Dù hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng ba chàng trai khuyết tật Phan Mai Huy, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Văn Định đều có điểm chung là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành người hữu ích.
Từ trái sang: Ba chàng trai Thanh Kim, Mai Huy và Văn Định chụp ảnh lưu niệm trước lăng Bác. Ảnh: H.A |
Ba chàng trai khuyết tật đại diện cho hơn 40.000 người khuyết tật của tỉnh Quảng Nam được vinh dự có mặt tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV năm 2013 tại thủ đô Hà Nội. Trong đó có Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 10 diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Phan Mai Huy xa nhà và có dịp đến thủ đô Hà Nội, được vào lăng viếng Bác. Anh bị nhiễm chất độc da cam từ bố mẹ nên liệt nửa người bên trái. Dù đi lại khó khăn nhưng với niềm tin cuộc sống, Phan Mai Huy luôn tâm niệm phải học được cái nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe để có thể tồn tại một cách hữu ích. Không ngừng nỗ lực vươn lên, nghề bốc thuốc đã đem lại cho anh một cơ hội tốt để có thể nuôi sống bản thân vừa giúp được nhiều người. Niềm vui càng trọn vẹn khi đứa con đầu lòng của anh lành lặn, khôi ngô như những đứa trẻ bình thường khác. Anh tâm sự: “Tôi luôn coi nỗi đau của bệnh nhân như chính nỗi đau của mình. Thấy người bệnh nhất là trẻ em bị bại liệt, không đi lại được, tôi dùng sức lực của bàn tay còn lại, bấm huyệt, châm cứu chữa trị hàng năm trời, nhiều người đã lành bệnh. Giá thuốc lên cao, tôi tìm kiếm những cây thuốc nam có sẵn, để đỡ bớt tiền cho người bệnh, mà phần lớn họ là những nông dân nghèo”.
Còn anh Nguyễn Thanh Kim ở Tam Hòa (Núi Thành) sống trong gia đình đông con cũng bị bại liệt từ nhỏ do cơn sốt ác tính kéo dài. Ban đầu anh chọn nghề sửa xe đạp, sau đó kết hợp chăn nuôi gia cầm, rồi xây dựng trang trại chăn nuôi heo.... Anh Kim quan niệm mình phải nỗ lực rất nhiều so với những người bình thường mới mong có thể phát triển tốt trang trại. Trong 2 năm 2011 và 2012, trang trại của anh có lãi trên 150 triệu đồng, được vinh danh Nông dân sản xuất giỏi. Anh hồ hởi chia sẻ thành công của mình nhờ sự nỗ lực của bản thân cùng sự động viên của mọi người và tình yêu của người vợ. Quý mến đức tính cần cù, nỗ lực vươn lên, người vợ ấy đã đồng lòng với chồng vượt qua đói nghèo, bệnh tật, sinh cho anh 2 đứa con khỏe mạnh và học giỏi...
Không ngừng vươn lên trong cuộc sống, chàng trai Nguyễn Văn Định ở Duy Phước (Duy Xuyên) đã để lại sự quý mến đối với mọi người. Bị teo một bàn chân bên phải, anh lập nghề bằng nghề thợ may. Tỉ mẫn trong từng đường kim mũi chỉ, các sản phẩm may mặc của anh luôn được khách hàng ưa chuộng. Không dừng lại ở đó, anh tìm cách mở rộng tiệm may để tạo điều kiện giúp đỡ, dạy nghề cho những người có cùng hoàn cảnh. Ngoài ra, anh còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Tháng 6.2012, anh được tín nhiệm giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khuyết tật của huyện Duy Xuyên. Với nhiệm vụ mới, anh luôn cố hết sức chu toàn công việc để góp phần hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ.
Trong chuyến đi này, anh Phan Xuân Chiến - Chủ tịch Hội Từ thiện huyện Đại Lộc với tư cách là người bảo trợ vì có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội từ thiện, kêu gọi vận động giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Hơn 5 năm qua, anh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực dành cho người khuyết tật như: chương trình hỗ trợ xe lăn, xe lắc tay, xây nhà tình thương, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn, cấp thuốc miễn phí với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Anh tâm niệm: “Quảng Nam là vùng đất ác liệt trong chiến tranh, thời bình lại thiên tai, bão lũ. Trong đó, người khuyết tật phần lớn bị nhiễm chất độc da cam, mất khả năng lao động, và đa số đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên họ rất cần sự chung tay của xã hội”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tấm gương vượt qua số phận của anh Huy, anh Kim, anh Định góp phần tạo động lực để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm là bệ đỡ không nhỏ để họ có thêm niềm tin khẳng định bản thân, sống có ích.
Hà An