Theo thói quen, hay đúng hơn là theo “quán tính” của tảo tần thương khó, cứ đầu tháng 11 âm lịch là mẹ lại lọ mọ trồng rau ăn tết. Ngày trước nà thổ mênh mông, rau đậu dưa cà được trồng thửa nọ sào kia. Bây giờ nhiều khu đất nông nghiệp được hoán chuyển, dành phần cho việc xây dựng các công trình dân sinh hoặc mở mang nhà máy công nghiệp, diện tích đất trồng rau màu thu hẹp lại. Mà, tuổi của mẹ cũng đã đầy thêm nhiều lắm rồi, bước chân đâu còn đủ nhanh đủ khỏe để bươn bả với thổ rộng đồng xa.
Gom hết rau tết về khoảnh sân nhỏ trước nhà, mẹ phải tính toán “chia phần” cho từng thứ. Rẻo đất dọc con ngõ, trước chỉ trồng vạn thọ, giờ mẹ chen vào hàng cải bẹ. Kế bên hàng cải là luống mồng tơi nối chân vào với luống dền đỏ... Ngày trước đất nà thổ còn nhiều, các loại rau ăn lá chưa phải chen về sân vườn, khoảnh đất trước sân ưu tiên cho các loại rau mùi. Còn bây giờ, để có chỗ cho các loại rau ăn lá, vạt quế tím phải co lại, chỉ còn một cụm, nhường phần đất liền kề phía trong cho luống xà lách. Những hành ăn lá, hẹ, húng, vấp cá, ngò, tần ô... cũng thu hẹp lại, cùng chia nhau hai vồng đất nhỏ kế bên hàng rào... Ở góc rào phía ngoài cùng, chật chội là vậy nhưng mẹ vẫn dành phần cho bụi sả, gốc nghệ. Tía tô cũng có phần, không nhiều để thành vạt như xưa nhưng vẫn đủ vui vầy với năm bảy cây phởn phơ chen cành đọ lá cùng nhau. Không nỡ dựng giàn tranh hết nắng mưa sương gió của các thứ rau, dây mướp hương mẹ cho leo lên rào. Mướp không tủi thân, kiêu hãnh và hồn nhiên cho trái, và ngày ngày vẫn nở hoa góp sắc vàng tươi rói điểm tô cho mùa xuân, cho tết...
Không còn cái cảm giác mênh mông thoáng đãng của nà thổ, những vạt rau nhỏ trong vườn nhà cứ đua nhau chen chúc khoe xanh. Mùi hương thanh tao của chúng như cũng chợt đầy lên, ngào ngạt hơn và hòa quyện vào nhau... Tháng Chạp trời lạnh và thường có sương, các loại rau dễ bị se ngọn, thành ra sáng nào mẹ cũng phải dậy sớm múc nước giếng tưới đều lên lá. Tay mẹ yếu rồi, mỗi lần chỉ múc chừng nửa gàu thôi, vẩy hết lại múc nửa gàu khác. Sau một đêm ủ hương vào giấc ngủ, khi gặp nước giếng ấm áp, các loại rau như bừng thức, phả mùi thơm tinh khiết vào ban mai. Mỗi lần tưới sương cho rau xong, lúc mẹ vào nhà, những mùi thơm tinh khiết ấy cũng theo nhau vào, ngạt ngào, quấn quít... Thỉnh thoảng, trời tháng Chạp lại rây xuống một cơn mưa nhỏ, hình như từ mùa đông sót lại, mẹ không phải dậy sớm ra vườn mà chỉ việc mở cửa ngồi nhìn và đón nhận hương thơm của rau theo gió nhẹ đưa vào. Suốt cả tháng Chạp, suốt cả tết, thậm chí là suốt cả tháng Giêng, ngôi nhà của mẹ nhờ vậy mà cứ ngát xanh, thơm lừng mùi vị của các thứ rau - những sắc màu và “mùi tết” gần gụi và quyến rũ...
Vườn rau tết trồng trong khoảnh sân nhỏ trước nhà không thể nhiều như khi trồng giữa mênh mang nà thổ. Nhưng với mẹ, vẫn là nhiều. Bây giờ con cái đều đã ra riêng và ở xa, vườn rau nhỏ thành ra vẫn nhiều, vẫn rộng. Nhưng mẹ vẫn không đem rau ra chợ. Rau trồng ra chủ yếu để cho vườn nhà có thêm sắc xuân, để con cái về mang đi, để biếu bà con và để dành ăn tết. Mỗi lần con cái ghé về thăm, sợ chúng vội đi, mẹ lại kéo ra vườn vừa tranh thủ chuyện trò vừa hái rau, mỗi thứ một ít, gói hết vào tàu lá chuối cho con mang đi. Bà con ở xa về thăm chơi, quà của mẹ cũng không gì khác ngoài rau. Xanh mướt, thơm lừng... Mỗi lần như thế, vườn rau tết của mẹ thưa ra một chút, nhưng mắt mẹ thì lấp lánh niềm vui...
Bây giờ, tết đã kề bên rồi. Nhưng công việc vẫn cứ cuốn đi, bận rộn, hối hả... Ngang qua những bãi đồng, ngang qua những xóm thôn, lại thấy bạt ngàn rau xanh, bạt ngàn các thứ rau mùi xôn xao đón tết. Lại nhớ vườn rau tết trong khoảnh sân nhỏ trước nhà của mẹ. Lòng thao thiết muốn được ùa về, để được mẹ dắt ra vườn, vừa tranh thủ chuyện trò vừa hái rau cho con mang đi, để vườn rau tết của mẹ thưa ra một chút mà mắt mẹ thì lấp lánh niềm vui, như tết!...