Vượt “bẫy” tái nghèo

HỨA XUYÊN HUỲNH 06/12/2022 05:49

Trong 4 nhóm vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất lựa chọn để chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, câu chuyện thoát nghèo - tái nghèo dù không được “điểm danh” trực tiếp trong nhóm thứ 3 (lĩnh vực lao động, việc làm, giảm nghèo) nhưng có thể cảm nhận được. Cảm nhận thông qua các nội dung sẽ hỏi - đáp về đào tạo nghề, giải pháp phát triển thị trường lao động sau đại dịch COVID-19, giảm nghèo bền vững, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng hoặc thấp hơn mức chung của cả nước…

Quảng Nam sắp đi qua một năm 2022 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Quảng Nam thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước, với dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,4% theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư.

Ít nhất 5 chỉ tiêu quan trọng trong số 15 chỉ tiêu mà nghị quyết HĐND tỉnh đề ra trong năm 2022 cũng dự kiến vượt, mà một trong số đó là chỉ tiêu giảm số hộ nghèo (10/15 chỉ tiêu còn lại đạt kế hoạch). Vậy, Quảng Nam liệu có phải lo lắng gì thêm về “bẫy” tái nghèo?

Ngoài những tín hiệu lạc quan, ở nhiều địa bàn trên toàn quốc, dễ nhận ra một số biểu hiện xáo trộn trong đời sống sinh hoạt những tháng cuối năm. Sức chịu đựng của một số doanh nghiệp đã cạn, nguy cơ đóng cửa công ty hiển hiện ở một vài nơi, mà gần nhất là cuối tuần qua ở TP.Đà Nẵng khi ngành chức năng phải kết nối cho công ty (công bố giải thể) và công nhân đối thoại.

Bao giờ cũng vậy, thị trường lao động là nơi dễ hứng chịu tổn thương, như mặt hồ dễ “gợn sóng” nếu chịu một lực tác động nào đó. Thị trường ấy càng “nóng” hơn sau đại dịch COVID-19, khi nguồn lực phân tán, đơn hàng thu hẹp, vốn tích lũy bị bào mòn…

Và nếu quan sát kỹ, chẳng phải chỉ gợn lăn tăn trên mặt nước, dưới đáy hồ cũng tiềm ẩn nhiều sóng cuộn.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thông báo về kết quả công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2022 (trình bày tại kỳ họp thường lệ HĐND cuối năm 2022), thấy có nhắc đến nguy cơ tái nghèo.

“Một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo cao”, kiến nghị từ Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên được ghi nhận trong thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Lo lắng nảy sinh khi các chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh (ban hành từ năm 2017) hết hiệu lực từ năm 2022, rất cần sớm ban hành các chính sách mới cho giai đoạn 2022 - 2025.

Thực ra, “bẫy” tái nghèo không đơn giản do tác nhân nào đó giăng ra, chỉ cần huy động lực lượng săn tìm và “gỡ” là xong. Muốn gỡ bẫy, phải tìm mọi cách đẩy mặt bằng đời sống lên cao. Bởi nếu không, khi ngưng một chính sách hỗ trợ khuyến khích nào đó, người-bớt-nghèo sẽ nhanh chóng… quay lại vạch xuất phát. Khi đó, công cuộc xóa đói giảm nghèo lại bấp bênh.

Ngay trong kỳ họp thường lệ cuối năm này, những câu hỏi về thoát nghèo bền vững tiếp tục đưa ra mổ xẻ. Đơn cử với thời hạn hỗ trợ lãi suất vay dành cho hộ nghèo chỉ 36 tháng, cử tri huyện Nam Giang cho là “chưa đủ thời gian để người dân quay vòng vốn”.

Nêu ý kiến ra tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa X), cử tri minh họa cho kiến nghị: Cần cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững phải “thực sự mang lại hiệu quả”… Ngay sau kiến nghị này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát và tổng kết, đánh giá chính sách khuyến khích cũ và lưu ý kiến nghị của cử tri về thời hạn hỗ trợ lãi suất vay (60 tháng).

Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 cũng đang được soạn thảo với tinh thần “kế thừa, phát triển các chính sách cũ và tích hợp thêm một số chính sách mới”…

Mới thấy, muốn vượt “bẫy” thành công, phải khởi đi từ những đòi hỏi thiết thực của cuộc sống và phải luôn được cập nhật, chỉnh sửa, bổ khuyết trong quá trình vận hành chính sách.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt “bẫy” tái nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO