạn gấp rút để thẩm định, trình phê duyệt.

“Đề nghị các đơn vị liên quan tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm hoàn chỉnh. Trong đó, việc tuyển dụng viên chức do đơn vị trực tiếp quản lý các ban, ví dụ như Sở NN&PTNT hoặc các huyện sẽ phụ trách. Do đó, các BQL cần báo cáo cơ quan chủ quản để có hướng tuyển dụng, xây dựng vị trí việc làm phù hợp” - bà Hoa nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn quốc gia và các khu bảo tồn rừng ở Quảng Nam: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO