Những thông điệp đầy ý nghĩa về tình yêu cuộc sống được cất tiếng từ đá, chuẩn bị ra mắt công chúng đất Quảng…
Ngày 25.8, Trại điêu khắc Quảng Nam lần thứ I khép lại và một không gian vườn tượng mới được mở ra, tại Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ.
“Ấn tượng Quảng Nam”
Lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác điêu khắc với quy mô lớn, thu hút rất đông các điêu khắc gia trên cả nước cùng tham gia gửi phác thảo, sau những lần tuyển chọn, Quảng Nam đã có được 25 mẫu phác thảo với ý tưởng và bố cục phù hợp với không gian trưng bày công cộng. Dốc toàn lực sáng tác trong hơn một tháng, từ nghệ sĩ lẫn các công nhân lành nghề, những khối đá trắng đã nên hình hài. Đá bắt đầu cất tiếng, thăng hoa. Những tác phẩm điêu khắc rải ra, lừng lững giữa trời trưa. Có tượng cao, có tượng ngợp tầm mắt, có tượng vừa đủ một vòng tay ôm. Mỗi tác phẩm là một đời sống nghệ thuật riêng biệt, nhưng khi được đặt cạnh nhau, cùng hội nhập vào không gian rộng lớn sẽ tạo ra một địa chỉ văn hóa mới, làm phong phú thêm cảnh sắc của thành phố trẻ. Những cá tính nghệ thuật được lồng ghép khéo léo, để trong 25 tượng điêu khắc nghệ thuật là từng ấy “màu sắc” riêng.
Võ Ngọc Lân với những công đoạn cuối cho tác phẩm “Vũ điệu Chămpa”. Ảnh: S.A |
Những biến tấu đầy ngẫu hứng mang tính nghệ thuật sâu sắc nhưng cũng không kém phần xúc cảm với đời thật. Người xem có thể “đọc” được những thông điệp của nghệ sĩ về tình yêu con người, thiên nhiên và những trân quý với vốn văn hóa dày dặn của xứ Quảng. Đó có thể là một “Niềm vui” của những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam, là một “Dáng em Thu Bồn” chuyển tải tròn trịa đặc trưng xứ Quảng, Hội An và Mỹ Sơn trong cái nhìn của người yêu di sản, hay thậm chí là những câu chuyện biển đảo được tượng hình trong các hình ảnh gợi lên nhiều suy ngẫm. Cùng tôn vinh cái đẹp, gợi nên những đồng cảm bởi khát vọng sống đẹp, có lẽ là tư tưởng mà các điêu khắc gia muốn chuyển đến người xem. Ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đồng thời cũng là một tác giả có tác phẩm được trưng bày tại “vườn tượng” lần này, cho rằng, mỗi một bức tượng đều là một nhân chứng lịch sử quan trọng, được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật, chuyển tải những giá trị văn hóa. “Mỗi tác phẩm dù quy mô lớn nhỏ nhưng đều được làm bằng chất liệu có độ bền vĩnh cửu, có khả năng hàm chứa, gợi cảm được nhiều chủ đề tư tưởng và những giá trị nhân văn sâu sắc. Nghệ thuật điêu khắc tượng trong vườn là một sáng tạo nghệ thuật mang tính chỉnh thể dung hợp, mỗi tác phẩm điêu khắc được gắn với không gian xung quanh, góp phần tạo dựng cảnh quan và môi trường văn hóa” - ông Hàm nói.
Nghệ thuật… gần công chúng
Với ý tưởng xuyên suốt là tạo nên một không gian nghệ thuật điêu khắc mang đặc trưng của Quảng Nam, nhưng vẫn không bó buộc trong ý tưởng của các nghệ sĩ điêu khắc. Chính điều này đã khiến các tác phẩm hình thành tại Trại điêu khắc Quảng Nam lần thứ I đa dạng về hình thức thể hiện và nhận được những lời khen từ giới chuyên môn. Điêu khắc gia Phạm Văn Dân (Quảng Ngãi), chọn cho mình góc nhìn hướng về phía biển, với hình ảnh hai vỏ sò ghép nối tượng trưng cho “mắt biển”, như cái cách những người dân Việt Nam hướng về phía biển lâu nay, gây nên không ít xúc động cho người xem khi chiêm ngưỡng tác phẩm của ông. Có người bằng ký ức chắp nối để làm nên một tác phẩm đậm chất quê lụa, với những bố cục lả lướt, mềm mại. Võ Ngọc Lân, điêu khắc gia của Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nhưng quê anh lại ở Quảng Nam. Chính xứ Trà Kiệu với kinh đô thành cổ cùng nền văn hóa bí ẩn Champa để ngay khi biết tin về trại điêu khắc xứ Quảng, anh đã gửi đi một “Vũ điệu Champa”…và chờ đợi. Hôm nay, nàng vũ nữ Apsara của Võ Ngọc Lân đã thành hình và mang ra với công chúng. “Hạnh phúc khi được đặt đứa con mình ấp ủ đi cùng hành trình của quê hương” - Võ Ngọc Lân nói.
Tròn 40 năm sau ngày giải phóng, Quảng Nam mới có được một không gian đúng nghĩa để hình thành một vườn tượng nghệ thuật. Niềm vui này có lẽ dành cho hết thảy mọi người dân xứ Quảng, đặc biệt đối với một đô thị còn nghèo nàn về cơ sở văn hóa như Tam Kỳ. Còn nhớ năm 2006, Hội An ra đời một công viên vườn tượng nghệ thuật, mở ra cái nhìn đầy thân thiện về bản sắc văn hóa chốn này với bè bạn quốc tế. Tượng điêu khắc có thể hòa nhập với công chúng nhanh chóng hơn hội họa. Tuy nhiên, điêu khắc cộng đồng vẫn chưa thực sự đi vào đời sống thực. Với cơ hội lần này, mong rằng công chúng xứ Quảng sẽ đến gần hơn với nghệ thuật điêu khắc bằng những tạo tác đầy tính biến tấu nhưng vẫn gần gũi với đời sống đương đại. Người dân xứ Quảng đang chờ đợi ngày để được chiêm ngưỡng, đồng cảm cùng “không gian vườn tượng”.
SONG ANH