Mô hình vườn rau của bé được một số trường mẫu giáo ở TP. Tam Kỳ triển khai trong thời gian qua vừa góp phần cung cấp thực phẩm sạch cho trẻ, giúp trẻ tìm hiểu về thế giới thực vật chung quanh mình, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh…
Học sinh Trường Mẫu giáo Anh Đào khám phá “vườn rau của bé”. |
Lợi ích kép
Mồng tơi, rau lang, xà lách, các loại cải, đậu… trong vườn rau của bé ở trường Anh Đào (xã Tam Phú) đang lên xanh. Hiệu trưởng Bùi Thị Phượng cho biết, nhà trường giao mỗi tổ công đoàn trồng và chăm sóc một luống rau. Số rau này vừa giúp cải thiện bữa ăn cho trẻ, vừa là nơi giúp trẻ tìm hiểu và chăm sóc các loại rau... Sau khi học chủ đề thực vật chung quanh bé, các cháu lớp mẫu giáo lớn 2 Trường Mẫu giáo Anh Đào được tìm hiểu, trải nghiệm thực tế về chủ đề này tại vườn rau rộng hơn 100m2 ngay trong sân trường. Cô giáo chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn 2 - Đinh Thị Lương Dung chia sẻ, một trong các hoạt động ngoài trời của lớp là cho trẻ tìm hiểu vườn rau để giúp các cháu khám phá thiên nhiên, bên cạnh việc cho trẻ chơi những trò chơi để phát triển thể chất, và cô Dung cho biết, hầu như các cháu đều thích thú với hoạt động này. Tham gia bắt sâu cùng các bạn, cháu Đỗ Đại Khôi - lớp mẫu giáo lớn 2 nói, cháu rất thích được ra thăm vườn rau của trường và cùng cô giáo, các bạn nhổ cỏ, bắt sâu, chăm sóc rau trong vườn trường.
Góc thiên nhiên ở Trường Mẫu giáo Hương Sen. Ảnh: C.N |
Góc thiên nhiên Hầu hết trường mầm non, Mẫu giáo ở Thành Phố Tam Kỳ đều tạo "góc thiên nhiên" ở mỗi lớp học hoặc trường học. Góc thiên nhiên có hoa, lá, rau,... đã góp phần cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm với môi trường tự nhiên. Có trường để trẻ tự tay chăm sóc hoa lá, cây, rau ở góc thiên nhiên dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Qua đó, giúp trẻ được hiểu thêm về thế giới thực vật, thêm yêu thiên nhiên và dần hình thành ý thức bảo vệ thiên nhiên. Bằng sự sáng tạo, các cô giáo đã tận dụng những vật liệu cũ như lốp xe, chai, lọ để trồng rau, hoa và tạo hình bắt mắt. Tương tự vườn rau của bé, nhiều trường tổ chức sinh hoạt ngoài trời cho trẻ ở góc thiên nhiên thân thiện với môi trường này. |
Đất ở các trường học vùng đông Tam Kỳ nghèo dinh dưỡng nên việc trồng và chăm sóc để có được một vườn rau xanh, sạch, phục vụ việc dạy và chăm sóc trẻ, là không đơn giản nên các cô giáo đã cố gắng rất nhiều. Bên cạnh đó, thấy được lợi ích của vườn rau trong nhà trường, nhiều phụ huynh đã tự nguyện góp phân hữu cơ để cải tạo đất. Cô Nguyễn Thị Lũy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Tam Thăng) cho biết, không chỉ giáo viên cùng trẻ mà nhiều phụ huynh cũng tranh thủ thời gian rảnh tham gia chăm sóc vườn rau trong khuôn viên trường. Được sự tài trợ của tổ chức AOG, Trường Mẫu giáo Hoa Sen lắp đặt hệ thống tưới trong vườn rau của bé. Trên diện tích hơn 200m2, vườn rau của bé ở Trường Mẫu giáo Hoa Sen chia làm nhiều làm luống nhỏ, Ban Giám hiệu nhà trường giao mỗi lớp trồng và chăm sóc một luống.
Khuyến khích nhân rộng
Cô Nguyễn Thị Thu Giang - chuyên viên Phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho biết, ngành giáo dục khuyến khích các trường tổ chức mô hình vườn rau của bé để vừa cung cấp thực phẩm sạch, vừa tạo môi trường xanh và cho trẻ tham gia tìm hiểu về thế giới chung quanh. Đối với một số trường có không gian hẹp, có thể tổ chức cho các cháu tự trồng hoặc gieo hạt các loại rau, đậu trong các ly, chậu nhỏ. “Chắc chắn các cháu sẽ cảm thấy hứng thú và ham tìm hiểu khi thấy cây, rau mình chăm sóc hàng ngày dần dần lớn lên” - cô Giang nói.
Sau khi di dời đến địa điểm mới trong năm học này, Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (phường Hòa Hương) đã xây dựng “vườn rau của bé” trong khuôn viên khá rộng của nhà trường. Mặc dù rau chưa lên xanh do đất quá cằn cỗi nhưng hy vọng với sự chăm sóc của giáo viên và sự hỗ trợ của phụ huynh, hàng chục loại rau trong vườn trường sẽ là khu vực đem lại trải nghiệm thú vị cho trẻ. Ở mỗi luống rau, các cô đều cắm bảng ghi tên từng loại để các cháu dễ nhận biết. Ở các trường học khác trên địa bàn thành phố, diện tích đất không đủ nhiều, đã tạo vườn rau mi ni để trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới thực vật phong phú chung quanh...
CHÂU NỮ