Vượt "bão" Covid-19

LÊ DIỄM 01/02/2022 07:38

(Xuân Nhâm Dần) - Cùng với sự đồng hành từ chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đang phấn đấu thích ứng an toàn, khôi phục sản xuất... 

UBND tỉnh thường xuyên thăm hỏi, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: D.L
UBND tỉnh thường xuyên thăm hỏi, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: D.L

Nỗ lực mở cửa

Ở giai đoạn mới, thích ứng an toàn với dịch bệnh, duy trì sản xuất là phương châm của các doanh nghiệp (DN). Tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), dịch bệnh liên tục xâm nhập nhưng các DN vẫn nỗ lực hết sức hoạt động.

Đến nay, 100% người lao động tại KCN được tiêm phòng vắc xin. Dù khó khăn, nhưng toàn bộ 67 DN trong KCN đều duy trì được hoạt động. Dù có một số giai đoạn phải giãn ca, giảm giờ làm, tạm ngưng hoạt động một số chuyền vì có ca dương tính, nhưng không có DN nào đóng cửa. Đó là tín hiệu vui trong một năm quá nhiều thử thách.

Gần 800 lao động của Công ty CP Cẩm Hà đang làm việc tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc vẫn được duy trì việc làm, thu nhập trong năm 2021 đầy khó khăn.

Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Cẩm Hà cho biết, năm 2021 khó khăn nhiều, từ nguyên liệu đầu vào tăng giá chóng mặt, chi phí vận chuyển tăng gấp 10 lần, các ca dương tính có thể xâm nhập bất cứ lúc nào...

Để ứng phó tình hình này, công ty yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, siết chặt hoạt động để dịch bệnh không xâm nhập. Nguyên liệu đầu vào tăng giá thì công ty làm việc với khách hàng hàng tháng, thông báo về giá cả trước khi chốt đơn để khách hàng không bất ngờ.

“Chúng tôi kiểm soát chi phí đầu vào, tiết giảm tối đa nguyên vật liệu, vật tư khi sản xuất. Công ty làm việc với đơn vị vận chuyển sớm, cam kết bàn giao hàng vận chuyển đúng hẹn.

Tất cả nỗ lực đã giúp công ty ổn định hoạt động. Năm 2021, công ty đã xuất khẩu 500 container hàng sang thị trường Mỹ và châu Âu, doanh thu đạt 400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Công ty cũng đã nhận đơn hàng đảm bảo sản xuất đến tháng 4.2022” - ông Hoàng cho biết. 

Chính quyền đồng hành

Dù khó khăn, sản xuất kinh doanh đã có những dấu hiệu hồi phục. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời gian tới, Tập đoàn Thaco dự kiến đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để phát triển trung tâm cơ khí của Thaco tại Chu Lai trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng của miền Trung. Công ty Nutifood cũng xúc tiến đầu tư vào Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam khoảng 2.000 tỷ đồng và những tập đoàn, tổng công ty lớn đang nghiên cứu đầu tư vào Quảng Nam như SunGroup, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, liên doanh các nhà đầu tư Singapore…

Người lao động tại Công ty CP Cẩm Hà việc làm ổn định trong năm qua. Ảnh: D.L
Người lao động tại Công ty CP Cẩm Hà việc làm ổn định trong năm qua. Ảnh: D.L

Các lĩnh vực được các doanh nghiệp chú trọng là logistics, công nghiệp hàng không, khu phi thuế quan, sàn giao dịch thương mại quốc tế, khu đô thị công nghệ cao… Điều này sẽ tạo ra rất nhiều việc làm chất lượng cao và hệ sinh thái cho các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp cộng hưởng cùng phát triển trong thời gian tới.

Khi dịch bệnh xảy ra, các chính sách hỗ trợ đã đến được với DN để DN có điều kiện vượt qua khó khăn. Toàn tỉnh có 1.398 khách hàng được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại hơn 3.503 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho 13 DN vay vốn tổng cộng 1.732 triệu đồng để trả lương cho 467 lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP với tổng tiền thuế được gia hạn là 716,04 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất năm 2021 theo Quyết định 27/2021/NĐ-CP cho 71 trường hợp DN đề nghị với tổng số tiền giảm là 15,7 tỷ đồng. 

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Có 20 tổ công tác sẽ bám từng khu vực, địa bàn trong tỉnh do người đứng đầu của mỗi địa bàn làm tổ trưởng.

Ban chỉ đạo đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải chủ động sắp xếp thời gian đến làm việc trực tiếp với các DN để ghi nhận và giải quyết nhanh những đề xuất, kiến nghị của DN, không phải chờ DN mang đơn đến, rồi mòn mỏi chờ đợi để được giải quyết.

“Lãnh đạo tỉnh cũng thành lập các tổ công tác định kỳ xuống từng địa bàn để giải quyết tại chỗ các vướng mắc, hạn chế ngồi ở văn phòng chờ báo cáo, chuyển đi chuyển lại, mất thời gian, không thực tế.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về một năm tổ chức ít nhất hai lần đối thoại DN, Quảng Nam triển khai tổ chức đối thoại hàng tháng với DN để kịp thời động viên, chia sẻ, tháo gỡ ngay các khó khăn và đảm bảo mỗi DN được thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm. Tỉnh sẽ tiếp tục có sự đồng hành, hỗ trợ tối đa giúp DN thích ứng, vượt qua khó khăn” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt "bão" Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO