Vướng thực hiện chính sách về đất đai

TRẦN HỮU 22/06/2017 08:46

Nhiều dự án trọng điểm chậm bàn giao tiến độ giải phóng mặt bằng có nguyên nhân từ việc lúng túng trong thực hiện cơ chế chính sách pháp luật về đất đai. Các địa phương trong tỉnh lại tháo gỡ rất chậm chạp vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai.

Nhiều nơi chậm giải phóng mặt bằng do người dân đề nghị hỗ trợ phần chênh lệch tiền sử dụng đất ở tái định cư.  TRONG ẢNH: Khu tái định cư phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) đang hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: TRẦN HỮU
Nhiều nơi chậm giải phóng mặt bằng do người dân đề nghị hỗ trợ phần chênh lệch tiền sử dụng đất ở tái định cư. TRONG ẢNH: Khu tái định cư phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) đang hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: TRẦN HỮU

So bì chính sách

Theo UBND TP.Hội An, từ năm 2013 đến nay, thành phố thực hiện việc đầu tư xây dựng 5 dự án khu dân cư, tái định cư (TĐC) gồm khu TĐC Làng chài, phường Cẩm An; khu đô thị Phước Trạch - Phước Hải (giai đoạn 2), phường Cửa Đại; khu dân cư Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa, phường Cẩm Phô;  khu dân cư Nhị Trưng Cồn Thu, phường Tân An và khu đô thị An Bàng,  phường Cẩm An. Trong  số 5 dự án đã và đang triển khai thì có 2 dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm khu TĐC Làng chài phường Cẩm An, khu đô thị Phước Trạch Phước Hải (giai đoạn 2) và 3 dự án đang triển khai công tác GPMB. Tổng diện tích đã GPMB là hơn 59ha, với 407 hộ đã di dời bàn giao mặt bằng (trong đó 281 hộ thu hồi đất ở và 126 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp). Theo UBND TP.Hội An, việc bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) khi thu hồi đất nông nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn, phần lớn dân không đồng tình với chính sách hiện hành mà đề nghị được BT-HT đất nông nghiệp như quy định tại Nghị định 69/CP và Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010  của UBND tỉnh. Người dân cho rằng, đơn giá BT về đất nông nghiệp (được xác định theo giá đất cụ thể) còn thấp. Việc xác định giá đất cụ thể, thẩm định và phê duyệt để BT đối với đất nông nghiệp chủ yếu căn cứ vào đơn giá quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 25.12.2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 5 năm 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh không có lợi cho người bị thu hồi đất như theo các quy định cũ trước đây của UBND tỉnh.

Năm 2012, tại dự án Khu công nghiệp Đông Quế Sơn có 74 hộ dân bị thu hồi đất ở. Năm 2013, Hội đồng xét giao đất xã Hương An họp xét bố trí đất TĐC ho 74 hộ dân trên, căn cứ theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010 và Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 26.6.2013 của UBND tỉnh, Hội đồng giao đất xã đã xét giao đất TĐC là 174 lô và đã công khai cho người dân. Tuy nhiên, ông Trần Văn Noa - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn khẳng định, hiện nay xét đất bố trí TĐC theo quy định tại Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22.12.2014 của UBND tỉnh thì dự kiến giao đất bố trí TĐC cho 74 hộ với 119 lô. Như vậy thấp hơn quy định cũ là 55 lô. Cho nên người dân không thống nhất di dời nhà cửa và đề nghị Nhà nước xét giao đất TĐC theo các quy định tại thời điểm thu hồi đất ở vào năm 2012. Trong khi đó, tại dự án Nam Hội An cũng như các dự án vùng đông của tỉnh, phần lớn người dân dây dưa bàn giao mặt bằng do “yêu sách” hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất ở bố trí TĐC đối với lô thứ 2 trở lên nhưng quy định của Luật Đất đai năm 2003 là không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Vướng mắc thi hành luật

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, theo điểm b, khoản 1, điều 100 Luật Đất đai năm 2013, một trong những giấy tờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và không phải nộp tiền sử dụng đất là GCNQSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15.10.1993. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hầu hết Sổ địa chính lập sau ngày 15.10.1993; Sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 thời điểm sau năm 1980 nên hiện nay các địa phương không còn lưu trữ hoặc còn nhưng không đảm bảo tính pháp lý (do không có cơ quan nào ký xác nhận) nên việc áp dụng quy định này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhiều hộ dân. Trong khi đó Luật Đất đai năm 2003 không quy định thời điểm này.

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của HĐND tỉnh với các địa phương về xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách đất đai cho phù hợp thực tiễn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho biết, còn nhiều bất cập khi vận dụng chính sách. Công tác BT-HT, GPMB-TĐC nhiều nơi gặp ách tắc khi BT bằng việc giao đất ở TĐC do giá đất TĐC cao hơn giá đất được BT, người dân không đủ khả năng nộp phần chênh lệch nên không chấp thuận bàn giao mặt bằng. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua Quảng Nam vẫn còn nhiều nơi rề rà bàn giao mặt bằng. Ngày 23.5.2017, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo 24 điểm vướng mắc mặt bằng dai dẳng qua các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn và TP.Tam Kỳ. Theo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, nhiều tồn tại trong thu hồi đất của các địa phương, phổ biến nhất là bất cập trong quy hoạch, quản lý hiện trạng; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm; thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện BT-HT, GPMB; xác định giá đất cụ thể để cho thuê đất, giao đất; thủ tục hành chính rườm rà dẫn đến chậm trễ trong thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vướng thực hiện chính sách về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO