Vườn xưa vẳng tiếng chim gù...

NGỌC KẾT 18/03/2018 09:02

Nhiều năm nay, mặc dù không ít lần quay về quê mẹ Quảng Nam, nhưng với nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân - một người con của làng Phú Hưng, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, mỗi lần quay về là một lần như bị lạc giữa chốn quê nhà bởi sự đổi thay trên vùng đất cát quê hương. Và ông đã viết: “Đã lâu lắm không về thăm quê mẹ/ Ngày trở về như lạc giữa Chu Lai/ Sức sống mới đã dâng trào mãnh liệt/ Tự hào thay kỳ diệu một Núi Thành…”.

Nhà thơ - nhạc sĩ  Phú Xuân. Ảnh: N.K
Nhà thơ - nhạc sĩ Phú Xuân. Ảnh: N.K

Trở về mái nhà xưa

Núi Thành hôm nay không chỉ có những khu công nghiệp bề thế với nhiều công trình, nhà máy tạo nên một bức tranh công nghiệp đầy sức sống giữa bốn bề xanh ngát của lúa của vườn và cây xanh trên những đồi xa. Mà Núi Thành mỗi ngày lại càng được tô đẹp bởi những làng quê thanh bình, yên ả, những dòng sông đã kịp để lại bao nhung nhớ trong ký ức người ra đi. Sự thay đổi ấy dù không mạnh mẽ, ào ạt bằng những thành phố lớn mà bàn chân người kiến trúc sư, nghệ sĩ này đã đi qua, đã và đang sống, nhưng lại là một cuộc hồi sinh kỳ diệu để làm nên bao cảm hứng thi ca về một quê nhà mà ông đã cất bước ly hương từ thuở thiếu thời…

Từ quốc lộ 1, rẽ qua cái cổng làng Phú Hưng là người con xa xứ được trở lại với dấu yêu xưa cũ của mình. Nơi có ngôi nhà thờ từng in đậm bao kỷ niệm ngày ông đã sống và ra đi. Nơi có những người thân thương cũng đi qua thời gian già cỗi… mà vẫn đợi chờ đứa em trai trở về trong vòng tay ấm áp yêu thương. Thắp nén nhang lên bàn thờ tiên tổ, trong bảng lảng khói hương là hình ảnh ông bà, cha mẹ, là những tháng ngày sum vầy của cả gia đình rồi biệt ly mỗi người mỗi ngả trong chiến tranh. Bức hình chụp chung cả gia đình được lưu giữ cẩn thận trong ngôi nhà thờ ở làng Phú Hưng để nhắc nhớ con cháu trong gia đình họ Lê làng Phú Hưng này mãi mãi ghi khắc trong tim về đấng sinh thành, về cội nguồn của mình dù ở bất cứ nơi đâu.

Về ngồi dưới mái nhà xưa, tâm hồn một người dù đã đi qua ngưỡng tám mươi của đời người như nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân (tên thật là Lê Quang Cựu - Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương)… vẫn thấy như mới đâu đây những hình bóng thân thương, trìu mến thuở nào. Và có gì thiêng liêng hơn khi bóng dáng mẹ chợt hiện về trong câu thơ như trút ra từ gan ruột kẻ làm con. “Con về thăm lại quê xưa/ Nhặt từng hạt nắng, hạt mưa một thời/ Con đi cuối đất cùng trời/ Chẳng đâu nhặt được một lời mẹ ru/ Con về bên gốc mù u/ Nhặt trong vườn tiếng chim gù ngày xưa/ Thoảng nghe trong giấc mơ trưa/ Ầu ơi tiếng mẹ như vừa ru con”.

Đó là những vần thơ ăm ắp tình yêu thương của nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân viết về người mẹ của mình trong nỗi nhớ da diết cái ngày mẹ ông tiễn con ra đi mà không thể biết được ngày trở lại. Đó là một đêm mùa đông giá lạnh mấy chục năm về trước, cũng trong không gian ngôi nhà xưa, vườn cũ ở làng Phú Hưng đã có một cuộc chia tay đầy nước mắt của người ở lại và người ra đi với hừng hừng quyết tâm tham gia kháng chiến, cứu quốc.

Bước rẽ vào thơ

Từ lúc còn để chỏm, cậu học trò quê Lê Quang Cựu đã sớm biểu hiện tình yêu văn thơ, mỹ thuật với việc tỉ mẩn chọn lọc, chép và dán những bài thơ hay, bức tranh đẹp… vào trang vở. Sau này, khi giã từ mái trường, giã từ màu áo trắng của tuổi học trò để tham gia kháng chiến, chàng trai Lê Quang Cựu vẫn luôn ấp ủ trong lòng mộng văn chương. Nhưng để định hình cho con đường sáng tác thơ, nhạc, họa của ông là một khoảng thời gian khá dài. Ông bắt đầu từ người lính rồi anh sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành nhà kiến trúc sư có bề dày công việc và thành tích, để lại nhiều dấu ấn của mình trên công trình trong nước. Khi công việc của một người kiến trúc sư gần như đã mỹ mãn, ông bắt đầu làm một cuộc rẽ ngoặt quyết liệt sang lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Bởi đây là niềm mong mỏi, là giấc mở từ thuở hoa niên và đâu đó giữa một người kiến trúc sư và một người nghệ sĩ dường như có mối quan hệ tương hỗ.

Một số tuyển tập thơ, nhạc của Phú Xuân.
Một số tuyển tập thơ, nhạc của Phú Xuân.

Tập thơ đầu tay của nhà thơ Phú Xuân có tên gọi “Nỗi niềm” in năm 2003, là tập hợp những bài thơ ông sáng tác nhiều năm trước đó cùng với những sáng tác ông vừa kịp cho ra đời khi chuyển hẳn sang sáng tác văn chương. Tiếp đến, Phú Xuân lại trình làng những tập thơ khác như: “Một khúc ca dao”, “Khúc giao thoa” hay “Một thời để nhớ”… Thơ Phú Xuân đa dạng về thể loại và phong phú về chủ đề. Nhưng sở trường nổi trội có lẽ là những vần thơ lục bát với những câu thơ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc như: “Lời ru cong cả mái đình/ Nghiêng câu lục bát ngỡ mình với ta”... Và với thể loại này, chủ đề tạo nhiều cảm hứng với ông hơn cả là viết về tình yêu, về những miền quê của đất nước đã gắn bó với ông. Đó là nơi ông sinh ra - xứ Quảng, nơi ông trưởng thành - Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương - miền đất ông chọn để sống phần đời còn lại của mình. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, Phú Xuân vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu và xúc cảm nghệ thuật bằng những sáng tác thơ, nhạc. Bởi vì với ông: “Trăm năm tình sử một mai/ Ngàn năm còn mãi đền đài hồn thơ”…

Và nhạc

Không dừng lại ở những tập thơ đầy đặn tình yêu, tình quê hương, xứ sở, Phú Xuân bắt đầu lấn sang lĩnh vực âm nhạc bằng sáng tác đầu tay - bài “Nỗi niềm” phổ từ bài thơ cùng tên trong tập thơ đầu tiên của mình. Ca khúc này sau đó được ca sĩ Mai Thiên Vân trình bày trong một đêm nhạc giới thiệu tác giả - tác phẩm Phú Xuân tại TP.Hồ Chí Minh. Từ những ca khúc còn mang tính ngẫu hứng, Phú Xuân đã theo học nhạc cùng nhạc sĩ Tăng Minh Thành để hoàn thiện thêm về chuyên môn cho những sáng tác ra đời sau này. Và cho đến nay ông đã sáng tác được hơn 50 ca khúc, trong đó có những ca khúc đã được dàn dựng trên sân khấu và được phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình ở các địa phương và trung ương. Một số ca khúc của ông được nhiều khán giả yêu thích như: Nỗi niềm, Mãi là tình yêu Hà Nội, Tình ca mùa thu, Tình ca Bình Dương, Chuyện tình bên dòng sông quê. Xuất phát điểm từ hồn thơ đầy cảm xúc nên âm nhạc Phú Xuân mang đậm chất trữ tình, dịu dàng, sâu lắng, đầy chất thơ. Tiết tấu trong ca khúc thường nhẹ nhàng, dàn trải. Giai điệu có sự pha trộn giữa phong cách nhạc nhẹ và âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông đã trải qua 32 năm học tập và công tác ở Hà Nội… Tuy vậy, quê hương xứ Quảng vẫn là hình ảnh đẹp trong ca khúc của ông. 

Vâng, quê nhà đối với nhà thơ - nhạc sĩ Phú Xuân - Lê Quang Cựu chính là một bài thơ đẹp. Quê nhà ấy đã cho ông năm tháng tuổi thơ, tuổi hoa niên đầy ắp những kỷ niệm đẹp và quê nhà ấy cũng đã kịp giành tặng ông rất nhiều cảm hứng để làm nên những tác phẩm thơ - nhạc ăm ắp tình quê xứ, tình người. Điều đáng quý là tuy đến với hoạt động văn học - nghệ thuật khi đã bước qua nửa bên kia dốc cuộc đời, nhưng nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân vẫn nhận được nhiều giải thưởng cho các sáng tác của mình,  như: giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ - tỉnh Bình Dương năm 2010; bài hát đoạt giải thưởng học sinh - sinh viên năm 2012; giải thưởng thơ tại liên hoan thơ lục bát toàn quốc năm 2012... Trong đó có một giải thưởng mà ông rất tâm đắc, bởi đã ghi đậm dấu ấn của ông với quê hương xứ Quảng. Đó là giải khuyến khích thơ, Giải thưởng văn học - nghệ thuật đất Quảng 5 năm lần đầu tiên. Nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân xem đó như một món quà ân tình mà quê hương đã dành tặng cho ông, bởi quê hương đã cho ông “Nhặt trong vườn tiếng chim gù ngày xưa”…

NGỌC KẾT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn xưa vẳng tiếng chim gù...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO