Vườn tượng tri ân

VĨNH LỘC 02/08/2017 09:27

Vườn tượng - một không gian văn hóa với những bức tượng, phù điêu, bia khắc những người đã có công đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy Khu di tích Mỹ Sơn đang được UBND huyện Duy Xuyên và Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn xúc tiến giới thiệu trong buổi tọa đàm vừa diễn ra mới đây.

Phác thảo phối cảnh Vườn tượng trên đồi cao (phía trái) bên ngoài Khe Thẻ. Ảnh: V.L
Phác thảo phối cảnh Vườn tượng trên đồi cao (phía trái) bên ngoài Khe Thẻ. Ảnh: V.L

Ý tưởng 10 năm

Bốn nhân vật được đề xuất xem xét lựa chọn đặt tại Vườn tượng: Henri Parmentier (1870 - 1949, người Pháp), làm việc tại Mỹ Sơn những năm thập niên 1990; Nguyễn Xuân Đồng (1907 - 1986), làm việc tại Mỹ Sơn vào thập niên 1930 cùng với Claeys, có công trong việc thông báo cho Philip Stenr - một học giả lỗi lạc về nghệ thuật Đông Dương, gửi kiến nghị đến tổng thống Mỹ về việc phá hoại di tích Mỹ Sơn của không quân Hoa Kỳ năm 1969; Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997, người Ba Lan), làm việc tại Mỹ Sơn từ 1980 đến 1994, có công khôi phục diện mạo di tích Mỹ Sơn như ngày nay từ đống đổ nát sau chiến tranh 1975; ông Hồ Nghinh (1915 - 2007), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, có công trong việc ngăn chặn không để ngăn suối Khe Thẻ làm hồ thủy lợi trong toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn cuối thập niên 1970.

Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhằm tri ân công lao to lớn của những người đã đóng góp trong việc bảo tồn, bảo vệ và trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn. Đặc biệt, việc hình thành vườn tượng cùng với Nhà bảo tàng Mỹ Sơn sẽ trở thành hai điểm tham quan bên ngoài di sản giúp du khách có nhiều trải nghiệm hơn khi đến Mỹ Sơn. “Từ lúc được phát hiện đến nay, khu đền tháp luôn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ yêu di tích; họ làm việc trong những giai đoạn, bối cảnh khác nhau và đóng góp trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị, phát triển kinh tế du lịch… Nhiều năm qua chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao xây dựng công trình vườn tượng nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc với những con người này” - ông Hộ chia sẻ. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm, ý tưởng dựng tượng những người có công với Mỹ Sơn đã có từ hơn 10 năm trước, nhưng vì nhiều nguyên do nên vẫn chưa thực hiện được. Dù vậy, việc chọn nhân vật để dựng tượng cũng cần hết sức lưu ý vì công trạng của những người đóng góp cho Mỹ Sơn rất nhiều. “Nguyên tắc đầu tiên dựng tượng là người đó đã qua đời. Thứ hai, người được dựng tượng phải có đóng góp quan trọng, ảnh hưởng đến toàn thể hoạt động của Mỹ Sơn trong một giai đoạn nhất định, xét trên những tiêu chí này trước mắt chỉ nên chọn 3 người là Henri Parmentier, Kazik và ông Hồ Nghinh, sau này nếu có điều kiện chúng ta có thể dựng thêm” - ông Tịnh nói.

Không chỉ là vườn tượng

Dù một số ý kiến thống nhất chỉ nên chọn 3 người là Henri Parmentier, Kazik và ông Hồ Nghinh để dựng tượng vì những công lao nổi bật của những nhân vật này. Tuy nhiên, theo GS-TS. Trương Quốc Bình, người có công xây dựng hồ sơ đưa Mỹ Sơn trở thành di sản văn hóa thế giới, việc tôn vinh những người có đóng góp trong việc bảo tồn di sản Mỹ Sơn là rất cần thiết, nhưng cần lựa chọn hình thức phù hợp. “Bên cạnh việc tôn vinh những cá nhân cũng đừng quên các tập thể, vì những tập thể cũng rất quan trọng. Ví dụ ông Parmentier không thể tách rời với hoạt động và những thành tựu của Viện Viễn đông Bác cổ. Ông Kazik không thể tách rời khỏi hoạt động của Tiểu ban hợp tác Việt Nam - Ba Lan hay của cơ quan Liên hiệp Xí nghiệp bảo tồn di tích Ba Lan, rồi các cơ quan của Việt Nam như Bộ VH-TT&DL; Viện Bảo tồn di tích, kể cả lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, những người gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của Mỹ Sơn, tất cả đều có công và xứng đáng được tôn vinh” - GS-TS. Trương Quốc Bình phân tích. Ông cho rằng, để hài hòa giữa việc tôn vinh, ngoài dựng tượng những cá nhân tiêu biểu nên có thêm các phù điêu khắc chữ vinh danh các tập thể, cá nhân có công, không nên chỉ đặt vài cái tượng, điều này sẽ giúp du khách biết, để có Mỹ Sơn như hôm nay, có nhiều cá nhân, tập thể đóng góp cho Mỹ Sơn. “Mình không gọi đó là vườn tượng mà nên gọi là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người có công bảo vệ, quảng bá phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn, như vậy ý nghĩa sẽ rộng hơn” - GS-TS. Trương Quốc Bình đề xuất.

Theo PGS-TS. Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trước hết phải xác định mục tiêu vườn tượng là hướng đến mục đích làm tăng thêm giá trị di sản; từ giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị tâm linh kể cả giá trị sinh thái. Do vậy, phải biến công trình vườn tượng thành một cảnh quản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm hệ giá trị Mỹ Sơn. “Từ cảnh quan văn hóa ấy, nó làm tăng thêm giá trị của khu di sản để trở thành một điểm trải nghiệm văn hóa trong du lịch. Vì vậy, tôi thiên về việc gọi đây là vườn tri ân, tôn vinh công lao của những người đã đóng góp cho Mỹ Sơn. Đồng thời qua đó cũng giáo dục cái tinh thần ấy cho các thế hệ Việt Nam, biến nơi đây trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa hấp dẫn cho khách du lịch” - PGS-TS. Đặng Văn Bài bày tỏ. Dù mới chỉ là bước khởi đầu để khởi động, nhưng có thể khẳng định việc tôn vinh các thế hệ những người có công đóng góp cho Mỹ Sơn là cần thiết. Tuy vậy, ngoài các nhà nghiên cứu khoa học, cũng nên xem xét tôn vinh những nhà quản lý, những cá nhân đương đại đã gắn với Mỹ Sơn chứ không đơn thuần chỉ là vài bức tượng người. Để nơi đây không chỉ là không gian của tâm linh, tưởng nhớ mà còn là một điểm tham quan, nghỉ ngơi và trải nghiệm mới của du khách bên ngoài di sản với tư cách như một công viên văn hóa thu nhỏ.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn tượng tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO