Vườn tượng gỗ Trường Sơn - Tây Nguyên

TẤN VỊNH 14/06/2014 11:45

Nói đến vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là nói đến nghệ thuật điêu khắc gỗ. Tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian là di sản vô giá của các tộc người nơi đây như Ba na, Gia Rai, Ê đê, M’nông, Cơ Tu...

Trại sáng tác điêu khắc dành cho các nghệ nhân Tây Nguyên tổ chức tại Hà Nội.
Trại sáng tác điêu khắc dành cho các nghệ nhân Tây Nguyên tổ chức tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, rừng bị tàn phá, lễ bỏ mả không còn được tiến hành nên nghề tạc tượng nhà mồ dần bị mai một. Để khôi phục và tôn vinh nghệ thuật điêu khắc độc đáo này, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức nhiều trại điêu khắc dành cho nghệ nhân. Đến nay, nhiều vườn tượng gỗ của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên được hình thành, trở thành điểm tham quan lý thú cho du khách như Vườn tượng Buôn Đôn, Vườn tượng gỗ Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Dưới tán rừng thưa thuộc Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn có Vườn tượng Tây Nguyên độc đáo với hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ do 18 nghệ nhân thuộc 5 dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 7 tỉnh trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên. Sau khi tổ chức thành công trại điêu khắc trên vào năm 2007, tại Buôn Đôn và một số địa phương khác của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có những hoạt động thiết thực để khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân phát huy tài năng điêu khắc. Du khách đến đây được những chứng kiến những nghệ nhân tài hoa của vùng Tây Nguyên thể hiện tài nghệ điêu khắc của mình.  Bằng cái rìu và đục, họ đã làm cho những khúc gỗ biến thành pho tượng có hồn. Những bức tượng gỗ ấy luôn chứa đầy chất huyền thoại, kể lại câu chuyện ngày xưa để du khách hiểu thêm về nét hoang sơ, độc đáo trong văn hóa của từng dân tộc.

Trong kho tàng nghệ thuật tạo hình dân gian Cơ Tu, tranh, tượng, phù điêu ở nhà làng (gươl) và nhà mồ khá phổ biến. Trong bất cứ nhà làng nào ta cũng thấy sự hiện diện của tượng, phù điêu, tranh vẽ sống động. Làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang là một mô hình tốt cho việc bảo tồn nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Cơ Tu. Hàng năm, nhân dịp ngày hội văn hóa dân tộc Cơ Tu, huyện Tây Giang luôn tổ chức cho các nghệ nhân trổ tài điêu khắc. Thí sinh chính là các già làng, nghệ nhân điêu khắc có tiếng tại địa phương. Qua các cuộc thi đã kích thích phong trào sáng tác nghệ thuật dân gian, bảo tồn điêu khắc truyền thống. Nghệ nhân có điều kiện truyền dạy nghề tạc tượng gỗ cho thế hệ trẻ, chuyển cảm hứng sáng tác cho con cháu của mình. Đồng thời tác phẩm điêu khắc của họ được lưu giữ, trưng bày tại các nhà làng truyền thống, làng truyền thống dân tộc Cơ Tu. Nơi đây thực sự là một bảo tàng điêu khắc gỗ dân gian của dân tộc Cơ Tu với hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ của các nghệ nhân được chấm giải, tôn vinh qua  các cuộc thi.

Tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu.
Tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu.

Hàng năm, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam và ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Hà Tây, Hà Nội) cũng luôn tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, trong đó có trại sáng tác tác phẩm điêu khắc gỗ dành cho các nghệ nhân Tây Nguyên. Họ chính là chủ nhân của tác phẩm điêu khắc gỗ dành cho những người quá cố tại các khu nhà mồ. Năm 2013, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức trại điêu khắc quy mô nhất với sự tham gia của nhiều nghệ nhân của vùng Bắc Tây Nguyên. Họ đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm điêu khắc. Đây là nơi còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ có kích thước lớn, nhiều chủ đề do các nghệ nhân Tây Nguyên thể hiện. Tượng người trang trí trên nhà mồ, nhà làng là những tác phẩm điêu khắc gỗ tiêu biểu của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên. Tại vườn tượng này, nổi bật là những tác phẩm mô tả người giã thóc, người đội vò rượu cần, mẹ cõng con, đánh chiêng, đâm trâu, bắt cá, chàng trai mang xà gạc, uống rượu cần, hút thuốc... luôn thu hút khách tham quan du lịch. Họ đến đây khám phá di sản nghệ thuật tạo hình nổi tiếng của đồng bào mà không phải đến các bản làng xa xăm tận Tây Nguyên.

Ngoài các vườn tượng nói trên, tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên như Gia Rai, Đắk Lắk, Kon Tum, bảo tàng các tỉnh, thành miền Trung như Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Đà Nẵng... Một số thôn bản ở các huyện miền núi Quảng Nam cũng đã sưu tầm, trưng bày tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân tại các nhà làng truyền thống. Nhiều nhà làng truyền thống ở Nam Giang, Tây Giang thực sự là bảo tàng về điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ Tu. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là trong những năm gần đây, buôn làng không còn nhiều người làm tượng nhà mồ nữa, lớp trẻ không ham muốn theo nghề điêu khắc gỗ, thậm chí không biết đến tượng nhà mồ - một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Để bảo tồn nghệ thuật điêu khắc gỗ, bên cạnh sự tự thân vận động của dân làng Cơ Tu, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích việc bảo tồn lưu truyền và phát huy nghệ thuật điêu khắc của đồng bào. Cần thường xuyên mở các trại sáng tác cho các nghệ nhân và các nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số. Tài trợ có trọng tâm cho các tác giả người dân tộc thiểu số để khuyến khích họ đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật là điều nên làm.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn tượng gỗ Trường Sơn - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO