Cuối năm, tình hình vận chuyển, khai thác cát trái phép có dấu hiệu tăng nhiệt và được báo chí quan tâm. Tạp chí Giao thông vận tải vừa có bài nêu thực trạng “vướng mắc” trong việc xử lý khai thác cát trái phép ở Điện Bàn. Vướng mắc được đặt trong dấu ngoặc kép ngay từ cái tít của bài báo làm người ta hiểu thêm nghĩa khác của cụm từ này.
Thông tin trong bài được diễn giải cụ thể là tại khối phố Viêm Trung (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) tình hình khai thác cát trái phép diễn ra lâu nay; lực lượng công an mới đây cũng tiếp cận và bắt giữ phương tiện tại bãi cát trái phép. Bài báo đặt dấu hỏi tại sao tình trạng tập kết, khai thác cát lậu diễn ra rất lâu rồi, lại còn hoạt động ngang nhiên trước mắt chính quyền địa phương mà vẫn không hề gì? Và trong khi tác nghiệp, phóng viên phát hiện tình trạng tập kết cát lậu tại khu phố Viêm Trung hoạt động rầm rộ trong đêm, ngay lập tức đã liên hệ, phản ánh đến lãnh đạo chính quyền phường Điện Ngọc, nhưng không nhận được sự hợp tác, thậm chí ngay sau đó phóng viên còn bị một ô tô chặn đầu xe, rượt đuổi ra khỏi khu vực hiện trường... Đây có phải là “vướng mắc” chủ yếu khiến việc xử lý tình trạng vận chuyển, tập kết, khai thác cát trái phép ở Điện Ngọc khó dứt điểm? Câu hỏi này được lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn cho biết tiếp tục kiểm tra để xác định các điểm tập kết chưa có phép cũng như chờ ngành chức năng, lãnh đạo UBND phường báo cáo giải trình vụ việc để xử lý dứt điểm.
Thực ra câu hỏi như trên lâu nay vẫn chưa được trả lời một cách dứt khoát, ít nhất là tại các địa phương cụ thể, nơi có những bãi tập kết cát sạn và thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. “Vướng mắc” về con người lâu nay thường được các địa phương báo cáo chủ yếu là lực lượng mỏng, do phối hợp chưa chặt chẽ, kịp thời... chứ chưa thấy vụ nào phát hiện có sự tiếp tay, cản trở, buông lỏng quản lý khoáng sản của cán bộ địa phương. Trong khi đó, nhiều công văn UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương cần phải siết chặt quản lý và chịu trách nhiệm liên quan nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Trách nhiệm của địa phương là dấu chấm hỏi trước thực trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện nay, nên đụng vào vụ nào người dân cũng lo lắng, nghi ngờ. Mấy ngày trước, cũng vì nghi ngờ có sự bất minh trong việc tận thu cát trong dự án khơi thông dòng chảy Khe Gai nên người dân các thôn Phú Long, Giảng Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc) đã tụ tập đông người, ngăn cản thi công. Một dự án với mục tiêu đời sống dân sinh như vậy mà cũng bị ngăn cản, đủ thấy người dân đã lo lắng như thế nào trước thực trạng “chảy máu” tài nguyên.
Cách đây chưa lâu, tại cuộc làm việc với ngành tài nguyên - môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn một cuộc khảo sát xã hội và kết luận có 4 điều người dân lo lắng liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường và chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; đặc biệt có địa phương còn buông lỏng quản lý. Liệu các “vướng mắc” này có được các địa phương nhận thấy để tháo gỡ, để bớt đi nỗi lo lắng của người dân?
C.B.L